12:10 - 14/12/2024
Ba bí quyết làm lúa hữu cơ của ông Chín Vui
Chia sẻ tại Hội thảo: “Kích hoạt mô hình kinh tế xanh – phát triển đội ngũ doanh nhân theo hướng bền vững”, ông Chín Vui (HTX Tấn Đạt) cho biết ba bí quyết quan trọng nhất để ông làm hữu cơ thành công là quan tâm đến lợi ích của bà con, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, tiêu chuẩn và liên kết với doanh nghiệp.
>> Vĩnh Long muốn nghe tiếng nói của DN để tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’, phát triển bền vững
>> PGS.TS Nguyễn Phú Son: ‘Muốn xanh, muốn tuần hoàn thì không thể vội được’
Ông Chín Vui (Đoàn Văn Tài), HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long), là người đầu tiên thuê đất của nông dân để thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ thành công xanh ngay từ những năm 2015. Ông kể: “Tôi làm hữu cơ từ 2010, đến nay đã tròn 14 năm. Bản thân tôi khi quyết định đi vào nông nghiệp hữu cơ rất là gian nan, trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại. Đầu tiên, tôi làm tự làm trên đất nhà, tự áp dụng các mô hình kỹ thuật của trường nông nghiệp Cần Thơ. Tự nghiên cứu từ 1 công đến 5 công đến 1ha. Khi đó mô hình hữu cơ mới đếm được trên đầu ngón tay”.
Sau nhiều khó khăn thất bại, đến năm 2014 mới sản xuất thành công. “Đến 2015 khi tập hợp được một số nông dân cùng sản xuất, thì lại thất bại. Từ đó tôi mới nghĩ đến chuyện thuê đất của nông dân sản xuất” – ông Chín Vui kể.
Phân tích nguyên nhân thất bại, ông Chín Vui cho rằng, người nông dân làm lúa lợi nhuận rất thấp, họ rất quan trọng chuyện lỗ lãi. Khi vận động theo mô hình hữu cơ, mặc dù họ thấy được lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng họ lại chịu áp lực lỗ lãi nhiều hơn. Do đó, nhiều khi ban ngày họ thực hiện đúng quy trình, nhưng buổi tối lại lén bón phân hóa học vào, nên sản phẩm làm ra không được chất lượng đồng nhất.
“Khi đó, chẳng hạn có 10 hộ sản xuất, khi các tổ chức quốc tế vào khảo sát ngẫu nhiên nếu trúng 3 ba hộ sản xuất đúng tiêu chuẩn, nhưng còn 7 hộ khác làm sai thì khi sản phẩm sản xuất ra sẽ không đạt tiêu chuẩn” – ông Chín Vui nói.
Sau nhiều thời gian trăn trở suy nghĩ, đến năm 2017 ông đã mạnh dạn vận động thành lập HTX. Ngoài luật HTX 2012, ông đã mạnh dạn xây dựng quy chế riêng, ngoài thành viên góp vốn, thành viên có thể góp bằng đất, tư liệu lao động, và HTX xây dựng một quy trình sản xuất riêng. “Tức là góp đất phải sản xuất theo cùng một quy trình sản xuất. Chính như thế sản phẩm của HTX tấn đạt đạt được những tiêu chuẩn nhất định” – ông Chín Vui chia sẻ.
Từ 15 thành viên diện tích sản xuất 11,5 ha ban đầu, đến năm 2019 HTX đã có hơn 100 thành viên diện tích sản xuất 100 hecta. Sau đó, ông còn vận động thành lập liên hiệp hợp tác xã, với mỗi quy mô 50 hecta, đang đi vào chuyển đổi để sản xuất hữu cơ.
Nhìn lại hành trình 14 năm làm lúa hữu cơ, ông Chín Vui cho biết, mỗi năm đều phải có một dự án, một bước đi nhất định. Từ 2011-2014 chưa nghĩ đến thương mại hóa sản phẩm hữu cơ, chỉ vì sức khỏe cộng đồng. “Từ 2014 đến 2019 khi không chỉ Việt Nam mà cả thế giới nổi lên chuyện sản xuất hữu cơ thì đến năm 2015 HTX đã xây dựng hướng đi, tiến tới đạt tiêu chuẩn để đến tay khách hàng. Nhưng để sản xuất hữu cơ thì quá trình cải tạo đất mất nhiều thời gian, ít nhất 3 năm mới đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Khi đó HTX đã đạt tiêu chuẩn về diện tích đất, nhưng chưa đủ nội lực để làm, từ đó HTX mới nghĩ đến chuyện liên kết với các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, bỏ tiền ra để làm tiêu chuẩn cho HTX.
Năm 2019 HTX đã đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của Mỹ. Đến năm 2022 HTX đạt được 4 tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Canada.
“Vận động bà con đưa đất cho mình”
Ông Chín Vui tiết lộ bí quyết thành công đầu tiên của ông chính là “Quy trình sản xuất nghiêm ngặt”. Nhưng một quy trình đúng thôi chưa đủ. Có quy trình sản xuất rồi thì còn phải làm sao để các thành viên HTX sản xuất theo đúng quy trình đó. Nếu để bà con tự sản xuất trên đất của mình thì họ lo về lỗ lãi sẽ rất khó. Sau nhiều năm suy nghĩ, ông đã nghĩ ra giải pháp, đó là “vận động bà con đưa đất cho mình”.
“Không có nhiều nơi làm được việc này” – ông Chín Vui nói. “Bí quyết ở đây là Hội đồng quản trị HTX quan tâm đến đời sống của bà con. Phải làm sao để bà con có lợi nhuận cao hơn khi tham gia HTX”.
Theo ông Chín Vui khi bà con sản xuất khấu theo cách truyền thống nếu điều kiện thuận lợi 1 công đất (1.000m2) trừ tất cả chi phí sẽ thu được tối đa 1,5 triệu đồng, nhưng nếu vào HTX, HTX sẽ trả cho 2 triệu đồng. “Như vậy, bà con chỉ cần giao đất cho HTX, rồi bà con về nằm ngủ, cuối vụ HTX trả 2 triệu đồng. Không phải lo mất mùa, thời tiết” – ông Chín Vui nói.
Chưa kể, những hộ có nhân công rảnh rỗi thì có thể làm cho HTX. HTX sẽ trả công nhật, mỗi lao động nữ HTX trả 180.000 đồng/ngày, mỗi lao động nam là 200.000 đồng. Còn với bà con là thành viên góp vốn thì cuối năm còn được hưởng lợi nhuận từ vốn góp vào HTX.
Liên kết với doanh nghiệp
Nhưng với đặc trưng vốn mỏng của HTX, trong khi sản xuất hữu cơ đòi hỏi chi phí lại rất cao, làm sao để HTX Tấn Đạt có thể chi trả cho người nông dân những “lợi ích cao” đến vậy?
Điều này nằm ở bí quyết thứ ba của ông Chín Vui và HTX Tấn Đạt. “Phải phối hợp với doanh nghiệp” – ông Chín Vui tiết lộ.
Khi HTX làm được quy trình đồng bộ, sản xuất ra được sản phẩm đồng đều, chất lượng ổn định thì sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia cùng HTX, và bản thân HTX cũng cần phải có doanh nghiệp. “Doanh nghiệp phối hợp tác xã rất quan trọng để mình có tên tuổi. Mình thuê đất giá cao, khi sản xuất xong mới kiếm thị trường thì không hiệu quả. Tiêu chí của HTX là trước khi sản xuất thì phải liên kết được chỗ tiêu thụ. Trước kỳ xuống gióng 5-10 ngày, mình sẽ mời gọi doanh nghiệp đến kết sản xuất, bao tiêu. Điều kiện là doanh nghiệp phải đặt cọc trước 50% vốn. Cụ thể, 1 hecta họ ứng 10 triệu đồng để làm vốn cho nông dân mua vật tư, công lao động. Cuối vụ sẽ trừ lại chi phí này, còn về phía mình HTX sẽ đảm bảo làm ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn”- ông Chín Vui nói.
Hội thảo “Kích hoạt mô hình kinh tế xanh – phát triển đội ngũ doanh nhân theo hướng bền vững” nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2024, được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long sáng 14/12. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức.
Vĩnh Long và Hậu Giang là hai thành viên mới nhất chính thức tham gia Diễn đàn Mekong Connect từ năm 2024.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này