09:48 - 06/07/2020
Giúp nông dân tự cứu bằng rơm rạ
Trong xóm chỉ cần một người đóng vai trò chủ chốt rành rẽ kỹ thuật, thuê người làm, thành hình mẫu, rồi phổ biến cho dân làm. Người nào giỏi thì tách ra và cứ vậy sẽ tạo ra sản lượng lớn. Đó là triết lý của Năm Nghi.
Cách làm nấm cải tiến
Giám đốc công ty cổ phần Nấm Thần Nông, ngoài 70 tuổi, mặc áo bông hoa, chim cò, mang giày tây trắng, ăn nói bộc trực, bốp chát, chia sẻ cách làm nông chủ động như sau: “Ai giúp cho người chủ chốt biết kỹ thuật?”, ông Năm Nghi (Phan Bá Nghi), CEO Nấm Thần Nông, nói: “Tui chứ ai”.
Nổi tiếng từ nguồn cung nấm rơm trong nhà và cách cung cấp dịch vụ ủ nấm cải tiến từ combo, giá nấm tươi của ông Năm bán xô cũng được 70.000 đồng/kg. Trồng ngoài trời, giá khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg.
“Thịt heo tăng giá cao ngất ngưởng sau khi dịch tả heo châu Phi tràn qua, nhu cầu thực phẩm an toàn hậu Covid-19 tăng lên, khiến nấm rơm thăng hạng”, ông Năm nói. Theo ông, đây là thời gian vàng để làm nấm, người ít vốn cũng có thể làm được nếu chịu khó nắm bắt kỹ thuật. “Vấn đề là làm đàng hoàng, không cần hoá chất, mức lời tối thiểu 30%. Thị trường nấm sạch – thuộc nhóm thực phẩm dinh dưỡng cao – còn mênh mông, nắm vững kỹ thuật ra nấm đúng chuẩn thì lời nhiều hơn nữa”, ông Năm bộc trực.
Một combo nấm ông Năm Nghi đang bán có giá 33.000 đồng (khoảng 18kg gồm meo giống và rơm), người mua có thể thu hoạch trong thời gian 35 ngày, và được công ty “bảo hiểm” đàng hoàng, tức là hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, đảm bảo ra nấm.
Nhiều người trồng sợ thua từ meo giống, hỏi “giá nấm xuống, giá meo có giảm hôn?” Ông Năm xuề xoà: “Được tuốt, dù giá meo 2.500 đồng/bịch – tới đáy rồi, cứ một bịch rưỡi ra hơn 800g nấm. Giá phụ thuộc đầu vào, vậy thì giá nấm lên, tui sẽ lên theo, anh chịu hôn?”, ông Năm cười ngất, nói thêm: “Ai cũng biết tính, nhưng tính cái lớn hơn, chứ tính mà không có win – win thì ai chơi”.
Tính tới nước sợi tóc chẻ làm tư, chê giá thấp nên nhiều người bán nấm cho thương lái làm hàng đi Trung Quốc, thay vì bán cho nhà máy của ông Ngan Mộc Cường – người từng đưa dòng meo giống về miền Tây.
Ông Ngan không mua được nấm, mời ông Năm ăn sáng, than thở. Cả hai là đối thủ trên thương trường nấm, có phải đây là cơ hội tốt nhất để diệt đối phương? Ông Năm không nghĩ vậy. Mình cũng như những nông dân khác, ban đầu như cua mới lột vỏ, chịu ơn người đã đem dòng nấm tốt về đây, nên đã cùng ông Ngan sang Lai Vung gặp nông dân trồng nấm.
Lai Vung là vùng trồng nấm nổi tiếng ở miền Tây, nhưng tới khi ông Năm Nghi nói: “Đây là người mang dòng nấm tốt cho mình mà lâu nay rẻ rúng thì không có hậu”. Lần đầu người trồng nấm mới biết mặt người đã giúp họ có dòng nấm tốt. Ông Năm nói: “Anh em nên bán nấm cho ông Ngan, vì như vậy là có trước có sau”.
Hôm đó các nông dân làm cơm, thết rượu cam kết bán nấm cho ông Ngan. Xong việc, dân trong xóm cho người lái vỏ đưa hai ông qua sông Hậu về Cần Thơ.
“Hôm cùng ăn sáng ông Ngan hỏi tôi ‘Dòng nấm của anh…’, chưa dứt câu thì ông Năm nói luôn ‘meo giống của ông chứ đâu’, ông Ngan cười nói: ‘Meo Meko, nhiều người lấy giống nhưng nuôi không thành công’ ”. ‘Giống nấm này rất quý, không ai giữ được. Anh giữ được tới giờ là giỏi lắm”, ông Ngan ôn tồn nói, “Trung Quốc cũng không có. Ráng giữ, sau này nông nghiệp có khó thì mình phát triển để có nguồn thu”.
Hình mẫu làm nông chủ động
“Trời đất tạo cơ duyên cho mình”, ông Năm nói hồi học tập cải tạo, không hiểu sao tôi vô đúng cái trại toàn người học cao. Anh em nói về kinh tế hậu chiến, khôi phục đất nước sau chiến tranh, mình học được nhiều. Trở về Sài Gòn, tôi làm đủ loại nấm, nhưng kịp nhận ra rằng tương lai nấm rơm ở miền Tây. Tôi về Cần Thơ làm nhiều dòng nấm, cuối cùng chỉ làm nấm rơm, đông trùng hạ thảo.
Nấm rơm của ông Năm luôn có giá cao. Nguồn nấm rơm cung cấp cho nhiều doanh nghiệp đóng hộp xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ ổn định, doanh nghiệp đặt hàng chế biến, ông cứ yên tâm phát triển meo, làm nhà trồng nấm và chia sẻ kỹ thuật cho ai cần.
Nấm trong nhà năng suất cao hơn, vòng quay nhanh hơn, dễ kiểm soát dịch bệnh, chất lượng nấm thương phẩm ngon hơn. Hiện nay, trại nấm trong nhà của ông Năm cung cấp khoảng 1 tấn/ngày, là hình mẫu làm nông chủ động.
Nếu tính theo lượng meo bán ra ở miền Tây, sản lượng nấm trong hệ thống mua combo, meo nấm tự ủ khoảng 65 – 80 tấn/ngày. Con số có thể nhiều hơn do các nguồn cung cấp khác. Nhiều nhà khoa học tính lượng rơm từ đất lúa khoảng 40 – 45 triệu tấn mỗi năm, dư sức để trồng nấm. Nông nghiệp kiểu nhà nghèo thì cứ trữ rơm làm quanh năm, hiện nay có máy cuộn rơm lại dự trữ, ai cũng có thể chủ động nguyên liệu. Chưa cần tới lục bình, bông vải, lá chuối làm giá thể, dù nhiều nhà khoa học có thể làm ra nấm. Ông Năm tin chắc suy nghĩ về tương lai nấm rơm từ 30 năm trước, đối chiếu với thực tế không có gì sai.
Vậy, tại sao vẫn có hàng loạt đại gia nấm thất bại? Vốn, khiến thức, kỹ thuật, lao động… không thiếu, thị trường dồi dào. Ai cũng làm meo được, dễ như làm bánh ít, bánh bò, tại sao làm không được; vì việc này đòi hỏi phải gần gũi với nông dân, phải hiểu họ làm như thế nào? Ai đang tác động đến họ? Cỏ May cũng đã tới đây tính cách hợp tác phát triển nấm sạch. Trước đây, ông Năm làm nấm bào ngư bán cho Pháp, bán nấm rơm cho Nhật, bán cho các công ty chế biến hàng đi Mỹ, Ý – tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nên hễ công ty trong nước hợp đồng chặt chẽ thì bắt tay vô làm. Hiện nay, nhu cầu nội địa tăng ở nhóm nấm sạch. Nhiều người ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang đầu tư nhà nấm, thực ra không đủ cung.
“Phải chơi với nông dân chịu làm, chịu cải tiến. Hợp tác xã nào cần tôi sẽ giúp để có sản lượng đủ nhu cầu. Nhưng ở miền Tây, sống lâu với nông dân mà không hiểu là hư bột hư đường”, ông Năm chia sẻ kinh nghiệm: “Giao dịch với nông dân dù một bịch meo chỉ có 2.500 đồng, nhưng phải biết ai làm chơi, ai làm thật, ai chuyên nghiệp hơn, giá tốt hơn, chất lượng hơn… nhưng bữa nay mời đám giỗ – không đi là xù nợ – tưởng nói chơi, nhưng họ làm thật”.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này