13:12 - 18/07/2020
Tìm sắc màu mới cho du lịch nông thôn?
Một đốm lửa được nhóm lên từ Cantho Farm qua phiên chợ bánh hàng tuần, không ngoài niềm mong mỏi thu hút khách sau thời gian dài bị cách ly bởi đại dịch Covid-19. Đốm lửa ấy nằm trong những nỗ lực để vực dậy ngành du lịch ở nông thôn, cộng hưởng với những tour giáo dục lối sống, nông nghiệp.
Và, cùng với đó là niềm hy vọng.
Những chiếc bánh kể chuyện
10 giờ sáng, chợ phiên bánh dân gian ở Cantho Farm đã khép lại, Ino Mayu không kịp tận mắt nhìn cảnh bày biện “hoa lá cành” với hàng chục loại bánh dân gian, nhưng lại có dịp trò chuyện với người làm bánh gia truyền.
Chị Ngọc, người làm bánh tinh tế – điều hành phiên chợ – dành riêng một mâm gồm nhiều loại bánh, chậm rãi nói về cách kết hợp từ gạo, nếp, đậu, dừa, chuối… và những loại nước chấm khác nhau. Đối với Ino Mayu, tư vấn trưởng chương trình Seed to Table, từng sống ở Việt Nam 23 năm, ít nhất cũng đôi lần nếm qua những loại bánh dân gian ở từng vùng miền. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tới chợ phiên nông trại và có đủ thời gian để trò chuyện.
Nhiều loại bánh được làm để ăn vào những thời điểm khác nhau trong ngày, có loại chỉ làm để cúng quảy, tiệc tùng… phía sau những loại bánh là những câu chuyện về mùa màng, tập tục, phong cách… Ino Mayu có đủ thời gian để tìm ra những nét tương đồng, khác biệt với những loại bánh làm từ gạo, nếp, đậu, khoai của Nhật. Hoá ra là dịp rất hay để có thể nhìn ra một chút về sự khác biệt hoặc giống nhau giữa các nước phương Đông, dù chỉ là chiếc bánh.
Chợ phiên không treo bảng giảm giá – vốn là chiêu thức đương thời – để thu hút du khách. Ông Nguyễn Văn Phong, chủ trang trại, nói: rau lành, trái sạch từ nông trại, cộng với bàn tay tài hoa của chị Ngọc, chúng tôi chỉ mong những gia đình tới đây thưởng thức… nếu ai cũng thấy ngon, ăn xong mua về cho người nhà, bọn trẻ ham vui cỡ nào mà chạy chơi một hồi lại ăn bánh tiếp… là được rồi. Không có gì to tát, vì sau đại dịch mọi thứ đang quá khó, chỉ mong mọi việc trở lại bình thường.
Cantho Farm là nơi khởi đầu cho mô hình CSA, những gia đình (nhóm mua thân chủ) đưa bọn trẻ tới chơi cuối tuần, làm quen đời sống rau trái, hiểu người làm nông và thưởng thức những món ngon cá mắm…
Cả Ino Mayu và chủ trang trại Cantho Farm đều hiểu rằng thu hút dòng người tới với nông sản an toàn, và nhất là lớp trẻ nhỏ, là điều nên làm. Bọn trẻ sẽ mang những chậu rau, hoa, cây con về nhà chăm sóc và nhắc phụ huynh những từ rất là người lớn “sinh trưởng cây trồng”, “an toàn sinh học”…
Làm mới bằng cách giảm giá?
Cuối tháng 5/2020, nhiều hội nghị “Kích cầu du lịch và giới thiệu sản phẩm mới”. Ông Nguyễn Thiện Thành, phó phòng quản lý du lịch, sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP Cần Thơ, cho biết tin không vui khi năm tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm ngoái số khách nội địa đến Cần Thơ giảm 66,5%, các doanh nghiệp lưu trú giảm 65,2%, trong đó, số khách quốc tế lưu trú giảm 57,3%. Dự báo cả năm 2020, lượng khách lưu trú giảm 84% so cùng kỳ năm ngoái. Từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tới nay, 63% cơ sở kinh doanh, lữ hành, khách sạn… phải tạm ngừng hoạt động, 16% duy trì hoạt động, 14% tiếp tục cắt giảm quy mô, 7% giải thể. 285 cơ sở lưu trú du lịch với trên 8.000 phòng; nhiều nhà hàng, điểm tụ hội có sức chứa từ 1.000 khách trở lên và nhiều khu nghỉ dưỡng mới ươm mầm ý tưởng, buộc phải dừng lại.
“Ngành du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, 90% doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động, 98% lao động ngành du lịch mất việc làm hoặc tạm ngưng việc”, ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP Cần Thơ kêu gọi các doanh nghiệp cùng thực hiện ba nội dung: một là ‘Kích cầu du lịch’, hai là ‘Giới thiệu sản phẩm du lịch’ và ba là ‘Tham gia cuộc quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố nhằm thu hút khách, đặc biệt là khách nội địa đến với Cần Thơ’.
Cần Thơ đã xây dựng các sản phẩm du lịch để kích cầu như: Du lịch đường sông của tập đoàn Mai Linh đi tuyến Cần Thơ – Côn Đảo; tuyến Cần Thơ – Châu Đốc của Du thuyền Victoria; điểm du lịch được biết đến trước đó như chợ nổi, làng du lịch Mỹ Khánh… Giảm giá rồi nhưng du khách vẫn không thể thủ huề.
Nông thôn giúp du lịch bớt lỗ?
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh, phó trưởng khoa Du lịch trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: trường đang thực hiện đề tài cấp nhà nước “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh mới”, mục tiêu nhằm đề xuất các giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL, trên cơ sở khai thác tối ưu lợi thế tài nguyên bản địa, tăng cường tính liên kết ngành, liên kết vùng trong quá trình hình thành và xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Trải nghiệm theo cách chia sẻ lối sống tại Bảo Gia Farm, đang có sức thu hút dân địa phương nhờ những nội dung vừa gần gũi kiểu làm nông và sản phẩm ngon – lành; trải nghiệm cuộc sống của làng du lịch Thới An Đông qua những khác biệt, nhờ tạo những cấp độ cảm xúc xưa – nay, với bộ sưu tập có một không hai ở điểm đến (TGHN – đọc bài Ngược dòng thời gian, trang 55, tập 39). Nếu đặt những điểm này vào bối cảnh và điều kiện để ngành du lịch bớt thua lỗ, thì đó là sự nghiệt ngã.
Chị Lê Diệp An, Bảo Gia Farm, cho biết: hiện nay, các trường học phổ thông, các sinh viên, doanh nghiệp tổ chức các buổi dã ngoại, team building lồng ghép bài học vào tour; các gia đình thích học hỏi cách làm nông, đi chợ tại farm và thưởng thức món ngon do mình thu hái tại Bảo Gia Trang Viên, một khu vườn nho nhỏ, kỳ thú ở Hậu Giang.
Trải nghiệm dành cho nhiều đối tượng, chính các kỹ sư trực tiếp làm nông hướng dẫn tham quan, nói về quy trình, cách canh tác mới, cách chăm sóc vật nuôi và cách sống của từng loài khác nhau, thăm những làng nghề để hiểu cách sáng tạo của người xưa, giới hạn trong hiện tại và thử trả lời xem chúng ta có thể làm gì?
Cô Bé Bảy, người tư vấn mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn, nói rằng Cồn Sơn ngày mới là hình ảnh lớp kế thừa, tuổi từ 18 – 30, con cháu của dân cố cựu tham gia công việc cộng đồng. Không chỉ làm mới về sản phẩm, mà còn tranh thủ mở lớp về luật và ứng xử văn hoá, lịch thiệp, dành khoảng không thu hút số đông sinh viên và tình nguyện viên thử thiết kế điểm đến, vì sức khoẻ, thử nghĩ về cách giữ gìn bản sắc văn hoá và ngôn ngữ địa phương, thử một cuộc thi nói về văn hoá thương hồ, thử làm một cuộc thi diễn xướng thơ ca hò vè vùng sông nước, hay hò cấy lúa… cho những du khách tham gia xem có vui không?
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, giám đốc Hải Âu Tourist tại Cần Thơ, 28 tuổi, từng tổ chức những trại hè cho sinh viên quốc tế, cho biết mọi việc đang set up lại sau thời gian trầm lắng do dịch Coivid 19, và kết nối với 4 – 5 trường quốc tế, các trung tâm đào tạo kỹ năng cho trẻ em, thanh thiếu niên hướng du lịch kết hợp với giáo dục.
Một bạn ở Sài Gòn học mỹ thuật có kinh nghiệm quản lý homestay, đang set up lại toàn bộ cho Bảo Gia Trang Viên, tiến độ đã đi được 70%. Những lát cắt từ mô hình CSA, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, kinh tế trải nghiệm…. tới chừng đóng tiền đi học mới biết “hoá ra Bảo gia Farm mình đã làm rồi”. Bảo Gia Farm Camping là một mô hình mới kết hợp giữa du lịch canh nông và đưa các phương pháp giáo dục vào mỗi chương trình trải nghiệm. Lấy phát triển bền vững làm mục tiêu duy trì chương trình xuyên suốt… Mỗi đối tượng tham gia có những phương pháp tiếp cận khác nhau.
“Khi đi tới một chỗ nào đó, tự mình hình dung ra và đặt câu hỏi phải làm gì cho chỗ đó không giống những chỗ khác? Từ đó, làm sản phẩm mới tại chỗ, dựa trên cái có sẵn rồi mình chuẩn hoá”, cách phát triển những điểm liên kết trong chuỗi hoạt động do Sương phụ trách.
Sau thời giãn cách, du khách có nhu cầu tự đi để tránh đám đông. Từ những điểm mới tạo chuỗi và khai thác hoàn toàn mới những sản phẩm liên kết. Chương trình trại hè đã đưa vào những bài học về nhân cách, tập tục, lễ giáo và môi trường. Đôi khi câu hỏi rất đơn giản: Sau khi hái những trái chín bán đi, phần còn lại bạn sẽ làm gì, làm như thế nào để không lãng phí? Không chỉ tại Cần Thơ, trong tương lai mô hình sẽ được áp dụng tại các điểm khác thuộc Bảo Gia Farm tại Đắk Lắk, Ninh Thuận, Đơn Dương…
“Những nhà nông chuyển đổi, những nông trại kiểu mới, những làng nghề hồi sinh… biết đâu sẽ khiến những doanh nhân tìm hàng sạch – độc – lạ tới, chỉ cần kết thành số đông theo tour thì có thêm Business Studies Tour”, Sương nói.
Vân Anh – Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này