09:44 - 16/12/2021
Mekong Connect 2021: TP.HCM phải vượt qua ranh giới hành chính 2000 km2
Trong những năm gần đây, sự đóng góp của người nông dân ĐBSCL đối với nền nông nghiệp hay với việc tạo ra ngoại tệ trong xuất khẩu của Việt Nam là một đóng góp hết sức lớn.
Tôi muốn nói một điều rằng, chúng ta phải vô cùng cám ơn những người nông dân của mình. Vì sự đóng góp này, vai trò của người nông dân vô cùng lớn, lớn hơn bộ phận chức năng khác. Nếu bộ phận chức năng khác có sự đầu tư sâu cho nông dân mình thì chắc chắn rằng sự phát triển của nông nghiệp của chúng ta sẽ tăng lên về chất lượng rất lớn. Từ đó có thể kích thích cho những nhà khoa học, những người làm nông nghiệp nhìn lại. Không thể nhìn nông nghiệp theo kiểu xưa nữa. Người ta nói nông nghiệp là dựa vào đất và trời. Cho nên rất lầm than, tạo ra của cải giá trị không cao, vì chúng ta đâu có tiếp cận được thị trường cuối cùng của những nhà tiêu thụ.
Cho nên nếu chúng ta nhìn lại, sẽ thấy rằng nhiều năm qua chúng ta đã đánh giá nông nghiệp gọi là rất cao, nhưng thực sự không cao. Rất cao là nông nghiệp là ngành nghề tạo ra cái ăn, lương thực cho cả nước, nên an ninh lương thực là vai trò của ĐBSCL. Nhưng dừng ở chỗ đó thì không đủ, vì nông nghiệp không chỉ là lương thực, mà nông nghiệp còn là nâng tầm lên cao hơn, từ nguồn gốc của nông sản chúng ta có thể chế biến ra biết bao nhiêu loại thực phẩm. Thậm chí nó còn nằm trên bàn những tầng lớp sang trọng thưởng thức, như vậy nó không còn là lương thực. Mà món ăn đó, nó còn mang cả câu chuyện định vị giá trị xã hội nữa.
“Người nào ăn món đó, trái cây đó, họ phải sang trọng cỡ nào mới ăn. Giống như hàng hiệu nữa. Chúng ta chưa nhìn hết vấn đề này, mà cái ta thấy hiện nay là nông nghiệp là hạt lúa”. Cho nên làm cho nông nghiệp không có cơ hội để phát triển đúng tầm mà nền khoa học thế giới có thể đưa nó lên tầm đó.
Do đó, chúng ta phải nhận dạng lại cái này, muốn nhận dạng được cái này chúng ta cần nhìn ra rằng, phải bắt đầu từ hạt giống, từ môi trường đất, nước…. để thay đổi ngay từ đầu điều kiện trồng trọt, điều kiện giống… Muốn làm được điều này chúng ta phải đầu tư rất sâu con người, kiến thức về sinh học.
Tiếp sau đó là khi sản phẩm ra chúng ta phải chế biến như thế nào, phải dựa vào các dạng chế biến khác nhau. Trong những dạng chế biến mà ta biết được, như sử dụng lửa, gas, sấy… nhưng ông bà ta còn có sử dụng cả vi sinh học để tạo ra các loại món ăn ngon.
Vậy làm cách nào mà những sản phẩm, món ngon này chúng ta đưa được ra thị trường, đi xa, thì đó là vấn đề chế biến sâu, bảo quản ra sao. Bảo quản xong rồi thì đi tiếp thị, làm sao những thị trường đó họ biết được đây là một món ăn, sản phẩm tốt từ Việt Nam… Nếu chúng ta đi đến đoạn cuối này thì giá trị của sản phẩm nông nghiệp nó tăng lên 10 đến 100 lần. Như vậy thì giá trị của nông nghiệp không chỉ là lương thực cứu đói, an ninh lương thực, mà nó còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế của ĐBSCL, cho nước Việt Nam.
Theo tôi, chúng ta có thể từ góc nhìn này để từng bước nhìn ra được nhiều vấn đề. Chúng ta thấy rằng, nếu nhìn thực trạng từ ĐBSCL hiện nay thì thấy chúng ta chưa có đầu tư nhiều. Cái nhìn đầu tiên và lớn nhất là giao thông, vô cùng kém so với các vùng khác. Một nơi sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có trọng tải lớn mà đường giao thông nghèo nàn như thế.
“Nội giao thông từ nông thôn đưa ra đến thành thị thôi là chất lượng đã giảm nhiều lần rồi, giá trị thấp đi”. Vai trò giao thông là hết sức to lớn.Tiếp theo là những vai trò khác mà chúng ta phải nói rằng, nó nằm trong chuỗi logistics và chuỗi giá trị gia tăng. Chuỗi giá trị gia tăng giúp cho một sản phẩm này tạo ra thì nó là nguyên liệu của một sản phẩm khác, mà sản phẩm khác này lại là nguyên liệu cho một sản phẩm khác nữa… mấy công đoạn như thế mới ra cái sản phẩm cuối cùng. Mà chuỗi giá trị của chúng ta hiện nay không có liên kết được, không có nghiên cứu đầy đủ.
Mà song song với chuỗi giá trị này là chuỗi logistics. Làm cách nào không ngắt quãng, làm sao xuyên suốt mà không gia tăng chi phí lớn, nó chỉ giúp đảm bảo chất lượng ngày càng tốt hơn, và đi xa hơn.
Hai “dây – chuỗi” này đòi hỏi nhà nước và nhiều tỉnh, thành, vùng liên kết lại. Mà sự liên kết này thì vai trò của TP.HCM là vô cùng to lớn và nổi bật. Cho nên TP.HCM mà phát triển lớn mạnh, giữ vai trò đầu tàu cho vùng và cho cả nước, chính là nhiệm vụ phải vượt qua ranh giới hành chánh 2.000km2. Mà nó bắt đầu từ mũi Cà Mau, đi dọc hết ĐBSCL đi đến TP.HCM đến Đông Nam bộ và càng phải đi xa. Như vậy thì không có chuyện ranh giới hành chánh hạn chế vai trò của TP.HCM.
Nếu TP.HCM nhận dạng sâu cái này thì Cà Mau hay Sóc Trăng, Đồng Xoài, Bình Dương… cũng là TP.HCM… nghĩa là TP.HCM phải tỏa ra như thế thì mới liên kết được. Từ cái chuyện này thì người nông dân sẽ thấy rằng họ được cả nước, được lãnh đạo cao nhất hỗ trợ hết mình, và họ cũng tự hào rằng, mình tuy ở một vùng nhỏ, một vùng trồng, một miếng đất nhưng cũng là một phần nhỏ của liên kết này.
Thật ra trong vài năm qua, những người ở ĐBSCL có sự tham gia của trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng làm được một số việc trong vấn đề làm Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL một cách có hệ thống. Tôi cũng biết ở Đồng Tháp lãnh đạo của tỉnh này rất quan tâm đến nền nông nghiệp tỉnh mình.
Như ông Lê Minh Hoan từ Đồng Tháp lên làm Bộ trưởng NN&PTNT, tôi nghĩ ông Hoan sẽ có nhiều kinh nghiệm, hoài bão để vực dậy ĐBSCL. Và nếu chúng ta kết hợp được lực lượng của TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL để làm cái bắt đầu và đi sâu vào từ cây, con, công đoạn chế biến khác nhau, và nhận dạng ra là nền tảng của sự phát triển này đó là ngành sinh học. Và đầu tư sâu vào sinh học để làm nền cho tất cả sự phát triển sau này của ngành nông nghiệp. Nếu như thế chắc chắn sau khoảng 20 – 30 năm nữa người ta sẽ thấy rằng, ĐBSCL không phải như người xưa nói, đây là vùng đất trũng về nghèo nàn, giáo dục hay hoài bão gì đó… Vì chúng ta thấy người dân ở ĐBSCL không đủ công ăn việc làm, mà có làm đi nữa thì cảm thấy không có lối ra… nên họ đi khắp mọi nơi làm việc, thậm chí đi cả ra phía Bắc và ra nước ngoài làm… cô dâu. Cũng là nỗi đau, nhưng cũng là một đặc tính của người đồng bằng là tìm mọi cách để sinh tồn, chớ không phải không có khát vọng.
Cái khát vọng là có, mãnh liệt, nhưng mà nên cho một hướng đi, khát vọng đó sẽ bứt phá lên. Tôi nghĩ rằng, ĐBSCL nên nghiền ngẫm, có một chiến lược dài hạn mà được sự chấp nhận từ trung ương đến địa phương.
Theo Phan Chánh Dưỡng/BSA
(Trần Quỳnh ghi)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này