10:21 - 29/08/2024
Chiến lược ‘nội dung gốc’ lung lay
Apple suy nghĩ lại việc làm phim của mình sau một loạt thành tích không khả quan. Một dấu hiệu đáng lo ngại cho chiến lược “nội dung gốc” dù trước đó được các nền tảng streaming đầu tư hùng hậu.
Năm 2021, Apple từng bỏ ra giá khá cao để thắng thầu quyền thực hiện bộ phim hành động hài “Wolfs” với sự tham gia của George Clooney và Brad Pitt, với kế hoạch trình chiếu tại các rạp phim lớn ở nhiều quốc gia.
Thế nhưng trong tháng 8 này, khi chỉ còn 6 tuần nữa là đến thời điểm phim ra rạp tại Mỹ như lịch trình, Apple tuyên bố những sự thay đổi lớn. Cụ thể, Wolfs sẽ chỉ xuất hiện ở một số rạp phim nhất định một tuần trước khi có mặt trên nền tảng streaming Apple TV+. Bộ phim cũng không ra rạp quốc tế, chỉ xuất hiện tại Liên hoan phim Venice.
Các nhà làm phim tỏ ra bất ngờ và thất vọng trước quyết định này. Tuy nhiên với Apple, có lẽ đây là động thái cần thiết sau một chuỗi thành tích phòng vé không mấy khả quan.
Họ hợp tác với Paramount Pictures để phát hành bộ phim “Killers of the Flower Moon” kinh phí 200 triệu USD nhưng thu về chỉ 157 triệu USD toàn cầu. Lần hợp tác với Sony trong “Napoleon” kinh phí 200 triệu USD thu về 221 triệu USD. Bộ phim gián điệp ly kỳ “Argylle” của Apple và Universal kinh phí 200 triệu USD nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 96 triệu USD vé. Gần đây nhất, họ lại hợp tác với Sony phát hành “Fly Me to the Moon”, kinh phí 100 triệu USD nhưng thu về chỉ 40 triệu USD, bất chấp sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng Scarlett Johansson và Channing Tatum.
Ông Stephen Galloway, hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền thông Dodge, nhận xét rằng Apple chưa có phim nào thành công. Về mặt tài chính, đó không phải là chuyện gì lớn lao, vì Apple trị giá những 3,3 nghìn tỷ USD. Thế nhưng chúng có tác động nhất định về mặt tâm lý.
Thông tin ghi nhận cho thấy từ đầu năm nay, Apple đã có động thái mới trong mảng làm phim. Sau một cuộc họp cấp cao, Apple quyết định chỉ sản xuất một hoặc hai bộ phim quy mô sự kiện mỗi năm, đầu tư kinh phí lớn và phát hành rộng rãi. Còn lại những bộ phim khác chỉ có kinh phí từ 80 triệu USD trở xuống.
Hay nói cách khác, Apple đã, đang và sẽ giảm khá nhiều ngân sách vào mảng làm phim của riêng mình. Đây có vẻ là một động thái đáng chú ý, bởi “nội dung gốc” từng là thứ mà các ông lớn mảng streaming điên cuồng đầu tư.
Nói đến dịch vụ streaming/phim trực tuyến là phải nhắc về Netflix. Tính đến cuối năm 2020, họ có hơn 200 triệu người dùng toàn cầu và con số tiếp tục tăng.
Để tăng tính cạnh tranh, Disney đã rút các tựa phim có bản quyền của mình khỏi Netflix, một quân bài chiến lược nhằm kéo người dùng từ Netflix sang Disney+. Việc này khiến Netflix hơi chững lại, nhưng cũng không lao đao quá lâu vì từ lâu họ đã đầu tư vào việc tự làm phim. Phim do Netflix tự làm có tên gọi chung là Netflix Originals. Với những sản phẩm ấy, Netflix đã tự chủ được kho tàng nội dung của mình, không phụ thuộc vào các hãng phim bên ngoài.
Các nền tảng khác cũng không chịu thua kém. Chẳng hạn Disney+ lên kế hoạch đầu tư khoảng 14 đến 16 tỷ USD mỗi năm để làm phim. Hoặc Apple cũng bỏ ra vài trăm đến hàng tỷ đô mỗi năm để phát hành phim.
Thậm chí đến Việt Nam, Viettel Media với dịch vụ streaming Keeng Movie cũng đã nghĩ đến việc làm phim. Với sự hậu thuẫn từ Viettel với số lượng thuê bao di động khổng lồ, Keeng Movie nhanh chóng thu hút 2 triệu người dùng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên con số này chưa thấm vào đâu so với các ông lớn khác. Bản thân Keeng Movie cũng chẳng có ưu thế gì để thu hút khách hàng, vì nội dung nào Keeng Movie mua về cũng dễ dàng xuất hiện trên các dịch vụ streaming khác. Đó là còn chưa kể trường hợp bị rút phim, như Disney từng làm với Netflix.
Do đó, Viettel Media quyết định đầu tư làm phim. Một trong những động thái đáng chú ý nhất là dự án Sáng kiến Phim Trẻ 360. Dự án ra đời nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện và tài trợ cho các nhà làm phim trẻ độc lập (indie). Dĩ nhiên khi ấy Viettel Media sẽ được độc quyền khai thác các nội dung này.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, có lẽ các nền tảng streaming đã dành một chút thời gian suy nghĩ lại chiến lược nội dung gốc. Một trong những cú hích giúp streaming lên hương là đại dịch COVID, thời điểm người người nhà nhà nằm ở nhà, và phim trực tuyến là nội dung duy nhất họ có thể coi. Thế nhưng bây giờ tình hình đã bình thường trở lại, khách hàng lại nô nức ra rạp như xưa. Vậy nên các dịch vụ streaming có thể không còn là lựa chọn hàng đầu nữa.
Bối cảnh này, cộng thêm việc Apple đang cắt giảm các dự án làm phim, có thể là dấu hiệu cho thấy chiến lược nội dung gốc bắt đầu bộc lộ các điểm bất ổn.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 29/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này