
09:53 - 04/06/2022
TS Bùi Trân Phượng: Làm người bây giờ khó hơn xưa nhiều
Mối quan tâm của phụ huynh là con mình sẽ trưởng thành thế nào và làm gì để bước vào cuộc đời. Nhà giáo Bùi Trân Phượng đã dành cho tôi một buổi chiều tháng 5 trò chuyện về lý tưởng của các bạn trẻ.
– Thưa cô, có thật sự là người trẻ cần có lý tưởng hay không và lý tưởng đó giúp họ trưởng thành như thế nào?
– Thế giới thay đổi là quy luật. Lý tưởng của ông bà mình ngày xưa khác lý tưởng của thanh niên thời nay. Như vị thế con người cá nhân của thế hệ hiện tại rõ ràng hơn con người cá nhân lúc trước và điều này khiến người ta có nhận thức về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng cũng khác. Bên cạnh đó vòng tròn gia đình hiện nay cũng không ổn định do những giá trị truyền thống thay đổi, quốc gia cũng không ổn định (vì người ta có thể có mấy quốc tịch, học nhiều ngoại ngữ)… những giá trị cộng đồng ngày xưa có vẻ ổn định thì bây giờ phức tạp hơn rất nhiều. Một bạn trẻ lớn lên thời nay sẽ có những trải nghiệm văn hóa rất đa dạng chứ không chỉ một nền văn hóa. Chính những trải nghiệm cuộc sống của thời đại này khác biệt như vậy cho nên chúng ta cũng không thể buộc người trẻ về việc phải có lý tưởng giống chúng ta. Hoặc nói cách khác, ngay cả người trẻ bây giờ có những giá trị, lý tưởng rất khác biệt nhau. Trong đó cũng có những cái tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai của từng cá nhân chứ không áp cho toàn xã hội. Người làm giáo dục (GD) như chúng tôi thì có xu hướng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn trẻ có thể sống và thích nghi với xã hội và văn hóa dân tộc. Tuy nhiên cũng phải nhắc lại rằng thế hệ của chúng tôi được giáo dục trưởng thành dựa trên những giá trị phổ quát của loài người: Sự công bằng, lòng nhân ái và biết chia sẻ với muôn loài khác.
– Để một người trẻ không trưởng thành trong… hoang mang, họ cần trang bị những gì để bước vào cuộc sống?
– Có lần tôi đứng lớp với một lớp học có cả sinh viên Mỹ lẫn VN. Qua 7, 8 năm giảng dạy ở lớp này, tôi nhận ra một điều: Nếu nói đến những vấn đề như buôn người qua biên giới, bình đẳng giới… ở Việt Nam thì chính các bạn học viên người Việt Nam không hiểu biết bằng các bạn học viên ở Mỹ… dù điều này xảy ra trên đất nước Việt. Là do các bạn VN không tìm hiểu và không có thông tin nên họ thờ ơ, nhưng các bạn ở Mỹ thì ngược lại. Họ luôn khao khát hiểu biết, bằng mọi cách tìm kiếm thông tin và khi nhắc đến những đề tài trên, họ nhạy cảm hơn. Điều này cho thấy, mọi khát vọng đều bắt đầu từ hiểu biết.Mà không chỉ có bạn trẻ, hãy hỏi cha mẹ, thầy cô hiện nay họ có giá trị, lý tưởng không? Vì khi họ không có thì các bạn trẻ cũng sẽ không có. Nếu bạn có ý thức tìm hiểu, có nhận thức, có thông tin… thì sẽ có rất nhiều điều làm cho bạn trẻ suy tư, trăn trở, lo âu và kỳ vọng. Và khi có kỳ vọng ắt bạn sẽ tư duy về nó để tìm kiếm cách thay đổi.
– Làm sao để bạn trẻ có nhận thức đầy đủ về thế giới, để có lo âu, trăn trở, khát vọng dẫn đến những hành động và sống có mục đích?
– Quan sát xã hội bây giờ, tôi lại cho rằng chỉ cần các bạn trẻ biết chọn và làm một nghề với sự tận tâm để mưu cầu một cuộc sống tốt thì cũng là đã rất tốt đẹp rồi. Một bạn trẻ muốn đi làm có tiền để sống tự lập không phải phụ thuộc vào cha mẹ thì đó cũng là một sự chọn lựa đúng đắn và rất tốt. Còn nếu như họ muốn có tiền chỉ để có tiền hơn thiên hạ hoặc chà đạp kẻ khác để kiếm tiền thì đó không gọi là lý tưởng. Vì nó không những chẳng có lợi cho người đó mà còn có hại cho cộng đồng. Chúng ta không mong cầu có nhiều bạn trẻ như vậy. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều bạn trẻ được tiếp cận thông tin, hiểu biết để có cảm xúc tích cực trong việc tự xây dựng cuộc đời mình có trách nhiệm với bản thân và với người khác. Đó là tương lai.
Tôi nghĩ nếu chúng ta thực sự lo lắng thì chúng ta phải làm gì đó để cho các bạn trẻ có nhận thức được mọi vấn đề. Làm sao để một lối sống bình thường của con người ta, dù ở ngoài chợ cũng khơi gợi được nhiều điều tốt đẹp trong con người. Hiện tại, tôi đang được sống trong vòng các mối quan hệ của tôi với những bạn trẻ sống tích cực, đã cho tôi có cảm xúc tích cực với cuộc sống. Nếu được động viên như vậy thì ai trong chúng ta cũng sẽ hướng tới những điều tốt đẹp.

Nhiều bạn trẻ được tiếp cận thông tin, hiểu biết để có cảm xúc tích cực trong việc tự xây dựng cuộc đời mình có trách nhiệm với bản thân và với người khác. Đó là tương lai.
– Vậy, chỉ cần có một nghề nghiệp ổn định và sống cuộc sống lương thiện cũng là sống có lý tưởng rồi ư?
– Hiện trạng thực tế cho thấy đất nước đang mất đi rất nhiều vẻ đẹp vốn có của nó. Vì vậy muốn tạo ra được sự gắn bó và để giữ gìn, bảo vệ dân tộc, không gì bằng giáo dục cho thanh thiếu niên những giá trị của văn hóa dân tộc mình? Muốn vậy, chính thế hệ đi trước phải biết trân trọng, gìn giữ. Tất nhiên nếu xét môi trường hiện tại còn nhiều bất cập, thì vẫn có thể đào tạo một thế hệ trẻ biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng (dân tộc) với điều kiện phải có được môi trường giáo dục tử tế.
Tôi cũng không kỳ vọng thu hút được đông bạn trẻ có lý tưởng cao đẹp, lớn lao. Điều mà tôi thật sự quan tâm là làm sao để có nhiều bạn trẻ có những nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn với XH chung quanh mình và có sự gắn bó mật thiết với những con người để làm cho XH tốt đẹp hơn. Và tôi vẫn cho rằng số đông các bạn trẻ biết tự lo cho bản thân và trở thành người lương thiện cũng là điều tốt cho XH.
Hay nói cách khác, có nhiều con người mà nhận thức được đầy đủ toàn diện về thực tế xã hội và có đủ động lực tác động đến cộng đồng, thì những người đó càng giỏi giang chừng nào thì XH càng tốt đẹp chừng đó.
Vì vậy, nếu bạn trẻ biết suy nghĩ sẽ giúp bạn biết cách cần phải hành động làm thế nào để chống lại những điều tệ hại, xấu xa. Và ngược lại, nếu bạn trẻ thấy chung quanh mình chỉ toàn những dối trá, gian manh thì họ sẽ đón nhận nó như một lẽ… bình thường. Tôi tin rằng người trẻ luôn có cái đầu hiểu biết và trái tim nhân ái nhưng làm sao để họ tiếp xúc với thực tế nào, nhận thức nào thì họ mới hướng về điều tốt đẹp được.
– Làm thế nào để cho họ nhận ra giá trị tự thân của họ? Làm thế nào để họ cảm nhận được chính họ và từ đó phát huy được khả năng cá nhân?
– Nói cho đúng là làm người bây giờ khó hơn người xưa rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những giá trị phổ quát về công bằng, nhân ái.
Tôi vẫn biết rất nhiều bạn trẻ, có những bạn lập ra những đội, nhóm để lan tỏa những giá trị tích cực như sự tự lập, sự dấn thân… các bạn làm không phải từ những yêu cầu của nhà trường mà làm vì thấy điều đó là cần thiết. Những giá trị đó không đem lại tiền bạc nhưng lại thỏa mãn khao khát về sự hiểu biết các giá trị văn hóa, xã hội, con người. Có điều gì trong các bạn cảm thấy thôi thúc, bắt buộc phải làm.
Thật ra lý tưởng đâu chỉ có hy sinh bảo vệ tổ quốc, mà nó có khi chỉ là ý thức làm điều tốt đẹp nhất có thể cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
– Cô nghĩ gì về quan niệm “giáo dục hiện nay là giáo dục lòng yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu để con người không còn bạo động, chiến tranh”?
– Giáo dục để yêu thương là điều đúng đắn. Nhưng có thể yêu thương mà không đấu tranh được không? Vẫn phải có đấu tranh mới chấm dứt bạo động được. Như ở Ukraina hiện nay, chính vì họ rất yêu thương dân tộc và đất nước họ nên họ phải chống lại chiến tranh.Không có đấu tranh thì có khi cũng không có yêu thương thật sự.
Ngân Hà thực hiện (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Cước vận tải quá cao làm nông sản khó quay về thị trường nội
Hoà âm cá tôm sông Hậu – rau củ Langbiang 2.0
Tôm sú Việt Nam được ưa chuộng tại Hàn Quốc
Sáng nay 7/11: Khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2019 tại Cần Thơ
Phạm Chi Lan: 500 anh em gặp nhau ở Mekong Connect
Tags:ts bùi trân phượng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này