
10:25 - 29/03/2022
Ngân hàng truyền thống chuyển đổi số để cạnh tranh với fintech
Các ngân hàng đang xây dựng mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, bên cạnh hoạt động truyền thống nhằm giành lấy thị phần trong cuộc đua cùng các hãng fintech (công nghệ tài chính) và các công ty tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng truyền thống và các hãng tài chính tiêu dùng phải đầu tư hơn nữa để mở rộng hệ sinh thái công nghệ số, cạnh tranh với các hãng fintech.
Điểm kém hấp dẫn của các ngân hàng trong nước là dịch vụ tiết kiệm và chương trình cho vay. Theo ông Riddhi Dutta – giám đốc khu vực ASEAN của hãng fintech Hà Lan Backbase, 62% người đi vay cảm thấy ngập đầu trong nợ nần. Trong khi đó, 71% người tiêu dùng không biết phải tìm đến đâu để nhận tư vấn tài chính đáng tin cậy. Còn hãng tư vấn Forrester Consulting cho biết trong một khảo sát trong năm 2021 rằng chỉ 43% người Việt hài lòng với dịch vụ tiết kiệm của các ngân hàng.
Các con số trên đã chỉ ra rằng các dịch vụ ngân hàng và tài chính truyền thống vẫn chưa phấn đấu thỏa mãn sự hài lòng của người đi vay. Một nghiên cứu toàn cầu của Deloitte Digital cũng cho thấy 80% quyết định của khách hàng là dựa vào cảm tính nhưng chỉ còn 29% tin vào dịch vụ khách hàng. Cùng lúc đó, 40% ngân hàng đã đóng cửa chi nhánh trong các đợt bùng phát dịch để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, fintech tỏ ra nhanh nhạy hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Google năm 2021 thị trường fintech Việt Nam nhảy vọt khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ đô, xếp hạng 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu và đứng ở vị trí 14/50 khu vực châu Á. Thị trường fintech Việt đang ngày càng đa dạng với ngân hàng số, ví điện tử, mua trước trả sau (BNPL)… nhờ vào mức tăng trưởng khủng của số lượng các startup fintech mới, đạt mốc 215% trong giai đoạn từ 2015 – 2020. Hàng năm thanh toán từ thiết bị di động tăng trưởng 95% về số lượng và 150% về giá trị.
Làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng fintech đã gây áp lực tới thị trường thanh toán truyền thống.Các ngân hàng đã tích cực số hóa các dịch vụ trong những năm gần đây để dễ tiếp cận với tệp khách ngày càng sử dụng thông thạo các thiết bị điện tử, cả mảng khách lẻ và doanh nghiệp. Có đến 95 % các tổ chức tín dụng Việt Nam đã xây dựng, triển khai chiến lược số cho mảng thanh toán, cho vay và tiết kiệm – theo lời tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng.
Nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ mới như học máy (machine learning), dữ liệu lớn trong dịch vụ thanh toán tín dụng và tiết kiệm.Nhờ các ngân hàng đầu tư cho công nghệ mới từ sớm, thanh toán điện tử đã bùng nổ trong thời gian giãn cách xã hội bởi mọi người chuộng thanh toán không tiếp xúc. 60% người dân trong nước đã tham gia thanh toán số trong giai đoạn này – theo Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, các tiểu thương bán lẻ cũng tăng cường trang bị công cụ thanh toán số.
Tuy nhiên, các dịch vụ số của ngân hàng truyền thống chưa đủ thuyết phục khách hàng.Trong cuộc đua cùng các fintech, ngân hàng không thể dừng lại ở việc đưa những giao dịch nhỏ như chuyển tiền, rút tiền hay thanh toán lên các ứng dụng hay trang mạng. Ngân hàng còn phải nâng cấp các dịch vụ truyền thống có giá trị cao hơn như tiết kiệm, vay vốn hay thế chấp thì mới theo kịp fintech. Các công ty tài chính cũng tối ưu hóa công nghệ để nâng cao trải nghiệm dịch vụ tài chính cho người dùng mới để tiếp cận khách hàng mới và giữ họ.
Vì vậy, nền tảng công nghệ của ngân hàng ngày nay phải tương đương như của một fintech điều hành mọi hoạt động trên nền tảng số.Nghiên cứu tại Backbase cho thấy công cụ kỹ thuật số tiếp cận khách hàng nhanh hơn 60% so với phương thức truyền thống, nhưng khả năng giữ chân khách cao hơn 10 lần.Tiếp cận khách hàng trực tiếp từ các nền tảng mua sắm sẽ là cách ngân hàng mở rộng tệp khách hàng cho mình khách thường xuyên sử dụng dịch vụ số trong cuộc sống hàng ngày.
Theo hãng tư vấn McKinsey & Co, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số, nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để có thể tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng qua trang mạng hay ứng dụng di động. Vẫn còn tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng. Một cách khác được các ngân hàng đang áp dụng trong tiến trình số hóa là đưa mô hình ngân hàng multi-channel (đa kênh) vào hoạt động. Ông Trần Nhất Minh, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối Dịch vụ công nghệ ngân hàng VIB cho biết nghiên cứu tại ngân hàng cho thấy mô hình ngân hàng kết hợp nhiều trải nghiệm trên một ứng dụng thanh toán di động được khách hàng đón nhận nhiều nhất.
Tuy nhiên, để trở thành ngân hàng đa kênh, trở ngại lớn nhất là vẫn hành lang pháp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nói rằng Luật giao dịch điện tử ban hành từ năm 2014 đến nay chưa sửa đổi bổ sung. Các văn bản do Ngân hàng Nhà nước về vấn đề cho vay bảo lãnh, xác thực eKYC (định danh điện tử) cũng chỉ áp dụng đối với việc mở tài khoản. Còn các vấn đề liên quan đến tiền bạc, trách nhiệm pháp lý đối với các khoản phê duyệt, hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng bảo đảm tài sản, xác định tài sản bảo đảm… thì chưa.
Vì vậy, sự điều chỉnh hay bổ sung là cần thiết. Bởi hình thành cơ sở dữ liệu chung sẽ thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các ngân hàng thương mại, các hãng tài chính và các công ty fintech. Cuối cùng, khách hàng vẫn là người hưởng lợi.
Mỹ Huyền (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này