
18:00 - 08/03/2020
Ngày 8/3: Kể chuyện ba cô gái say mê mùi hương thiên nhiên Việt
Khi biết tin mình đoạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức, Ngọc Hương trào nước mắt.

Ngọc Hương khoe với tôi bức ảnh mới, chiếc lá tía tô em trồng theo hướng hữu cơ che hết nửa gương mặt. Ảnh: TL.VKT
Ngọc hương – rau má, tía tô
Hương tốt nghiệp cử nhân tài chính – kế toán nhưng cô mê cây cỏ, cô thèm trồng rau, nên quyết định từ bỏ công việc văn phòng, lăn ra đồng cuốc xới. Cô nhớ lại, những ngày sinh viên, cô và bạn bè thích uống rau má nhưng bây giờ không dễ tìm một ly rau má giữa đường, ngon mà an tâm về vệ sinh thực phẩm
Chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp, Ngọc Hương lường trước những rủi ro như thời tiết, tâm lý người nông dân, giá cả thị trường, sở thích người tiêu dùng, chính sách đất đai của chính quyền tại địa phương, những thông tin tiêu cực đang tràn lan làm ảnh hưởng đến sản phẩm lành mạnh mà Hương đang làm… “Nhưng đến khi bắt tay vào làm mới biết có rất nhiều khó khăn không kể hết”, cô cho biết.
Cái khó lớn nhất là “Làm sao để chuẩn hóa quy trình trồng nguyên liệu cho bà con nông dân để đầu vào đủ tiêu chuẩn của sản xuất?” vì lĩnh vực chế biến nông sản cần phải được làm đúng ngay từ đầu thì mới tạo được sản phẩm tốt hoàn thiện.
Cô hiểu càng ngày người tiêu dùng càng quan tâm đặc biệt đến sức khoẻ, đến sản phẩm thiên nhiên, và tiện dụng nữa (những người bận rộn, ít có thời gian ăn đủ lượng rau trong ngày cần sản phẩm nhanh, tiện lợi, như sẵn bột rau thì pha một ly là ngon và đủ chất)
Từ sản phẩm chủ lực ban đầu là bột rau má, bột trà xanh, chùm ngây, nay Hương phát triển sáu dòng sản phẩm, đa dạng hoá với những tuýp nhỏ tiện lợi, dùng một lần. Sản phẩm bột rau sấy lạnh theo quy trình khép kín “trang trại – nhà máy – phân phối”.
Mới đây, Hương khoe với tôi bức ảnh mới, chiếc lá tía tô em trồng theo hướng hữu cơ che hết nửa gương mặt. Hương thì thầm, ý con là khoe cái lá lớn chừng ấy rồi đó cô. Vậy là cô đã đuổi theo hương tía tô, mùi hương thật dễ chịu mà người Việt ai cũng biết, mỗi khi mình bị cảm, được mẹ nấu cho tô cháo giải cảm có mùi tía tô thật dễ chịu.

Hiện Hương Đồng Tháp có 3 dòng sản phẩm chủ yếu: Tinh dầu đặc trưng Đồng Tháp, xà bông và nước chưng cất tinh dầu. Ảnh: Anh Tuấn
Đoan Thùy của “Hương Đồng Tháp”
Ấn tượng của tôi về Thùy là bức thư cô gửi “người không quen” là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Thùy nghe nói về một ông bí thư rất gắn bó, thương quý các bạn trẻ khởi nghiệp. Và cũng bất ngờ, cô nhận được email trả lời cùng cái hẹn sớm của ông bí thư. Từ đó, Thùy đã đi những bước sống động với chuyên môn khai thác cây cỏ quê hương sen hồng của cô.
Thuỳ học ngành công nghệ sinh học – trường Đại học Khoa học tự nhiên. Gắn bó với “hương đồng cỏ nội” của vùng quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, cô bắt đầu tham gia phụ phòng thí nghiệm thực vật của trường và hướng nghiên cứu chuyên về tài nguyên thực vật có tinh dầu. Căn phòng trọ nhỏ trở thành phòng thí nghiệm của cô kỹ sư sinh học tương lai.
Tháng 11/2016, Thuỳ lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp toàn quốc do BSA tổ chức. Dự án xây dựng vườn nguyên liệu Hương Đồng Tháp phát triển mạnh, tạo đà để cô gái 9x thành lập công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp. Quê hương mênh mông đồng sen, bạt ngàn rừng tràm cùng những cánh đồng mênh mang, những vườn quýt thơm mát… trở thành nguyên liệu đầu vào của Thùy. Đó là phụ phẩm nông nghiệp nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cao nên Thùy đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu, có thể dùng trong dược mỹ phẩm và thực phẩm. Hiện Hương Đồng Tháp có 3 dòng sản phẩm chủ yếu: tinh dầu đặc trưng Đồng Tháp, xà bông và nước chưng cất tinh dầu.
Trải qua nhiều khó khăn của quá trình khởi nghiệp, từ việc thay đổi tư duy những người trồng nguyên liệu đến nâng cao kỹ thuật chưng cất, thay đổi cải tiến chất lượng và mỹ thuật của bao bì cho đến việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, đến nay, sản phẩm tinh dầu Hương Đồng Tháp đến khắp nước: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ…
Cô tiếp tục con đường phát triển cho Hương Đồng Tháp bằng xây dựng vùng nguyên liệu tại làng hoa Sa Đéc. Đây sẽ là nơi trải nghiệm dành cho du khách, diễn ra các hoạt động sáng tạo, học tập của học sinh, sinh viên, góp phần định vị thêm thương hiệu địa phương đồng thời gắn kết nông dân, cộng đồng doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững. Sản phẩm của Thùy đã được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur. Từng mẫu tinh dầu đều được phân tích sắc ký GCMS, tức là phân tích thành phần trong tinh dầu hoàn toàn an toàn cho người sử dụng và không có tạp chất.
Trong một lần tham gia triển lãm ở Bangkok, biểu diễn cho Thủ tướng Thái Lan xem quá trình trích ly tinh dầu từ lá sả và tràm Việt Nam, cô gái vóc bé bỏng trong áo dài trắng đã thể hiện thao tác cùng sự giải thích tự tin, rành mạch khiến các nhà báo quốc tế rất lý thú.
Xuất hiện ở các hội chợ giới thiệu sản phẩm, thỉnh thoảng người ta thấy một người đàn ông trung niên thường đứng nhìn chăm chú bộ ống nghiệm của cô, Thùy hồ hởi giới thiệu, dạ đây là ông thầy hồi ở trường đại học của Thùy. Vài câu hỏi của khách đi sâu chuyên môn, thầy bước lên “cứu” cô học trò nhỏ.
Tuy vậy, Thùy thực sự đã trưởng thành vững chãi trên con đường kinh doanh…

Thùy nhớ đã bao nhiêu lần mẹ và các chú chuyên gia hóa sinh ngồi tâm đắc tả lại hương của nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Trần Quỳnh.
Thùy Võ, cô gái chạy theo mùi hương… nước mắm
Vào 6 giờ sáng 8/3 năm 2018, rất sớm, tôi nhận được tin nhắn của một cô gái trẻ: “Con có tin nhắn khẩn cho cô, có khó khăn rồi cô ơi. Kỳ này họ làm bài bản, có kế hoạch từng bước để xóa sổ nước mắm truyền thống hơn vụ arsen đợt trước, chắc chết thiệt cô ơi !”
Cô gái ấy tên Võ Minh Thùy, con gái chị Nguyễn Thị Tịnh, chủ hãng nước mắm Thanh Quốc, Phú Quốc. Thanh Quốc là một trường hợp tiêu biểu cho các DN làm nước mắm cha truyền con nối, quyết sống chết bảo vệ bằng được cái nghề của gia đình. Trong khi ở Phú Quốc bây giờ, nghề kinh doanh làm giàu nhanh nhất là mua bán đất, còn nghề kinh doanh nghèo khó nhất là làm nước mắm, thì chị Tịnh cứ lặng lẽ theo đuổi nghề này. Thùy là con gái duy nhất, tốt nghiệp đại học ở SG, lấy chồng ở Sài Gòn và cũng đã đi làm cho một công ty đa quốc gia ở đây, nhưng gần đây, thấy mẹ lao đao khổ sở vì theo nghề nước mắm thật không đành lòng. Thùy thuyết phục chồng, bỏ Sài Gòn về sống với mẹ. Cô kể rằng cô nhớ hoài lần bị nạn arsenic (bị vu cho là trong nước mắm truyền thống có thạch tín, ăn vào hại đến tính mạng nên người tiêu dùng sợ hãi), cô về Phú Quốc nghỉ hè, nửa đêm thấy mẹ ra hông nhà, ngồi khóc nghẹn một mình. Hỏi nhiều lần mẹ cô mới tức tưởi nghẹn ngào nói: Mẹ sợ cái nghề nhà mình lần này phải sụp rồi con, thật quá oan uổng. Mình thương cái nghề mà theo, cực nhọc đủ bề, sao đủ thứ oan gia cứ đuổi theo, muốn cho mình chết mới buông tha sao?”.
Thùy tự thấy phải có một quyết định dứt khoát từ phút giây đó. Không thể để cho người mẹ cô thế tội nghiệp chiến đấu giữ nghề một mình. Tôi cũng được gặp chị Tịnh, bà chủ công ty Thanh Quốc mấy lần. Nhìn chị thấy ngay một người vốn gốc gác làm ăn chân thật, lam lũ. Nhưng tôi thật sự nể trọng lòng yêu nghề và tự trọng nghề nghiệp của chị. Bởi có một lần, tôi thấy trên kệ sản phẩm ở nhà chị có 2 thương hiệu, có vẻ cũng do chính chị sản xuất. Hỏi thì chị gật đầu, dạ loại có tên Thanh Quốc là làm đúng 100% theo chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc mà EU chứng nhận, còn Quốc Đảo là thứ cũng làm đúng như vậy nhưng có chút chất điều vị để giảm độ đậm đặc, vị nhẹ hơn, giá mềm hơn. Vì vậy mình đặt tên khác để khách hàng đừng bị lầm. Nghe thật cảm kích vì nếu chị lặng thinh dùng một tên cũng khó có người phát hiện. Tất cả trân trọng, nghiêm ngặt của chị tạo nên trong Thùy một tình yêu đặc biệt với sản phẩm, nhất là với mùi hương đặc trưng nước mắm quê nhà.
Cá cơm Phú Quốc vốn mập, làm ra nước mắm có độ đạm cao và mùi dịu. Lại thêm khí hậu nắng nóng quanh năm nên cái mùi dìu dịu thật là… thần thánh. Thùy nhớ đã bao nhiêu lần mẹ và các chú chuyên gia hóa sinh ngồi tâm đắc tả lại hương của nước mắm Phú Quốc. Nghe đoạn tả về yếu tố hóa học theo Thùy là dễ hiểu: Hương nước mắm hình thành là do vi khuẩn kỵ khí “đánh” vào protein, chất béo của cá. Sự đánh phá phức tạp này tạo ra hỗn hợp các chất dễ bay hơi. Cả trăm chủng vi khuẩn gây hương đã được nhận diện, rồi mùi của các chất tạp gốc ammoniac cũng phụ họa vào nữa để tạo ra mùi nước mắm hơi nồng và dìu dịu đặc trưng cho Phú Quốc. Nhưng đến cái đoạn đặc tính riêng làm thành mùi hương nước mắm thì quả thật là “vi diệu”.
Thùy biết là: Hương nước mắm, thứ được sinh ra muộn nhất trong quá trình ủ chượp, và là đỉnh cao nghệ thuật của nghề làm nước mắm. Phối hương, không đơn giản là lấy nước mắm mùi tốt trộn với nước mắm mùi dở. Bã chượp (sau khi rút hết nước mắm còn lại bã này) là ổ vi khuẩn gây hương. Bã này quý hơn vàng nếu đã từng tạo ra mùi nước mắm tốt. Nước mắm nào có mùi chưa đạt, thì người làm nước mắm lâu năm, chuyên nghiệp sẽ đưa nước mắm qua bã này để “cải thiện” mùi. Mùi nước mắm thơm nồng nặng hay nhẹ, dịu hay gắt cũng là do bã chượp thần thánh này.
Khổ nạn đối với nước mắm truyền thống tới giờ vẫn còn. Thùy vẫn bôn ba đi khắp nơi chào hàng nước mắm Thanh Quốc. Tôi nói với em, thế giới bây giờ không ai dại mà tận diệt tài nguyên bản địa là tài sản quý giá nhất của quốc gia mình. Em còn trẻ, khi sản phẩm của gia đình sản xuất ra đã hoàn hảo vậy, thì cần tài tiếp thị phân phối của Thùy.
Cô gái có đôi mắt tròn xoe cười rất vui. Đôi mắt cô biết cười…
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này