09:41 - 11/09/2024
‘Chuyện dài tập’ Circle K & 7-Eleven
Alimentation Couche-Tard, công ty mẹ của Circle K, đưa ra con số bỏng tay 39 tỷ USD, nhưng Seven & i Holdings, công ty mẹ 7-Eleven, nói “Không”. Song “phim” vẫn chưa hết.
Con số 39 tỷ USD tương đương với 14,86 USD trên mỗi cổ phiếu. Nghe có vẻ rất ngon ăn. Thế nhưng 7-Eleven lại đưa ra lý do “thương vụ này không phù hợp với giá trị thực sự” để từ chối
Trong bức thư gửi ra hôm 6/9, Chủ tịch Stephen Dacus của chủ sở hữu 7-Eleven thẳng thừng nói rằng “Mấy người không hiểu gì về chúng tôi”. Dân tình đoán già đoán non về ẩn ý đằng sau những lời từ chối và bày tỏ của phía 7-Eleven. Họ đưa ra hai lý do có vẻ thuyết phục nhất.
Thứ nhất, các rủi ro về mặt pháp lý. 7-Eleven nghĩ rằng Circle K đang nhìn vấn đề với lăng kính màu hồng, chưa suy nghĩ thấu đáo về những rào cản pháp lý có thể xảy ra trong thương vụ này.
Thứ hai, không hợp “văn hóa”. Bởi vì Circle K dường như đã đánh giá thấp sức ảnh hưởng của 7-Eleven trong đời sống hằng ngày của người Nhật.
Mặc dù từ chối đề nghị, nhưng 7-Eleven không đóng sập cửa với Circle K. Dacus hé lộ rằng họ vẫn sẵn lòng “thảo luận thiện chí” nếu Circle K đem đến một thỏa thuận khác, nơi Circle K “công nhận giá trị nội tại độc lập của 7-Eleven” và giải quyết các vấn đề pháp lý. Dacus bày tỏ rằng thỏa thuận hiện tại thậm chí chưa đủ để họ bắt đầu thảo luận.
Trên thực tế, có thể xem đây là những yêu cầu hợp tình của 7-Eleven.
Việc sáp nhập hai chuỗi cửa hàng lớn bậc nhất nước Mỹ chẳng phải chuyện nhỏ. Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng hơn 50% thương vụ này dính phải các vấn đề pháp lý. Vậy nên 7-Eleven muốn Circle K không chỉ nói suông “mọi chuyện sẽ ổn”, mà họ cần Circle K lên kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, 7-Eleven muốn thể hiện rằng với họ, tiền chưa phải là tất cả. Bởi vì họ là “công ty quốc dân” của Nhật Bản. Hay nói cách khác, với việc khoác lên mình chiếc áo này, 7-Eleven khẳng định rằng bất cứ bên nào muốn mua lại họ đều cần vượt qua bài kiểm tra của chính phủ Nhật Bản. Đơn giản hơn, có thể hiểu 7-Eleven không chỉ là một công ty, mà còn là một “tổ chức” của Nhật Bản. Một động thái “tăng giá bản thân” của 7-Eleven?
Trong câu chuyện còn chưa ngã ngũ của giới bán lẻ này, có một điều chắc chắn. Đó là 7-Eleven sẽ không dễ “bán mình” với bất kỳ đề nghị nào. Couche-Tard cần chơi hết mình mới mong có thể đưa 7-Eleven về nhà.
Đó là câu chuyện về Circle K và 7-Eleven ở trường quốc tế. Còn tại Việt Nam, 7-Eleven vẫn kém hơn Circle K một bậc, cả về độ phủ lẫn doanh thu, lợi nhuận.
Circle K là thương hiệu dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam. Xuất hiện ở quốc gia hình chữ S từ năm 2008, đến nay Circle K đã có 464 cửa hàng. Những năm qua, hệ thống Circle K Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 20 – 30% mỗi năm. Đặc biệt sau dịch, họ đã có bước đột phá lớn. Năm 2022, doanh thu tăng gần 45% so với 2021, Điều này giúp họ vượt qua khoản lỗ lũy kế và trở thành một trong số ít chuỗi cửa hàng tiện lợi có lợi nhuận.
Trong khi đó, 7-Eleven đã mở được 114 cửa hàng tại Việt Nam. Giai đoạn 2021 – 2023 qua từng năm họ đều có mức tăng trưởng hai chữ số. Doanh thu năm 2023 đạt 850 tỷ đồng. Tuy nhiên điều này không thể ngăn họ nằm trong nhóm những chuỗi có mức lỗ hằng năm cao nhất ngành.
Dĩ nhiên, vị thế ở Việt Nam không thể là thước đo để suy xét vị thế trên tầm quốc tế của hai thương hiệu. Seven & i vẫn còn đó lợi thế và giá trị của mình. Họ hoàn toàn có quyền dẫn dắt trong thương vụ mua lại chấn động giới cửa hàng tiện lợi này.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 11/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này