
11:25 - 03/05/2022
Sài Gòn bát phố
Nói làm sao hết “cốt cách Sài Gòn” trong một chuyên đề nhỏ… Cho nên chúng tôi xin chọn những “thân phận Sài Gòn” trải dài lịch sử qua những câu chuyện rất nhỏ bé, nhưng phải có những con người ấy, con đường ấy, tòa nhà ấy và hàng quán sôi động mới thực sự làm nên sức sống của Sài Gòn hoa lệ xưa giờ.

Thành phố có hơn 150 công trình kiến trúc cổ, trong đó có những tòa nhà được xây dựng cách đây khoảng 100 năm với giá trị kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa to lớn. Trong ảnh là phía bên ngoài Nhà hát Thành phố được chụp ảnh 3D trong dự án số hóa các di sản kiến trúc cần bảo tồn.
Dù rằng vẻ đẹp xưa cũ giờ có thể dần phai…
Bài và ảnh của cố nhà báo Nguyễn Nguyên được gia đình gửi đến Thế Giới Hội Nhập. Xin trân trọng giới thiệu.
Bánh mì Miche
Khai thông hồi cuối năm 1877 với cái tên là đường Miche, năm 1955 được đổi thành Phùng Khắc Khoan, và đến giờ cũng vẫn là Phùng Khắc Khoan, con đường của hai hàng me cổ thụ, của nhà lầu và biệt thự.
Trong chúng ta hôm nay khi nói đến Phùng Khắc Khoan, chắc chắn không mấy ai không biết đây là một danh nhân đất nước, một ông Trạng nổi tiếng về tài ứng đối trong giao tiếp với sứ Tàu, đồng thời là ông tổ của nghề dệt the (the Bùng). Còn Miche thì có lẽ là không phải ai cũng biết được rằng đây là tên một vị giám mục đã công lao đóng góp trong buổi đầu thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và chế độ bảo hộ của Pháp ở Campuchia.
Giám mục Jean-Claude Miche, ngoài sự nghiệp chính trị, ông lại có thêm thành tích trong việc phổ biến và khuyến khích việc trồng cây măng cầu xiêm, một giống cây trái mà gốc gác của nó vốn ở tận xa xôi châu Mỹ.
Nói chung, tên đường thì thấy hiển nhiên mà lai lịch thì rất mơ hồ. Dân Sài Gòn dường như chẳng cần tìm hiểu xem Miche là ai, nhưng có thời gian hăm mấy ba chục năm, ở đâu đó Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, thiên hạ thường ngày nhắc đến Miche. Không phải đường Miche hoặc mỗi một tiếng Miche đơn độc, mà bánh mì “Miche”.
Ngôi nhà số 6 đường Miche, không treo bảng hiệu, một lò bánh mì sản xuất quy mô và kỹ thuật cao. Bánh mì lò này chuyên cung cấp hằng ngày cho bệnh viện Grall (quân y viện của Pháp, nay là bệnh viện Nhi Đồng 2), cho các tiệm cơm tây và cả người mua lẻ nữa. Bánh mì Miche mua về để dành ba ngày ăn vẫn mềm, vẫn thơm, vẫn ngọt. Từ những đâu đâu ấy, sớm, trưa, chiều người ta đạp xe đạp, phóng xe máy, lái xe hơi đến đầu đường Miche để mua ít ổ bánh mì. Cả sau khi đường đổi tên, cũng chẳng ai chịu nói bánh mì Phùng Khắc Khoan, mà cứ một mực “bánh mì Miche”.
Lò Pạc Thầu
Con đường Nguyễn Công Trứ với cái tên xưa là Lefebvre (Lơ-feo) từ thuở mở phóng (1865) tính đến nay cho thấy đã được 135 năm tuổi. Cái hẻm 100 không ai rõ là đã quy hoạch vào ngày tháng nào, nhưng sinh thời ông Bảy Bí, một cư dân thuộc hàng kỳ cựu trong hẻm, khi nói chuyện xưa tích cũ, ông Bảy cho biết hồi còn con nít ông vẫn ngày ngày nô đùa chạy ra chạy vào, dân trong hẻm quá nửa là người Tiều, người Quảng. Ông Bảy là con trai bà Sáu Hậu, sở hữu chủ đầu tiên của dãy nhà mấy chục căn bên số chẵn đường Lơ-feo. Ông Bảy cũng là bạn chơi của ông Hai Bính, một tay anh chị, một mạnh thường quân của báo Dân Chúng – Le peuple và phong trào những năm 35, 36, 40. Nhà ông Hai ở trong hẻm chỗ gần ngã tư Nguyễn Công Trứ – Nam Kỳ Khởi Nghĩa nên khắp mấy hẻm và đường phố ổng đều coi như hàng xóm láng giềng. Cứ mỗi lần gặp nhau ông Hai ông Bảy lại rôm rả chuyện xưa, chuyện nay, chuyện gần chuyện xa.
Ông Bảy nói hồi chưa cất cái chợ Cầu Muối, nhà trong cuối chót hẻm 100 là một vựa rau rất lớn.Đêm đêm nhà vườn từ Hóc Môn kìn kìn gánh cải bẹ xanh, cải ngọt, cải củ đi bộ xuống giao cho chủ vựa. Lúc đó là quá nửa đêm, còn gần tang tảng sáng thì người bán lẻ ở các chợ tứ phía kéo đến nhận hàng. Thành ra đêm nào cũng vậy, cứ nửa đêm về sáng là đầu hẻm cuối hẻm khắp chỗ cười nói ồn ào, đôi khi la lối với đủ thứ ngôn ngữ vừa tiếng Việt, tiếng Tiều, tiếng Quảng. Trong hẻm ngoài đường ai nấy đều thấy quen tai với xéng thoi (thanh thái: cải bẹ xanh), lò pạc thoi (la bặc thái: cải củ). Nghe ông Bảy nhắc đến lò pạc thoi, ông Hai bỗng tủm tìm cười rồi nói: Lò pạc thoi có lúc đổi thành lò pạc thầu, la bặc thủ tức là đầu củ cải, chẳng biết do ai bày đặt nhưng cốt ý chế giễu thói kiêu ngạo của quân đội Nhật. Lính Nhật đầu cạo nhẵn thín trông hệt như đầu củ cải. Quân đội Nhật nói chung là thích ăn củ cải nên sau khi Nhật đổ bộ vào Đông Dương thì cái vựa rau trong hẻm kiếm bộn. Người Tàu không chê tiền nhưng căm thù Nhật Bản, bày đặt so sánh cái đầu lính Nhật với củ cải để cho hả nỗi căm thù. Sau khi Nhật bại trận, lính Nhật rút về nước, ba tiếng lò pạc thầu mọi người cũng quên luôn”.
Lò pạc thoi, lò pạc thầu, ông Bảy, ông Hai nói đoạn cùng nhau cười khà.Đối với ông Hai, không riêng gì nhà ông Bảy mà các nhà trong hẻm đều rất có tình. Mười lăm năm trước đây, lúc sinh thời ông Hai, lâu lâu ông qua bên hẻm chơi là già trẻ đâu đó hỏi râm ran. Đám xe mì, hủ tíu ở đầu hẻm thì dọn bàn kéo ghế mời ông Hai ngồi. Bạn đi cặp kè với ông Hai cũng được mời trân trọng và nếu có xe honda cũng cứ việc gửi chỗ xe mì, hủ tíu, tự khắc có người trông giúp.
Hẻm 100 như thế đấy, chỉ mới bấy nhiêu, chưa phải là tất cả nhưng vẫn tạm đủ để nói một cái hẻm với lai lịch, cuộc sống cư dân và những nét riêng.
Đường Sabourian
Cho đến giờ, sau bốn mươi hai năm với hai lần đổi tên, Tạ Thu Thâu rồi Lưu Văn Lang, trong trí một lớp không ít người Sài Gòn vẫn lưu lại hình ảnh con đường từ cửa Đông chợ Bến Thành thẳng tắp sang tới đầu bên kia với tên gọi Sabourain.
Có lẽ sẽ hơi bất ngờ khi biết rằng Sabourain chỉ là một viên chức nhỏ của toà án Sài Gòn hồi đầu thế kỷ. Gustave Sabourain sinh năm 1866 tại miền Nam nước Pháp, qua Sài Gòn làm thừa phát lại tại toà án 1904 đến 1908, sau đó trở về Pháp nghỉ hưu và sống vui thú điền viên ở Monte Carlo.
1913 – 1914, đường Sabourain mới mở, cùng với thời gian thi công xây cất chợ Bến Thành. Con đường với hai dãy phố, trên năm chục căn vừa lầu vừa trệt, cổ kính, ai từng lui tới, dù chỉ một lần, trong lòng hẳn ít nhiều còn in đậm kỷ niệm, dù nhỏ bé.
Này đây, bên dãy số lẻ, trước hết là nhà hàng Nguyễn Văn Đắc nổi tiếng với bánh ngọt đủ loại; này là tiệm cà phê Côte d’Azur mà nữ chủ nhân – cô Hoan là người ái mộ nghệ sĩ Quốc Hương; rồi Tín Đức thư xã, một nhà xuất bản chuyên in ấn, phát hành tiểu thuyết Tàu cổ điển và truyện dân gian như Trê Cóc, Tấm Cám, Thạch Sanh v.v… Bên dãy số chẵn thì nào cửa hàng bán đồ cổ với ông chủ ưa bình luận văn chương thời thế hơn là phân tích về men sứ, men ngọc; nào là tiệm sách Phạm Văn Tươi; nào Tout Petti chuyên thêu may quần áo trẻ em; rồi tiệm sách Nguyễn Khánh Đàm v.v… Sớm chiều, đầu đường, cuối phố không ồn ào tấp nập nhưng hầu như không lúc nào thưa vắng, vì ngoài các hàng bánh, nhà sách, tiệm may, Sabourain lại còn cửa hàng bán xe đạp, cửa hàng tơ lụa, cửa hàng bán vòng hoa v.v…
Hàng ngày, khách nếu không phải là người đi mua sắm thì là kẻ nhàn tản tìm đến Nguyễn Văn Đắc, Côte d’Azur để vừa thưởng thức hương vị bánh ngọt, cà phê vừa được nghe giọng hát đầy truyền cảm của nghệ sĩ Quốc Hương với các bản J’ai deux amours, Soir à Capri, Hà Nhật Quân tái lai, Tô Châu dạ khúc, Thu trên đảo Kinh Châu, Cô láng giềng, Biệt ly… Cũng không hiếm những khách quý đến Sabourain để ghé nhà sách Phạm Văn Tươi tìm mua một cuốn nói về rèn luyện trí, đức, thể, công, hoặc tới nhà sách Nguyễn Khánh Đàm để kiếm bút ký của Nguyễn Tuân, hoặc một tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương v.v… Đi mua sách truyện Sabourain cũng có nghĩa là được dịp lướt qua Tout Petit để ngắm cô Marie, cô Liêm Châu, cô Bảo Châu… làm nghề thêu may, cô nào cô nấy đều xinh như mộng.
Thành ra với những ai đó, Sabourain ngẫu nhiên trở thành điểm hẹn.Hàng mấy chục năm sau nhiều người vẫn còn mường tượng, vẫn còn gợi nhớ về Sabourain đồng thời tự hào là dân phố Sabourain. Không ít những khách quý của Sabourain đã ra đi sau “mùa thu rồi ngày 23”, đã “lên đàng” theo tiếng gọi của non sông.
“Thằng Nguyễn Văn Sâm”
Hồi những năm trước năm 1975, trong hẻm 59 đường Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình, quận 1) có một tiệm chuyên bán đồ ăn, đồ uống toàn những loại hàng cao cấp. Tiệm không treo bảng hiệu, đứng bán hàng luôn luôn là một thiếu phụ gốc Tiều (Triều Châu) nhưng ở Sài Gòn đây đó các nơi, thiên hạ thường xách mé gọi cái tiệm ấy là “Thằng Nguyễn Văn Sâm” (*).
Cần mua một chai Ngũ gia bì hoặc chai Mai quế lộ, thứ được nấu cất tại Hoa lục, một chai Martel nút đen hoặc một vò rượu chát lâu năm, một hộp trứng cá hồi hoặc bất cứ đồ ăn, thức uống nào quý hiếm, nếu đã lùng sục khắp Sài Gòn, Chợ Lớn không không tìm ra được thì hãy đến “Thằng Nguyễn Văn Sâm”. Trong căn nhà ngói ba gian, tường gạch, nền tráng xi măng, quầy kệ mộc mạc, thoạt trông có thể sẽ thấy gì bắt mắt, nhưng khách là tay sành sỏi, chỉ cần rà rẫm chốc lát là nhận ra các thứ nào rượu, nào kẹo, bánh, bơ, phó mát, mứt, xì dầu, magi cả trăm mặt hàng với đủ các nhãn hiệu của Mỹ, Pháp, Ăng Lê, Tàu, Nga, cộng thêm vào đó là đường phèn, long nhãn, bạch quả, vây cá, yến sào… Lỡ ra có mặt hàng bị hút, khách cứ việc hỏi. Một chai mầu thồi (Mao đài), một chai cao lương hoặc đến cả Trúc diệp, khách nào vừa mới ngỏ lời, cô chủ đã tươi cười hẹn mai hoặc mốt mời khách trở lại, đồng thời hứa rằng hoàn toàn đảm bảo.
Chẳng rõ cô chủ đã có lần tự giới thiệu rồi khi thiên hạ truyền miệng hay sao mà khách hàng khi tiếp xúc ai nấy đều tôn xưng cô là cô Ba. Tuổi cỡ ba mươi, vóc dáng tròn trặn tầm thước, mặt trái xoan, da trắng hồng, tóc uốn, cô Ba trông thật hết sức nền nã với cái áo bà ba lụa màu nâu, cái quần lụa đen. Bất cứ ai bước vào tiệm, cùng với cô Ba một hai câu đối đáp, khách dù khó tính cách mấy cũng không thể nào hờ hững. Điều làm khách ít khi ra về tay không, ấy là từng món tuy không đề bán, nhưng cô Ba không bao giờ nói thách, nói biển nói trời.
Khách đến tiệm để mua hàng đã vậy, còn khách đem chai rượu, hộp kẹo đến đổi lấy bơ, phó mát, hoặc một món nào đó tuỳ theo yêu cầu, sở thích, cô Ba cũng sẵn sàng tính cho một cái giá rất là phải chăng. Khách đôi khi đâm bỡ ngỡ vì thấy cô Ba quá chừng tử tế. Nghe khách xuýt xoa, khen ngợi, cô Ba chỉ cười:
– “Guen” mà!
Tuy rằng chim hoạ cá thì, xuân thu nhị kỳ khách mới đặt bước chân vào cái hẻm 59 ấy, nhưng chẳng có lẽ lại khăng khăng chối bỏ, không chịu nhận mình là một khách quen. Thành ra chưa quen mà đã bỗng trở nên quen.Hơi gượng gạo nhưng mà nhớ. Thấy nhớ để rồi bất chợt có bà con, bè bạn ai cần mua, cần trao đổi hộp bánh, gói kẹo, chai rượu thì chẳng tiếc gì mà không giới thiệu, không mách bảo: “Ấy, cứ đến “Thằng Nguyễn Văn Sâm”.
Nguyễn Nguyên (theo TGHN)
—————
(*) Nguyễn Văn Sâm: Nam kỳ khâm sai đại thần của chính phủ Trần Trọng Kim hồi 1945.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này