11:58 - 23/06/2021
VASEP kiến nghị đưa nhóm hàng kiểm dịch làm thủ tục một cửa
VASEP đã đề nghị Chính phủ xem xét đưa những thực phẩm vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa kiểm dịch vào làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia.
Theo công văn góp ý Dự thảo Nghị định kiểm tra Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng Dự thảo ngày 4/6 đã tiếp thu được hầu hết những cải cách tích cực, hiệu quả trong Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là danh mục hàng hóa miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) nhập khẩu. Nhưng VASEP cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra ATTP, vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia. Hiện nay, những sản phẩm này phải làm thủ tục 2 cửa, vừa nộp trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay.
Giải thích cho kiến nghị trên, VASEP cho rằng thực phẩm dùng làm thức ăn cho người đều từ hai nguồn là: động vật và từ thực vật. Với nguồn từ động vật, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quy định (danh mục, phương thức kiểm tra, thủ tục…) tại bốn Thông tư. Tuy nhiên, cả bốn Thông tư này đều là “Kiểm dịch nhập khẩu” hết. Như vậy, hầu hết sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật (trên cạn, dưới nước) là thực phẩm đều đang phải thực hiện kiểm dịch theo phương thức và thủ tục riêng quy định trong Thông tư của Bộ, trong khi đúng theo thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học, thì hầu hết sản phẩm dùng làm thực phẩm chỉ kiểm tra ATTP nhập khẩu.
Đánh giá và nhận định sơ bộ của Hiệp hội và các chuyên gia, thì với quy định hiện hành, có đến ít nhất 70% thực phẩm sẽ không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị định, và như vậy mục tiêu lớn của Dự thảo này sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Việc loại trừ các sản phẩm phải kiểm dịch và các thực phẩm vừa kiểm tra ATTP vừa kiểm dịch ra khỏi Đề án Dự thảo Nghị định này sẽ dẫn đến bất cập lớn là cùng nhóm hàng thực phẩm, nhưng phải chia ra 2 loại thủ tục, 2 biểu mẫu khác nhau, làm ở 2 cửa khác nhau, 2 quy trình khác nhau; cũng như làm hiệu quả cải cách giảm đi nhiều, vì đa số thực phẩm vẫn phải làm theo quy trình cũ. Khi chưa thể cải cách được quy định và quy trình kiểm dịch, thì việc cải cách để đưa thủ tục kiểm dịch lên hệ thống một cửa quốc gia sẽ giúp công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho xã hội…
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này