
09:24 - 28/05/2022
Sau cao trào của cảm xúc đừng lãng quên họ!
Chiều muộn, các bạn trường Hy Vọng còn “nằn nì” đến thăm để nói chuyện tình hình trường và cũng để chào trở về Đà Nẵng. Hơi đuối vì là giờ cuối của ngày cuối của một tuần khá căng thẳng nhưng tôi cũng không đành lòng từ chối. Các bạn đến mang theo một câu chuyện cảm động.
Hiệu trưởng Hoàng Quốc Quyền gật gật đầu. Phải công nhận là tôi rất ấn tượng và khâm phục cậu bé này chị ạ. Như một người đàn ông cương nghị và chững chạc luôn. Hai anh em sống ở xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM, trong một căn nhà nhỏ có một căn gác, chắc diện tích không quá 40 mét vuông. Hai anh em, anh trai là Lương Gia Nghị năm nay học lớp 11 nhưng đã nghỉ học, còn em gái là Nghi đang học lớp 9. Bố của Nghị sinh năm 1958, mất vì tai nạn giao thông mấy năm trước còn mẹ thì sinh năm 1965, mất vì Covid vào tháng 9/2021. Nghị kể, mẹ em vào bệnh viện đúng 14 ngày rồi trở về sau đó với một hủ tro. Hai anh em không còn nước mắt mà khóc. Hàng xóm lập giúp cái bàn thờ bố và mẹ. Bà dì đem hai anh em về, sống với dì cũng ấm cúng hơn nhưng nghĩ đến bàn thờ bố mẹ lạnh lẽo quá, mà nhớ mẹ nhiều nên hai đứa xin trở về nhà. Dì giận dỗi không trợ cấp nữa. Nghị suy nghĩ mấy ngày, quyết định một mình: nghỉ học, đi làm kiếm tiền nuôi em. Nghị tính, thôi nghỉ học mấy năm cho em học xong rồi mình trở lại trường học, chứ tuổi này đâu có nghề ngỗng gì mà vừa đi làm vừa đi học nuôi em. Nghị kiếm chỗ làm ở một nhà sách. Lương một tháng 4 triệu. Cũng một mình phải tính toán chi tiêu thật chặt chẽ, kỹ lưỡng vì hai anh em chỉ sống với chừng ấy thu nhập. Dành cho em gái tiêu vặt 500 nghìn. Tiền điện 250 nghìn. Còn bao nhiêu là tiền chợ nấu ăn cho hai anh em. Xã thương tình lâu lâu cho ít gạo…
Anh Quyền kể, tuy không thấy Nghị cười lần nào nhưng giọng em vui, trầm tĩnh, không bi quan. Tặng hai anh em chút trái cây, Nghị cám ơn, cách nói cứ như trút hết nỗi niềm Biết ơn của một người đàn ông trưởng thành vững chãi. Xứng đáng đàn ông chị ạ. Hỏi em, mai này em học xong trung học, vào đại học, Nghị mới học lại lớp 11 có thấy ngượng không? Nghị khẳng khái, dạ không, được đi học tiếp thì vui lắm, đâu có gì xấu hổ ạ.
Tôi xem kỹ 8 bức ảnh mà Quyền gửi cho tôi, không thấy Nghị cười lần nào, thật vậy, nét mặt nghiêm trang, tư lự, không buồn nhưng nhất định không cười, trong khi bé Nghi cười rất vô tư xinh xắn. Tôi ước gì được xem cuốn sổ nhỏ ghi chép thu chi của “gia đình” nhỏ này của ông anh Hai biết hi sinh và thu xếp cảnh nhà hiếm có…
Biết rằng Nghị và Nghi đồng ý sẽ cùng ra nhập học tiếp vào giữa tháng 7, khi trường Hy Vọng bắt đầu niên khóa mới, tôi thầm mừng, Nghị sẽ được trở lại trường học ngay không phải vất vả đi làm, tính toán từng đồng chi tiêu chật hẹp nữa còn bé Nghi thì an tâm lên lớp 10 với trường mới bạn mới đông vui và hai anh em cũng được cùng sống dưới một mái trường vui quá.
Quyền kể tiếp chuyện trường Hy Vọng, sau khi nguôi tình cảm xúc động về câu chuyện hai anh em Nghi-Nghị (mà tên của Nghị cũng lại lót chữ Gia, có lần tôi đã viết, những gia đình mà tôi tình cờ gặp, tan nát vì dịch Covid, đột nhiên cha hay mẹ ra đi bỏ lại con cái côi cút, sao lại vẫn thường đặt tên con với chữ ghép giữa toàn là Gia: Gia Hy, Gia Huy, Gia Khang, Gia Bảo và ở đây là Gia Nghị, nên nghĩ càng thương cho những đứa trẻ không còn gia đình chỉ vì thảm họa trên trời rơi xuống). Trường vừa được thành phố Đà Nẵng cấp thêm cho 1,7 ha để cho các cháu nuôi cá, nuôi heo, nuôi gà tăng gia cho các bữa ăn. Quyền đã đi đến gặp và trao đổi xin cho các cháu mồ côi được đưa đi học trường Hy Vọng với 40 Sở Lao động-TBXH của 40 tỉnh thành. Mỗi bạn nhỏ về trường là nhóm tuyển sinh của trường đi đến tận địa phương, tận nhà để thăm và tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể.Trường đã kịp thành lập đội Robocon để đi thi với 200 đội các trường toàn quốc.Nhiều doanh nghiệp đã trợ cấp sữa, gạo, thịt góp sức nuôi các cháu.Quyền nói rõ, chúng tôi chỉ nhận hiện vật, không nhận tiền.
Ông hiệu trưởng này rất nguyên tắc nhưng cũng rất dễ mủi lòng và giàu tình cảm.Anh lưu giữ cả những trang viết của các bạn về cuộc sống hàng ngày.Như bài viết của một học sinh tên Nga.“Trồng rau với em là một trải nghiệm rất thú vị. Đầu tiên là xới đất, tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc theo dõi rau hàng ngày. Như chuyện tưới cây, nó giúp em rèn thể lực. Mỗi ngày, nhìn những cây rau vui vẻ “uống nước”, em thấy như nó đang tung tăng nhảy múa, tuy mệt vì nắng nhưng em lại được bù đắp rất nhiều điều. Đi học về, có những hôm mệt mỏi, nhìn những luống rau lớn lên là em giải tỏa căng thẳng. Vui hơn nữa là khi tự mình hái những cây rau do mình trồng và chăm hàng ngày, tự bó lại, tự tay giao cho người khác là lòng mình vô cùng thích thú. Tiền bán rau cũng góp chút gì đó cho chi tiêu đội, cứ như mồ hôi công sức của mình cũng có góp được vào công việc chung. Những khi tìm được trong các luống rau những bụi cỏ chen vào, diệt từng đám cỏ để giữ cho rau được khỏe mạnh lớn lên, em thấy như mình tìm được kho báu. Rồi nuôi cá, nhìn nó bơi thích lắm còn có lần một con cá chết là em buồn như bị mất món đồ gì quý lắm. Nghĩ lại, em thầm cám ơn thấy cô đã đầu tư cho vườn rau, những hồ cá nhỏ để tụi em tự làm những điều có ích khi mình còn chưa bước ra đời thực sự”.
Ban giám hiệu trường Hope (Hy Vọng) vẫn kiên nhẫn, miệt mài đi tìm và tuyển sinh từng bạn nhỏ cho niên khóa mới.Quyền “khoe”, lần này trường chuẩn bị đón 200 em học sinh mới. Riêng Cần Thơ là đông nhất. Còn TP.HCM cũng có 40 bạn. Tôi hiểu mỗi một cảnh đời đều được các bạn phụ trách trường Hy Vọng tìm hiểu thấu đáo và còn thuyết phục thân nhân đồng tình cho các cháu vào trường. Với nhiều gia đình, tuy thực sự khó khăn nhưng không đành xa các cháu, rồi có cháu phải nghỉ học để mưu sinh như trường hợp cháu Nghị ở trên, nên nhà trường phải giãi bày thuyết phục. Chắc cũng ít có ai làm việc xã hội, chỉ có “cống hiến” mà còn phải năn nỉ ỉ ôi và thuyết phục tận tình như vậy?
Mấy hôm nay chuẩn bị đi dự hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống ở Bangkok, thấy những thủ tục xét nghiệm của họ thật nghiêm khắc, khó khăn và nhiêu khê (phải có chứng nhận tiêm từng mũi, rồi phải đi test nhanh trước khi đi với giấy chứng nhận âm tính bằng tiếng Anh, và sắp tới, ở Thái đến thăm nhà máy, mọi người trong đoàn phải đi test nhanh âm tính mới được vào nhà máy…) tôi giật mình. TP.HCM hoàn toàn bỏ hết các thủ tục ấy rồi. Và hình như những nỗi thống khổ, nhọc nhằn do Covid đem lại, nó hành chúng ta quá xá, cũng đang lùi xa trong nhịp sống hối hả mỗi ngày hiện nay?
Câu chuyện thật của câu bé Lương Gia Nghị bỗng xới lại trong tôi những nghĩ suy nặng nề. Không có sự “phát hiện” tình cờ của trường Hy Vọng, chắc chúng ta cũng khó hiểu được tình cảnh phải bỏ học đi làm nuôi em và cuộc sống cơ cực của hai anh em. Vẫn có thể bị sót trong thống kê các trường hợp, nhất là không có sự theo sát để hiểu những cách xử lý để tự ổn định và thu xếp cuộc sống trong ngặt nghèo rất đáng thương. (Mà thành phố này, với hàng triệu người dân nghèo tứ xứ nhập cư, đâu thiếu những trường hợp trẻ bị bỏ học đi bán vé số cùng gia đình độ nhật?)
Một ngôi trường làm việc thiện rất mới lạ, xa xôi cũng chẳng dễ gì được hiểu và được tin. Chương trình Vòng Tay Việt, khi nghe dì dượng của cháu Đặng Gia Hy báo tin ban giám hiệu trường Hy Vọng muốn đến thăm hoàn cảnh cháu để mời nhập trường, đã bàn và xin đóng vai thân nhân của Hy để dò xét “mấy ông tuyển sinh” này. Rồi ngay sau đó, một người của ban phụ trách chương trình bay ra tận trường. Rồi nhờ hai cộng tác viên đến trường kiểu “khách vãng lai” đến thăm thực tế để xem thực hư. Bây giờ thì trường đã thành bạn thân của “Vòng tay Việt” rồi.
Tôi nghĩ, hơi chua chát, nếu trường hợp hai cháu Nghị và Nghi không gặp trường Hy Vọng, thì sẽ có ai đó “triết lý” thế này, rồi có lúc nào sau này, bọn trẻ như hai anh em Nghị và Nghi sẽ cám ơn đời đã đưa hai anh em vào hoàn cảnh ngặt nghèo nên đã rèn cho hai anh em sự trưởng thành, kiên cường, chín chắn thành người biết làm chủ cuộc sống và tương lai mình. Vậy hai đứa nhỏ phải cám ơn đời va đập đẩy đưa mình hơi nặng tay chút? Không, không thể cho phép mình nguôi quên, thờ ơ để xảy ra những trường hợp thống kê sót và hoàn cảnh buộc những nạn nhân cuối cùng thảm khốc nhất của đại dịch phải tự chống chọi trong cực cùng như vậy. Chắc cuộc sống vẫn luôn xảy ra những vụ bỏ sót nhưng chúng ta ơi, phải chăng cần cố gắng phát hiện, theo đuổi, đừng lãng khuây, đừng quên phắt những nạn nhân đáng thương đó, mối nợ lớn của chúng ta giữa lúc cuộc sống phải tiếp tục vội vã lên đường như lúc này.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này