09:32 - 11/09/2024
Cuộc đua mở chuỗi bán lẻ nóng trở lại
Sau thời gian đóng cửa hàng loạt chi nhánh, gần đây các hệ thống bán lẻ lại đua nhau khai trương điểm bán mới, thậm chí mở ở khu trung tâm.
Bà Nguyễn Thảo Hương (ngụ quận 1, TP.HCM) cho hay lúc trước thường mua hàng tại các sạp quen ở chợ Tân Định thì nay ghé thêm các siêu thị để săn hàng khuyến mãi. Đặc biệt, vào buổi chiều, một số siêu thị giảm giá rất sâu các mặt hàng tươi sống.
Nhiều điểm bán mới xuất hiện
Ghi nhận ở khu vực xung quanh chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), chỉ trong thời gian ngắn, các siêu thị mini như Bách Hóa Xanh, Kingfoodmart, WinMart+… đua nhau ra đời, thế chỗ cho các cửa hàng chuyên bán thịt sạch nở rộ vài năm trước.
Trên địa bàn quận 8, TP.HCM, ngày 6/9 vừa qua, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã chính thức đưa vào hoạt động siêu thị mini Co.opmart Phạm Thế Hiển ở chung cư Green River. Gọi là mini nhưng Co.opmart này có diện tích gần 2.500 m2 với tổng vốn đầu tư, trang thiết bị và hàng hóa gần 40 tỉ đồng, kinh doanh 20.000 mặt hàng nhu yếu phẩm như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nấu chín, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, gia dụng, đồ chơi trẻ em…
Đây cũng là siêu thị Co.opmart đầu tiên được Saigon Co.op phát triển theo mô hình mới tinh gọn về diện tích lẫn ngành hàng kinh doanh, mang lại trải nghiệm mua sắm thuận tiện, thân thiện cho cư dân trong chung cư. Siêu thị này không chỉ bán đá viên, bình nước uống (loại 19 lít) và giao tận nhà cho khách mà còn mở cửa rất sớm (từ 6 giờ) để phục vụ bữa ăn sáng cho học sinh, sinh viên, dân công sở…
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình mới năng động hơn với diện tích chỉ khoảng 1.000 m2 và tập trung ở các khu dân cư. “Với mô hình này, Saigon Co.op đặt tiêu chí tiện ích, tiện lợi lên hàng đầu, tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm với tỉ trọng 95%” – ông Thắng chia sẻ.
Hệ thống cửa hàng thực phẩm cao cấp Farmers Market cũng vừa khai trương chi nhánh thứ 6 trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM) và sắp mở thêm chi nhánh thứ 7 tại TP Thủ Đức (khu vực quận 2 cũ).
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống này, cho hay: “Trước đây, người tiêu dùng có tài chính tốt, Farmers Market bán thực phẩm cao cấp, đồ ăn vặt thì nay phát triển thêm các thực phẩm thiết yếu phục vụ người nội trợ hằng ngày như rau củ quả, thịt cá, gia vị… và bán thêm cả nhân sâm, yến sào để đa dạng hóa nguồn thu”.
Cũng theo ông Lộc, hiện các siêu thị mini chuyên kinh doanh một mặt hàng rất khó tồn tại mà phải là mô hình bách hóa tổng hợp phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Phải chuyển dịch mô hình
Ghi nhận trên thị trường 1 – 2 năm trở lại đây, số lượng các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tăng rất nhanh. Trong đó, Kingfoodmart – chuỗi bán lẻ mới gia nhập thị trường từ sau dịch COVID-19 – đến nay đã có 68 siêu thị; dự kiến trong tháng 9 này sẽ khai trương siêu thị tiếp theo tại quận Bình Tân. Trước đó, Kingfoodmart đã đồng loạt khai trương 2 siêu thị mới tại huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức vào cuối tháng 8 và mở rộng một siêu thị tại quận 9 cũ từ 200 m2 lên 300 m2.
Wincommerce – doanh nghiệp (DN) bán lẻ thuộc Masan Group, đang sở hữu và vận hành chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam với hơn 130 siêu thị WinMart và hơn 3.600 siêu thị mini WinMart+/WiN – cũng vừa công bố sẽ mở khoảng 100 cửa hàng mini mới mỗi quý, đặc biệt là chú trọng tăng sự hiện diện và vị thế ở khu vực nông thôn. Saigon Co.op thì dự kiến khai trương gần 40 cửa hàng Co.op Food, chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Đinh Minh Thông, Giám đốc marketing Công ty CP DannyGreen – sở hữu hệ thống siêu thị mini DannyGreen BioMarkt chuyên về rau củ quả và thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ – cho biết công ty có kế hoạch đạt mốc 11 chi nhánh vào năm nay, tức tăng thêm 7 chi nhánh so với hiện tại. Mới đây, chi nhánh thứ 4 của hệ thống được mở tại số 325 Lý Tự Trọng (quận 1), ngay góc ngã sáu Phù Đổng – nơi được mệnh danh là mặt bằng đắt đỏ nhất TP.HCM, với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng từng thuê như Phúc Long, Soya Garden, PhinDeli…
“Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe và mong muốn sử dụng các sản phẩm an toàn, hữu cơ. Hiện tại, sức mua vẫn yếu nhưng chúng tôi hy vọng khi thị trường hồi phục thì thương hiệu DannyGreen BioMarkt đã được người tiêu dùng nhận diện và chọn là điểm mua sắm” – ông Thông cho biết.
Các chuyên gia nhận định thị trường đang có sự chuyển dịch mô hình bán lẻ khi mà các nhà bán lẻ rất khó tìm được mặt bằng lớn để mở đại siêu thị. Vì vậy, họ phải nghiên cứu và chuyển dịch sang các mô hình nhỏ, phù hợp với các khu dân cư để tiếp cận thị trường.
“Về mặt lý thuyết, DN bán lẻ muốn tăng doanh số, tăng lợi nhuận thì phải tăng độ phủ, cụ thể là tăng số điểm bán. Vì nếu không mở các điểm bán mới, DN chỉ có thể tăng 3%-5% doanh số mỗi năm trong khi DN thường muốn tăng trưởng 10%-15%/năm hoặc thấp nhất cũng tương đương với tăng trưởng GDP” – một chuyên gia cho biết.
Cùng với việc thay đổi mô hình, các nhà bán lẻ cũng thay đổi cơ cấu hàng hóa theo hướng tinh giản dần các mặt hàng phi thực phẩm, dành diện tích để tối ưu nhóm hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Theo Thanh Nhân – Ngọc Ánh/Người Lao Động
Ngày đăng: 11/9/2024
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam hội nhập (P.3): Doanh nghiệp Việt ‘loay hoay’ trong thế giới đầy biến động
Đông Nam Á là ‘mỏ vàng’ mới cho các thương hiệu đồ chơi
‘Đại gia bán lẻ Nhật Bản’ Miniso là công ty Trung Quốc?
Trung Quốc chọn Việt Nam là nơi ‘xả hàng’?
Ông Trump tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ
Tags:chuỗi bán lẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này