
08:42 - 04/03/2020
Tìm thị trường trong mùa dịch SARS-CoV-2
Đêm 28 Âm lịch (21/2/2020), tôi đi thăm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Đi để tìm hiểu xem những ngày này, khi hàng Trung Quốc không về chợ thì hàng Việt Nam đã phản ứng ra sao, đã đáp ứng nhu cầu thị trường thế nào, liệu có triển vọng thay thế được hàng Trung quốc hay không?
Lúc 11 giờ đêm 21/2/2020. Đèn điện sáng trưng. Xe tải lớn nhỏ, xe ba bánh tấp nập ra vào. Hàng hoá lên xuống – kéo đẩy nhộn nhịp. Hầu hết các mặt hàng nông sản từ rau – củ – quả… đến bông hoa có đủ. Đêm nay còn là phiên chợ “cúng”, tức chuẩn bị cúng mồng 1/2 âm lịch nên sôi động, tấp nập hơn. Rất nhịệt tình, người của ban quản lý chợ đưa chúng tôi đi thực tế và không ngừng giới thiệu từng nơi đến.
Chợ Thủ Đức là một trong ba chợ đầu mối nông sản lớn của TP.HCM, rộng trên 20ha, được quy hoạch khá bài bản cho từng ngành hàng riêng biệt, như rau, hoa, củ, quả. Hàng hoá ở đây khá phong phú, đến từ khắp mọi miền đất nước, như Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Bắc, miền Trung và có cả hàng nhập từ châu Âu, Mỹ…
Theo quản lý chợ, trước đây, lượng trái cây Trung Quốc về chiếm 20% tổng lượng trái cây, trung bình tương ứng với 200 tấn/ngày. Hiện nay chỉ còn lượng trái cây bán tết còn lưu kho đem bán tiếp. Còn rau củ vắng hẳn, trong khi trước đây, hàng Trung Quốc chiếm 10 – 12%, tương ứng 120 – 140 tấn/ngày. Khi hàng Trung Quốc không vào chợ, giá một số loại nông sản đang tăng, nhiều loại tăng gấp 2 – 3 lần so với trước tết, tập trung vào một số loại rau ăn lá như xà lách, cải bó xôi, tần ô. Những loại nông sản vốn chịu sự cạnh tranh mạnh từ hàng Trung Quốc, như: khoai tây, hành tây cũng tăng giá, mức giá hiện tại dao động 19.000 – 20.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với trước tết Nguyên đán.
Mấy ngày gần đây, khi các cửa khẩu phía Bắc như Hữu Nghị, Tân Thanh “hé mở”, hàng Trung Quốc đi đường bộ bắt đầu về lại, nhưng còn ít. Và khi tôi nêu câu hỏi lạ về tình hình hàng Việt thay thế hàng Trung Quốc, thì không thấy ai phân tích sự thay thế này đang diễn ra và sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam như thế nào. Có ai đắn đo về tìm cách “phát huy” cơ hội nghìn năm một thuở này? Để từ đầu mối tiêu thụ mà sắp xếp, tổ chức lại sản xuất. Không thấy các nhà quản lý hàng rau củ quả ở chợ quan tâm đến câu hỏi này, tiểu thương lại càng không. Thứ gì bán được, giá nào bán có lời là bán…
Đó là hàng nông sản, ở thị trường sản phẩm công nghiệp thì lỗ hổng thị trường rõ hơn và có một số doanh nghiệp ngành văn phòng phẩm, nhựa… đã nói với chúng tôi là họ đã lấp chỗ trống của hàng Trung Quốc, kể cả ở các thị trường nước ngoài.
Sức mua mùa dịch giảm nhưng những món cơ bản vẫn phải có. Nhưng với người kinh doanh sành sỏi, không chỉ cố bán hàng mà còn tìm cách làm cho hàng của mình hấp dẫn, hợp nhu cầu hơn. Như với hãng văn phòng phẩm Thiên Long, cơ hội tăng lượng bán trong mùa dịch là khi các bé phải nghỉ học chơi một mình ở nhà. Hàng loạt tranh màu sắc tươi vui, với các câu slogan có vần điệu dễ nhớ được tung ra: “Tránh Cona, ở nhà chơi Colorkit”, “Bé vừa học vừa chơi, mẹ càng thêm thảnh thơi”, “Ở nhà buồn rầu, bé tô màu”…
Hay với các “đặc phẩm” mùa dịch như dung dịch diệt khuẩn, tinh dầu sả chanh, xà bông dược thảo… được các bạn trẻ khởi nghiệp tung ra vừa tặng vừa bán gây thiện cảm nơi người tiêu dùng, khi nhu cầu này tăng cao. Khi bắt gặp chàng vận động viên nổi tiếng về bơi lội của Paragames Nguyễn Văn Chung từ Hà Nội vào bán hàng ở phiên chợ Xanh – Tử tế, tôi nhận ra ngay sự tinh nhạy thị trường của chàng trai khuyết tật đôi chân mà “đi” rất nhanh để vào với thị trường người tiêu dùng “Xanh – Tử tế” của Sài Gòn.
Còn với nguyên liệu sản xuất, do lệ thuộc 100% vào Trung Quốc, khi dịch cúm xảy ra, khá nhiều doanh nghiệp lúng túng, nhưng nhiều doanh nghiệp phải xoay trở nhanh để tăng nguồn nguyên liệu nhập từ các nguồn khác. Khi đó, giá đầu vào tăng thì giá bán ra ắt phải tăng, tự nhiên doanh nghiệp phải ra sức thuyết phục người tiêu dùng bằng cách tìm các giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm, như tăng vài công năng, thay đổi ít nhiều màu sắc, mẫu mã… làm cho sản phẩm hấp dẫn hơn. Từ đó, càng phải tìm cách hiểu thật rõ, thật tinh tế nhu cầu người tiêu dùng.
Ngàn năm một thuở hàng Trung Quốc tạm thời vắng bóng trên thị trường Việt khi con “ác quỷ” Corona Vũ Hán đang hoành hành trên khắp nước này. Nhiều doanh nghiệp phát hiện là khi không có hàng Trung Quốc nhập vào chen lấn như trên thị trường nông sản và một số ngành hàng tiêu dùng thông dụng hàng ngày, doanh nghiệp Việt Nam từ chỗ phải tăng sức sản xuất đáp ứng nhu cầu, cũng đồng thời nhận ra cơ hội vươn lên, lan toả và lấp vào các lỗ trống do thiếu hàng nhập từ thị trường này. Các hiệp hội và các cơ quan quản lý cần nhanh nhạy phát hiện các cơ hội này. Các nhà kinh doanh giỏi, các hiệp hội ngành hàng nhiều kinh nghiệm nên tiến hành các nghiên cứu để tìm những cách thay thế từ ngắn hạn đến trung hạn. Trung Quốc chắc còn lao đao vài tháng nữa, và cũng có cơ hội chứ không chỉ là thảm hoạ khi thị trường Trung Quốc tê liệt.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này