10:17 - 27/02/2023
Khởi nghiệp F&B vẫn ‘nóng’
Dù bị đánh giá là mảng dễ làm, dễ thất bại nhưng ngành dịch vụ ăn uống (F&B) hiện vẫn thu hút người trẻ khởi nghiệp.
Những “lùm xùm” tranh chấp thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” gần đây cho thấy giá trị thương hiệu của một mô hình F&B thành công không hề nhỏ. Khi phát triển được một mô hình F&B thành công, người sáng lập không chỉ có nguồn thu từ việc bán món ăn, thức uống trong thực đơn mà còn có nguồn thu lớn từ giá trị thương hiệu.
Giấc mơ mở chuỗi
Trao đổi với phóng viên, một doanh nhân có tiếng trong ngành nông nghiệp cho biết đang ấp ủ kế hoạch về một chuỗi nhà hàng phở chỉ sử dụng nguyên liệu tự nhiên để tạo nên vị ngon của món ăn.
“Đây là ý tưởng khởi nghiệp của một bạn trẻ và tôi là nhà đầu tư thiên thần. Tôi thấy các quán phở bây giờ lạm dụng phụ gia, hóa chất nhiều quá; nguồn rau, thịt ít nơi chọn loại chất lượng tốt. Công ty chúng tôi có nuôi bò, bán thịt bò và trang trại trồng rau các loại nên nguyên liệu cơ bản tự cung cấp được. Mở chuỗi phở vừa tận dụng lợi thế, vừa chủ động đầu ra cho khâu sản xuất” – doanh nhân này bày tỏ.
Hiện tại, cửa hàng phở đầu tiên của chuỗi đã đi vào kinh doanh để hoàn thiện dần mô hình. Sau khi đủ lớn, mô hình này mới chính thức ra mắt với tư cách là thành viên công ty mà doanh nhân trên quản lý.
Thời gian gần đây, tại TP.HCM, các sự kiện về khởi nghiệp lẫn nhượng quyền F&B được tổ chức khá nhiều và thu hút rất đông người tham gia. Theo ông Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo 3AI – chuyên gia thị trường, thời điểm hiện tại kinh tế khó khăn nên mặt bằng trống nhiều, giá thuê hợp lý. F&B là ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu nên vẫn có cơ hội trong khi những ngành hàng không thiết yếu hay xa xỉ bị cắt giảm.
“Điều kiện tham gia thị trường khá dễ khi không cần vốn đầu tư ban đầu lớn, không cần chuyên môn sâu và chỉ trong thời gian ngắn là lời lỗ biết ngay” – chuyên gia Trần Anh Tuấn phân tích.
Chuyên gia này cho rằng thực tế, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở mảng F&B đều có tham vọng mở chuỗi từ một chi nhánh ban đầu. Nhiều trường hợp đi trước đã thành công, thu được nhiều tiền từ việc thu phí nhượng quyền hoặc bán luôn 100% cổ phần công ty với giá rất cao từ một khởi đầu khiêm tốn.
Dưới góc nhìn của ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director – Horeca Business School, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng quay lại những ngành có nhu cầu cao như F&B, bởi đây là dịch vụ cơ bản và có dòng tiền tốt. “Khi thị trường bất động sản ảm đạm, những nhà đầu tư sở hữu mặt bằng đẹp sẽ phát triển dịch vụ ẩm thực. Họ có niềm tin rằng ngành F&B sẽ thu hút nhiều người đến, từ đó giúp gia tăng giá trị bất động sản của mình” – ông Đỗ Duy Thanh nhận xét.
Khó nhưng vẫn lao vào
Ông Nguyễn Chánh, phụ trách nhượng quyền nhiều thương hiệu F&B, cho hay ngành F&B tuy khó nhưng so với những ngành khác thì vẫn dễ hơn. Với người có vốn, hiện rất ít kênh đầu tư thì nên chọn F&B bởi đây là ngành thiết yếu, nhu cầu thị trường luôn sẵn, miễn có mô hình và sản phẩm phù hợp. Với những người chưa có việc làm thì “khởi nghiệp F&B” là phù hợp khi vốn chỉ cần 20 – 50 triệu đồng là có thể bắt đầu.
Theo ông Chánh, nhiều chuỗi F&B hiện nay có mục tiêu tăng trưởng quy mô cũng như cạnh tranh với nhau nên không thu phí nhượng quyền, chỉ lấy chi phí lắp đặt (setup) nên dễ thu hút người tham gia hơn. Tuy vậy, ông Chánh cho hay so với trước dịch COVID-19, nhà đầu tư thận trọng hơn rất nhiều. Trước đây, với khoảng đầu tư dưới 50 triệu đồng cho một chi nhánh F&B, chỉ cần tư vấn 1-2 tuần, nhà đầu tư có thể “chốt” nhưng nay họ xem xét cả tháng mới ra quyết định.
“Họ thà để tiền trong ngân hàng lãi suất thấp chứ không sẵn sàng đầu tư mạo hiểm. Phải là mô hình có tỉ lệ thành công cao thì họ mới đầu tư” – ông Chánh nhận xét.
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, sở dĩ nhiều người khởi nghiệp F&B thất bại là do chưa lường hết những khó khăn của thị trường. “Kinh tế khó khăn, người dân giảm ăn uống ngoài gia đình trong khi số lượng người tham gia kinh doanh lại tăng lên. Hiện tại, các mô hình F&B bình dân lại dễ thở, còn các mô hình cao cấp khó khăn hơn. Nếu đầu tư không tới, không đủ tinh tế trong phục vụ thì rất dễ gặp thất bại” – ông Tuấn đúc kết.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, sau dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng thay đổi, nếu các chủ kinh doanh F&B không đổi mới sáng tạo, không thích nghi sẽ bị đào thải. F&B giờ rất khác xưa, không chỉ có món ngon, treo bảng mà cần phải ra món mới liên tục, phải làm khuyến mãi, tổ chức sự kiện… mới hút được khách.
“Để tồn tại, các quán phải đa dạng nguồn thu. Ngoài việc bán tại chỗ phải có bán mang về, bán món ăn, bán luôn từng thành phần nguyên liệu như: rau rừng, bánh tráng, chả cá… Ở Mỹ, có chuỗi bún bò vì ảnh hưởng dịch bệnh mà sản xuất bún bò cấp đông, đưa vào siêu thị rất thành công” – ông Tuấn gợi ý.
Ông Dương Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA), đánh giá tiềm năng cho khởi nghiệp F&B vẫn còn rất lớn, nhất là khi TP.HCM có đề án phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, ông thừa nhận tỉ lệ thất bại trong ngành F&B khá cao, gây ra nhiều hệ lụy nên FBA ra đời để giúp cho ngành này chuyên nghiệp hóa.
“FBA sẽ có nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo để anh em trong ngành có đầy đủ thông tin, kiến thức trước khi quyết định bỏ vốn ra làm ăn nhằm giảm tỉ lệ thất bại. Chúng tôi sẽ mời chủ những mô hình thành công đến chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, số hóa để hỗ trợ việc quản lý kinh doanh mô hình F&B” – Phó Chủ tịch FBA bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
NSƯT Quang Tèo – trọn niềm tin với cá kho Bá Kiến
Hội DN HVNCLC nhiệm kỳ III lấy ba năng lực cốt lõi làm trụ cột
Cuộc chiến cửa hàng tiện lợi: giành nhau ‘từng tấc đất’
Ai làm sôi máu cạnh tranh?
Sau vụ arsenic, thị trường nước mắm ra sao?
Tags:f&bkhởi nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này