16:41 - 11/09/2024
Khi startup Lagom chưa đủ ‘chín’
Tuy không huy động vốn thành công nhưng Lagom vẫn nhận được lời hứa đồng hành từ các Shark. Một trong những lý do lớn nhất khiến các Shark từ chối là vì Lagom có tiềm năng nhưng vẫn quá sớm, vẫn chưa chính thức bước vào kinh doanh.
Lagom là công ty khởi nghiệp sáng tạo tái chế sáng lập bởi Lê Trung Thông, kỹ sư điện tử – tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trần Văn Hiếu, kỹ sư Đại học Xây dựng. Bộ đôi nảy ra ý tưởng bước chân vào ngành tài chế khi trong quá trình từ thiện, thu gom rác, họ nhận thấy các cơ sở thu gom này gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và vận hành.
Tham khảo mô hình tại các quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ và Dubai, Thông cùng các cộng sự quyết định hướng đi của Lagom sẽ bắt đầu từ việc giáo dục, thu gom nguyên vật liệu rồi mới bắt đầu sản xuất.
Trong vòng 5 năm qua, Lagom đã dành thời gian giáo dục nhận thức cho các học sinh cũng như các hộ gia đình. Đến thời điểm hiện tại, họ đang kết hợp và thu gom nguyên vật liệu từ 2000 trường học.
Bên cạnh đó, họ còn tiến hành nghiên cứu và phát triển những sản phẩm tái chế phục vụ cho ngành nội ngoại thất, thời trang. Nổi bật là Lagom Eco Hanger – móc áo tái chế 100% từ vỏ sữa giấy. Sản phẩm này từng đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp tại Đức năm 2022, giá bán 0,5 đô, chỉ bằng 1/4 mức giá 2 USD các sản phẩm tương tự ở Châu Âu.
Đến với chương trình Shark Tank mùa 7, Thông xuất hiện với sản phẩm chiếc móc áo tái chế đặc trưng của Lagom. Thông chia sẻ rằng startup của anh đã hoàn thiện được công nghệ sản xuất với quy mô công nghiệp, công suất mỗi năm lên đến 2.000 tấn, doanh thu năm đầu tiên có thể lên đến 50 tỷ đồng và lợi nhuận 12,5 tỷ đồng. Dự kiến sau 4 năm có thể đẩy công suất lên 10.000 tấn.
Về bức tranh tài chính, Thông cho biết vốn điều lệ của Lagom là 6,6 tỷ. Vì chưa tập trung bán hàng nên doanh thu trong 5 năm của Lagom là khoảng 3 tỷ, chưa có lợi nhuận và lỗ lũy kế gần 5 tỷ. Anh mong đợi kêu gọi số vốn 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần, trong đó 39 tỷ dùng để đầu tư cơ sở vật chất cho một nhà máy lớn.
Dựa trên những thông tin và chia sẻ của Thông, các Shark đều nhận định đây là thương vụ gọi vốn lớn nhưng mọi thứ còn đang ở giai đoạn quá “trứng nước”. Vậy nên dưới tư cách nhà đầu tư, các Shark đều từ chối thương vụ này.
Trên thực tế, hàng tái chế là một mảng kinh doanh rất “hợp thời”. Thị trường thế giới bắt đầu có những yêu cầu phải sử dụng nguyên liệu tái chế. Thậm chí có những yêu cầu sản phẩm tái chế phải đạt tỷ lệ từ 30 đến 60%.
Đó không chỉ là câu chuyện của thế giới. Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu phát phải ròng bằng không. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang nước khác thì phải bảo đảm tín chỉ carbon và tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trong từng sản phẩm.
Trong bối cảnh ấy, những công ty khởi nghiệp sáng tạo chuyên về hàng tái chế như Lagom chắc chắn sẽ có đất diễn.
Thế nhưng ở thời điểm này, việc sản xuất nguyên liệu tái chế ở Việt Nam vẫn còn mang tính thủ công và nhỏ lẻ là chủ yếu, chưa có nhà máy nào đủ năng lực sản xuất ổn định. Điều này không chỉ không đảm bảo được số lượng, mà còn khiến chi phí tăng cao. Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường từ Trung Quốc. Đây chính là lỗ hổng khá lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam từng có ứng dụng “gọi rác thải” VECA khá thành công. Họ hoạt động với mô hình giống gọi xe công nghệ. Người nào có chai nhựa rỗng đã qua sử dụng có thể đăng lên ứng dụng, đặt lịch hẹn và địa điểm thuận tiện để người thu gom đến lấy.
Tính đến tháng 7/2023, VECA cho biết họ đã thu gom được 80 tấn phế liệu và 100 tấn vỏ hộp sữa, 3400 lượt tải xuống. Không chỉ vậy, họ còn trở thành đối tác thu gom rác cho Saigon Co.op, Tetra Park Việt Nam và cả Coca-cola.
Tuy nhiên, VECA vẫn chủ yếu dừng ở công đoạn thu gom. Trong khi đó Lagom đang theo hướng thu gom, tái chế, làm ra sản phẩm lẫn kinh doanh. Mặc dù rất tiềm năng và thị trường cũng có nhu cầu, nhưng vẫn còn ở “thì tương lai”. Bản thân Lagom cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa chính thức kinh doanh, chưa tập trung ra sản phẩm. Vậy nên Lagom vẫn đang ở “buổi bình minh” trong sự nghiệp của mình. Họ còn một chặng khá dài nữa để đi trên con đường tiềm năng của mình.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 11/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này