09:20 - 25/10/2019
Sản phẩm khởi nghiệp tìm được lối ra
Sau hai vòng thi bán kết ở Hà Nội và Bến Tre về “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn – năm 2019” đã có 21 dự án vào thi chung kết.
TGHN điểm lại nét nổi bật ở hai vòng bán kết này.
Mới cả sản phẩm lẫn phương thức kinh doanh
Qua phần dự thi của 64 dự án ở vòng bán kết (tại Hà Nội ngày 8, 9/10 và Bến Tre ngày 16, 17/10), cùng với đó là các đánh giá của hội đồng giám khảo, có thể nhận thấy hầu hết đã sản xuất ra sản phẩm và có tính thương mại hoá cao, chứ không dừng lại ở ý tưởng. Đặc biệt, tuổi trẻ với nhiều đam mê, các chủ dự án luôn tâm huyết, dốc sức trong việc xây dựng dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Nếu ở những mùa thi trước, phần nhiều các dự án tập trung vào việc khởi sự kinh doanh để giải quyết nhu cầu cá nhân (giải quyết nhu cầu mưu sinh) thì năm nay, hầu hết những người khởi nghiệp đều có cách nhìn xa hơn, hướng đến việc đầu tư dài hơi để xây dựng thương hiệu riêng. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp không chỉ theo xu hướng chung của nền nông nghiệp sạch, mà còn hướng đến các vấn đề về dân sinh.
Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc điều hành công ty tư vấn The Pathfinder, thành viên ban giám khảo, đánh giá dự án năm nay tốt hơn về tính thương mại hoá và độ hoàn chỉnh. Có được điều này là nhờ các thí sinh đã được tôi luyện qua một thời gian khởi nghiệp, tham gia các lớp tập huấn do BSA tổ chức. Nhiều bạn trẻ đã có sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường ngách, tìm ra được đối tượng khách hàng và thị trường mới mà trước đây chưa có doanh nghiệp nào khai thác, như việc phục vụ nhu cầu sức khoẻ cho các bà mẹ sau sinh chẳng hạn (dự án lên men bạch yến thành huyết yến ở An Giang). Hay chiêu thức kinh doanh được đổi mới như mô hình son môi của Nguyễn Thị Ngọc Như, Bến Tre. Bạn trẻ này biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân phối truyền thống với việc bán hàng online. Mô hình nhượng quyền thương hiệu về quán 8 ngàn (bán đồ ăn vặt, bán ốc… giá 8.000 đồng) ở Hậu Giang…lại là một cách kinh doanh khá mới lạ…
Công nghệ và chuỗi kết nối
Một điều dễ nhận thấy nhất ở những bài thi vừa qua là khả năng trình bày khá tốt của các thí sinh. Vòng bán kết chỉ ra sự tiến bộ của chủ dự án trong thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp và thu hút hơn. Năm nay, có nhiều dự án thi lại, thậm chí thi lần thứ 3 như “Khô Ba Khía” của Dương Thị Hồng Chuyên, Đồng Tháp… Các dự án này hầu hết đã tìm ra được thị trường ngách rõ ràng hơn, khắc hoạ được chân dung khách hàng và những nhu cầu họ cần đáp ứng. Do đó, thông điệp truyền thông, cách định vị sản phẩm, phương thức tiếp thị phù hợp với khách hàng mang tính thực tế cao hơn so với những năm trước đây. Những thí sinh này đã có kinh nghiệm trong việc thuyết phục ban giám khảo, thuyết phục người nghe về tính hiệu quả cũng như tính thương mại hoá sản phẩm.
“Hai vòng bán kết có nhiều dự án có ứng dụng công nghệ cao. Chẳng hạn như hệ thống trồng rau kết hợp với IoT để thúc đẩy việc trồng rau tại nhà, tại các nhà hàng của nhóm thí sinh đến từ tỉnh Bình Dương; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch ở Hưng Yên và Lào Cai; Ứng dụng công nghệ sốc nhiệt để sản xuất nấm ăn ở Nghệ An… Hiện nay, sản phẩm của các dự án tham gia cuộc thi đã có được chỗ đứng trên thị trường. Để có được lợi thế cạnh tranh lâu dài, các chủ dự án phải đặc biệt quan tâm đến hệ sinh thái kinh doanh, chuỗi giá trị sản phẩm và người hợp tác”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Tham gia cuộc thi, có người đi tiếp, có người phải dừng lại.Thế nhưng, điều quan trọng là các thí sinh đã được gặp gỡ, kết nối, chia sẻ và có thêm những người bạn. Đây là những khách hàng tiềm năng, là đối tác giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong tương lai. Là cách để các chủ dự án hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau về các mối quan hệ, là cầu nối để các bạn chia sẻ về những kỹ năng kết nối kinh doanh, kỹ năng bán hàng, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, thay vì chỉ loay hoay ở thị trường ngách. Ở Bến Tre, Võ Văn Phong – chủ dự án du lịch C2T, người đoạt quán quân cuộc thi 2018 – là người mở ra cửa hàng đặc sản, trạm dừng chân Đại Kim Phúc. Tại cuộc giao lưu với các thí sinh dự thi bán kết ở Bến Tre, nhiều dự án đã có được sự kết nối với Phong và không xa, những sản phẩm khởi nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ có mặt tại Đại Kim Phúc, điểm mua sắm dành cho khách du lịch.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này