11:19 - 19/08/2024
Khốc liệt thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam
Với “miếng bánh” tiềm năng, thị trường bưu chính và chuyển phát nhanh Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Trăm nhà đua tiếng”
Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ thương mại điện tử nửa đầu năm 2024, tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành bưu chính và chuyển phát nhanh trong nước, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát B2C. Theo đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về khối lượng các mặt hàng phục vụ cho phân khúc thương mại điện tử nói riêng.
Tiềm năng của thị trường đã mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường. Tuy nhiên, nó cũng làm gia tăng sự cạnh tranh khốc liệt giành thị phần giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Theo một thống kê mới nhất, hiện tại thị trường bưu chính chuyển phát nhanh đang có sự cạnh tranh gay gắt với gần 800 doanh nghiệp được cấp phép trong dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, với hơn 90% doanh số tập trung chủ yếu vào một số người chơi chính trên thị trường như Viettel Post, VNPost, Best Express, EMS, GHN, GHTK, J&T, Flex Speed và SPX Express. Thị phần còn lại rất ít được chia cho hơn 700 doanh nghiệp nhỏ khác.
Trong số này, có không ít doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp này đã tạo ra cuộc cạnh tranh về giá với nhiều chương trình miễn cước vận chuyển, khuyến mại lớn…, khiến tỷ suất lợi nhuận của ngành này đang ở vào ngưỡng rất thấp, chỉ khoảng 3%.
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh trên thị trường càng trở nên khốc liệt hơn khi các sàn thương mại điện tử cũng lập các đơn vị chuyển phát riêng, độc quyền chuyển phát hàng hóa từ người bán tới người mua, như Tiktok Shop hay là Shopee. Đó là chưa kể đến việc các hãng xe khách cũng nhận vận chuyển các bưu kiện hàng hóa của khách hàng như Hoàng Long, Hải Âu…
Những mảng màu sáng tối
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, nửa đầu năm 2024, doanh thu từ dịch vụ này dự kiến đạt 33,79 nghìn tỷ đồng (1,3 tỷ USD), tăng 22% so với cùng kỳ. Kết quả này đạt 52,1% tổng mục tiêu cho năm 2024. Tuy nhiên, cũng đang có những mảng màu sáng tối trong bức tranh kinh doanh của những người chơi lớn dẫn dắt thị trường.
Báo cáo cũng nêu rõ, VNPost đang trên đà đạt được doanh thu ước tính hơn 7.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Con số này tương ứng với 39,5% mục tiêu cả năm và tăng trưởng ấn tượng 100,5% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 268,3 tỷ đồng, đạt một nửa mục tiêu cả năm và tăng đáng kể 103,5% so với năm ngoái.
Những điểm yếu như chậm nắm bắt xu hướng thị trường, chậm triển khai ứng dụng công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp logistics, dịch vụ, sản phẩm số,… đã từng bước được doanh nghiệp nhà nước này khắc phục để có được những kết quả kinh doanh nói chung là thuận lợi trong nửa đầu năm 2024.
Trong khi đó, tổng doanh thu của Viettel Post trong sáu tháng đầu năm đã tăng vọt lên hơn 9.600 tỷ đồng, tương đương 158,7% kế hoạch cả năm. Triển vọng doanh thu cả năm đạt gần 19.600 tỷ đồng. Sau 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Viettel Post đạt 190,5 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch. Lợi nhuận cả năm ước đạt 486,1 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch năm.
Nhờ sự linh hoạt, nắm bắt tốt xu hướng thị trường, chiến lược sáng tạo, chuỗi cung ứng mở rộng, hợp tác chặt chẽ với khách hàng B2B và thu hẹp phân khúc kinh doanh bán lẻ, Viettel Post đã tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng thị phần lên vị trí dẫn đầu trong ngành.
Nhìn về cuối năm, Viettel Post đã vạch ra mục tiêu đầy tham vọng, hướng đến tổng doanh thu hợp nhất đạt 7,5 nghìn tỷ đồng. Trong mục tiêu, doanh thu dịch vụ bưu chính dự kiến đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 295,59 tỷ đồng. Nộp ngân sách dự kiến đạt 318,3 tỷ đồng.
Ngược lại, trong triển vọng sáng của ngành, Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) là một cái tên gây thất vọng ở nửa đầu năm 2024. Công ty dự kiến chỉ đạt tổng doanh thu 3,4 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù được đánh giá là có nhiều điểm mạnh so với các “ông lớn” khác trong ngành với tốc độ nhanh, giá cả cạnh tranh và tư duy dịch vụ linh hoạt được xây dựng trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, thương hiệu này còn có sự hiện diện mạnh mẽ tại 63 trung tâm tỉnh và thành phố trên toàn quốc với quy mô hơn 1.000 trung tâm hoàn tất đơn hàng và 550 chi nhánh. Tuy nhiên, GHTK cũng gặp không ít thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần khi liên tục có sự sụt giảm trong những năm gần đây.
Nhìn chung, với những kết quả đã đạt được trong nửa đầu năm nay, điều dễ nhận thấy đối với những doanh nghiệp dẫn đầu thị phần là bên cạnh sự cạnh tranh về giá thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, số hóa dịch vụ và nâng cấp công nghệ là yếu tố then chốt để duy trì, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong khi những doanh nghiệp chậm nắm bắt xu hướng, chậm đầu tư công nghệ buộc phải nhường lại thị phần cho đối thủ.
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Ngày đăng: 18/8/2024
Có thể bạn quan tâm
McDonald’s bị kiện vì quảng cáo trái luật ở Québec
CJ đầu tư khu phức hợp thực phẩm 1.400 tỷ đồng
Công bố chính thức logo thương hiệu Gạo Việt Nam
APEC 2017: Tuyên bố Bộ trưởng về Hiệp định TPP tại Hà Nội
Cảnh báo DN nhập khẩu trái cây UAE lừa đảo, gian lận thương mại
Tags:chuyển phát nhanh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này