21:32 - 14/12/2020
Chủ tịch Đồng Tháp: Mekong Connect 2020 – liên kết làm nên thịnh vượng
“Muốn đi xa thì đi cùng nhau. Để có thể tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần phải liên kết, liên kết không chỉ phát triển cho từng địa phương, mà tạo sức mạnh, động lực phát triển cho cả vùng” – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nói về sự kiện Mekong Connect 2020 sắp diễn ra tại TP Cao Lãnh.
– Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Mekong Connect được tổ chức tại Đồng Tháp,đất Sen hồng đã làm gì để chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này?
– Diễn đàn Mekong Connect do lãnh đạo 04 địa phương ABCD – Mekong: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp khởi xướng, cùng với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC đồng tổ chức lần đầu vào năm 2015 tại thành phố Cần Thơ. Đây là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, lãnh đạo chính quyền, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong, ngoài nước và các đối tượng có mối quan tâm đến sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng Tháp vinh dự là địa phương tổ chức Diễn đàn năm 2020. Với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Diễn đàn Mekong Connect 2020 sẽ diễn ra ngày 21/12, tại Nhà Văn hoá Lao động Công đoàn Đồng Tháp.
Với sức hút từ sự thành công qua 04 lần tổ chức trước, Diễn đàn lần này dự kiến có khoảng 800 đại biểu gồm: Chủ doanh nghiệp, CEO, CFO, Giám đốc các bộ phận, quản lý cấp trung của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup, doanh nghiệp, các nhà mua hàng quốc tế, các kênh phân phối đa quốc gia; 30 đoàn lãnh đạo thuộc các tổ chức trong và ngoài nước; 50 doanh nghiệp tham gia khu triển lãm; 50 cơ quan báo chí; 15 lãnh đạo Trung ương và địa phương; 30 diễn giả uy tín trong và ngoài nước tham dự.
Bằng khả năng và trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thật chu đáo, an toàn để Diễn đàn Mekong Connect 2020 thành công và đạt hiệu quả như mong đợi, tạo ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu khi về Đồng Tháp – Đất Sen hồng tham dự Diễn đàn.
– Như ông vừa thông tin, chủ đề Diễn đàn lần này là “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng Sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Ban tổ chức kỳ vọng gì về diễn đàn lần này?
– Diễn đàn Mekong Connect đã tổ chức được 4 kỳ, mỗi lần diễn ra đều mang ý nghĩa thiết thực với từng địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như: Đẩy mạnh chuỗi liên kết vì sự phát triển bền vững (2015); Tìm cơ trong nguy (2016); Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ (2017); Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường (2019). Năm nay, chủ đề của Diễn đàn là “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đã và đang tác động khủng khiếp đến nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng v.v. là những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt.
Hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với xu thế bảo hộ ngày càng mạnh mẽ; xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa các cường quốc cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, chấp nhận “đóng băng một số lĩnh vực kinh tế”, gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Thấu hiểu được những khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang gặp phải, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải làm sao để đưa các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thuận lợi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là một bài toán, cần lời giải.
Các chủ đề sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn này gồm: Tích cực đưa nông sản – dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu; Tái cấu trúc nông nghiệp và vấn đề phát triển bền vững (quan tâm hơn tới kinh tế tuần hoàn, tới sinh học, khoa học vì sự sống); Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu; Xử lý bài toán quản lý sự thay đổi, xử lý rủi ro.
Với các nhóm chủ đề trên, chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn này sẽ thu hút nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế từ phía cộng đồng doanh nhân cũng như tham vấn các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý để có thể đưa ra giải pháp mang tính khả thi nhằm nối lại chuỗi cung ứng, tạo lập thêm các mối liên kết, hợp tác mới, đưa sản phẩm dịch vụ của vùng đất Chín Rồng vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và xa hơn là vươn ra biển lớn.
– Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn, Đồng Tháp mang đến nội dung gì, thưa ông?
– Bối cảnh Covid-19 đã làm phơi bày rõ hơn các điểm khiếm khuyết đang tiềm ẩn trong các nền kinh tế thế giới; dòng chảy thương mại toàn cầu đang đi qua một khúc quanh lớn và chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái sắp xếp cho một môi trường kinh tế bình thường mới của thế giới; tác động của dịch Covid-19 cũng đã chứng minh thương mại điện tử là điều kiện tất yếu để giúp các doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Chính vì vậy, tại Diễn đàn này, trong phiên thảo luận, giải pháp, cũng như thông điệp mà chúng tôi gửi đến là “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”.
Đồng Tháp lựa chọn giải pháp này trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, có nhiều nguyên nhân:
Trước hết, đối với tỉnh, ngành nông nghiệp đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế và có nhiều tiềm năng khi chuyển đổi kinh tế số. Ngành nông nghiệp chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của tỉnh và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 3%/năm; là ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao khoảng 50% lao động xã hội. Do đó, tác động của cách mạng công nghệ 4.0, thực hiện cơ giới hóa toàn diện và số hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, vận hành kinh doanh và tăng năng suất lao động.
Thứ hai, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh và sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp và nông dân đang đặt niền tin và kỳ vọng rất lớn vào vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động (drome, máy bay không người lái), cảm biến đo lường và thu thập dữ liệu sẽ được ứng dụng trong thời gian tới.
Gần đây, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình cơ giới hóa toàn diện và tích hợp công nghệ 4.0 của Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; thiết bị giám sát sâu rầy, sáng chế thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị v.v.. Có thể nói rằng, những mô hình nêu trên đã và đang góp phần chuyển đổi, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp tại Đồng Tháp.
Thứ ba, áp lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi các Hiệp định thương mại tư do (FTA) quan trọng có hiệu lực đòi hỏi, doanh nghiệp và nông dân phải tích cực tìm các giải pháp giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Để xuất khẩu ra thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và lưu giữ hồ sơ dữ liệu, chính ví thế áp dụng công nghệ số sẽ là giải pháp tối ưu cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
Thư tư, chuyển đổi kinh tế số trong nông nghiệp từ nền tảng của tư duy “kinh tế nông nghiệp” mà hơn 05 năm qua Đồng Tháp đã và đang tiếp tục thực hiện với một số thành tựu bước đầu, chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ mới một cách cơ bản để tổ chức và quản lý quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu thụ hàng hóa; giải quyết tuần tự việc ứng phó với các vấn đề dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong tương lai.
– Ông có thể chia sẻ thêm về sức mạnh của sự liên kết trong phát triển của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung?
– Tôi quan niệm rằng: “Một mình chúng ta làm được rất ít, cùng nhau ta làm được rất nhiều”. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh. Đây là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh. Tại Diễn đàn lần này, lãnh đạo 04 địa phương ABCD – Mekong tiếp tục thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc liên kết nói trên.
Đối với Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, kích hoạt và thay đổi tư duy, tinh thần tự vươn lên của người dân. Cùng với đó là phát huy mạnh mẽ tinh thần liên kết hợp tác, không chỉ trong nội tại mà còn huy động nguồn lực, liên kết bên ngoài. Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm Giới thiệu Trưng bày Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, tổ chức tuần hàng cá tra/basa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội, tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và được đón nhận nồng nhiệt.
Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 55.000 doanh nghiệp, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù xác định doanh nghiệp là động lực phát triển; tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc thiếu vai trò của “nhạc trưởng”, thiếu tính định hướng, tầm nhìn quy hoạch nên chưa tạo bước đột phá, kinh tế vùng phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Muốn đi xa thì đi cùng nhau. Để có thể tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần phải liên kết, liên kết không chỉ phát triển cho từng địa phương, mà tạo sức mạnh, động lực phát triển cho cả vùng, như kỳ vọng của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Văn Khương/Dongthap.gov.vn (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này