10:58 - 22/08/2024
Shopee tăng phí, công ty mẹ thu đậm
Shopee và công ty mẹ Sea đang cho thấy những bước tiến mạnh mẽ, khi họ vừa ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, vừa tự tin tăng phí người bán mà không sợ “mất mối”. Tại Việt Nam, ngôi vương của Shopee vẫn không hề suy yếu.
Sea Ltd, đơn vị chủ quản của sàn thương mại điện tử Shopee, đã vượt mốc doanh thu ước tính trong quý 2, nâng cao dự báo kết quả hoạt động của của Shopee. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến rất mạnh ở Đông Nam Á. Điều này cũng giúp cổ phiếu của Sea tại Mỹ tăng 11% vào hôm Thứ Ba, 20/8/2024.
Cụ thể, doanh thu của Sea tăng 23%, đạt mốc 3,81 tỷ USD trong quý 2 kết thúc vào ngày 30/6, cao hơn con số 3,71 tỷ USD mà các nhà phân tích ước tính trước đó.
Giới phân tích tại Bernstein chỉ ra rằng Sea đang tích cực dồn lực phát triển thương mại điện tử. CEO Forrest Li cho biết tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Shopee dự kiến tăng trung bình 20% trong năm 2024, vượt qua dự đoán dưới 20% trước đó mà Sea đưa ra. Dữ liệu từ LSEG cho thấy doanh thu từ TMĐT chiếm khoảng 2/3 doanh thu của Sea, đạt mốc 2,8 tỷ USD, tăng 34% so với con số ước tính trước đó là 2,68 tỷ USD.
Sau bước phát triển vượt bậc năm trong hai năm 2020 và 2021, Sea đã phải đối mặt với những thách thức khi suy thoái kinh tế toàn cầu hậu đại dịch đã đè nặng lên sự tăng trưởng của họ, buộc họ phải sắp xếp lại hoạt động kinh doanh và cắt giảm việc làm.
Việc vươn tầm ra khỏi thị trường Đông Nam Á, tiến đến nhiều khu vực khác như Ấn Độ, châu Âu và châu Mỹ Latin, cũng như tăng phí người bán trên Shopee, đã giúp công ty đạt được lợi nhuận theo năm lần đầu tiên hồi năm ngoái.
Có vẻ như để giữ vững phong độ này, Sea đã không ngần ngại tiến hành những đợt tăng phí hoa hồng người bán trên nền tảng Shopee. Trong năm nay, họ đã hai lần tăng phí hoa hồng, tương đương hơn 30%, ở nhiều thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, như là Indonesia hay Philippines.
Những động thái chưa từng được báo cáo trước đây cho thấy Sea tin tưởng rằng họ có thể giữ chân nhà bán ở các thị trường trọng điểm, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng từ TikTok, Temu và Lazada. Hiện nay, phí hoa hồng của Shopee ở Thái Lan đã lên mức 13%. Trong khi đó, tỷ lệ phí của TikTok là 8%, còn Lazada là 10%.
Bản thân Sea và Shopee có vốn liếng riêng để tự tin rằng nhà bán không bỏ họ mà đi, đó là cơ sở khách hàng rộng rãi và hệ thống giao hàng được thiết lập bài bản. Tuy nhiên chiến lược này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các đối thủ như Temu (của PDD Holdings Inc.) và TikTok (của ByteDance Ltd.) đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, và người bán có thể chuyển từ Shopee sang Temu hoặc TikTok nếu phí sàn Shopee quá đắt.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Shopee vẫn là ông vua thị trường TMĐT Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ngôi vương của họ càng vững chắc hơn bao giờ hết, bất chấp sự theo đuổi sát sao của TikTok Shop.
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, người tiêu dùng đã chi tổng cộng hơn 87 nghìn tỷ đồng trong quý II/2024 cho bốn sàn TMĐT Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki. Trong đó, Shopee dẫn đầu với GMV chiếm 71,4% thị phần, đạt 62.380 tỷ đồng. Một điều đáng chú ý khác là chỉ có Shopee là mở rộng thị phần trong quý này, trong khi các đối thủ như Lazada và Tiki đều thu hẹp. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Shopee vẫn là cái tên dẫn đầu với tổng giá trị giao dịch lên đến 116.120 tỷ đồng, chiếm gần 69,7% thị phần.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 22/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này