
09:37 - 26/09/2019
Tìm thêm lối ra ở thị trường nội địa
Trong cái khó ló cái khôn, hiện có không ít doanh nghiệp đang trở về, tìm thêm cơ hội ở thị trường nội địa, nơi có gần 100 triệu người dùng…
1. Cuối tuần rồi bà dì giúp việc thông báo hết gạo. Như thường lệ, mình bấm máy gọi vào số điện thoại là mối giao gạo quen lâu nay, đầu dây bên kia vẫn là một giọng nữ ngọt ngào: hôm nay công ty đang có chính sách giảm 20% giá bán, anh lấy bao nhiêu ký để em cho người chở tới. “Cho anh một thùng nha em”. Dạ, sáng nay hoặc chậm nhất là sáng mai anh nhận gạo nhé.
Qua sáng chủ nhật, đúng 10 giờ một cậu thanh niên chở thùng gạo Long Châu tới tận nhà. Tổng cộng hết 780.000 đồng cho 25kg gạo. Như cũng biết công ty giao gạo trễ nên lúc nhận tiền, cậu giao gạo liền xin lỗi rồi giải thích: anh thông cảm cho, hai ngày cuối tuần tụi em giao không xuể, em vừa chạy từ Thảo Điền, An Khánh, An Phú, qua Đảo Kim Cương, Nguyễn Thi Định, rồi qua anh. Còn phải đi giao nhiều chỗ nữa anh ạ.
Lâu nay, nhắc đến mặt hàng này người ta thường nghĩ ngay đến con số xuất khẩu hàng triệu tấn này nọ, chứ ít ai chú ý tới thị phần ở thị trường nội địa. Từng có thời gian dài người Việt có thói quen chỉ biết ăn gạo xá. Nên gạo đóng túi, hút chân không, có thương hiệu như là một thứ xa xỉ, vì không có doanh nghiệp nào khai thác. Cách nay sáu năm, Cỏ May là một trong số doanh nghiệp ở Đồng Tháp mò mẫm đem gạo lên thị trường thành phố bán. Khi đó, họ thuê một căn nhà ở khu Trung Sơn (Bình Chánh) làm kho, gạo từ nhà máy đưa lên đây, sau đó được nhân viên phân phối sỉ về cửa hàng, tiệm tạp hoá, chứ chưa giao đến tận nhà theo cách chuyên nghiệp và khá bận rộn (lời nhân viên giao gạo) như bây giờ.
Nhà tôi ăn gạo Long Châu của Cỏ May từ nhiều năm nay (trước đó có ăn gạo Tâm Việt – cũng khá ngon), ai cũng khen cơm dẻo, thơm, hạt cơm không nát và đặc biệt không bị thiu khi để qua đêm. Không biết Cỏ May đang lời lỗ, nhưng nay muốn tìm mua gạo Cỏ May khá dễ. Ngoài kênh điện thoại, giờ người dùng có thể mua gạo Cỏ May qua online, siêu thị, cửa hàng riêng và nhiều nơi khác…
2. Sáng thứ hai đầu tuần, người viết nhận được cuộc gọi của anh Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group, mời qua văn phòng uống cà phê “tám” chuyện thời sự nông sản ách tắc. Đặng gần cuối buổi, anh chuyển đề tài sang giới thiệu về hai cửa hàng mà T&T mới mở để bán trái cây và các loại nước ép từ trái cây tươi chuẩn xuất khẩu, phục vụ người dùng nội địa. Một cửa hàng anh mở ngay tại sảnh của công ty trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) và một ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).
Hỏi anh, T&T đột ngột chuyển hướng về nội địa có phải do thị trường xuất khẩu gặp khó? Anh cười, bảo không phải. T&T vẫn đang xuất khẩu khá tốt, vừa rồi làm được ba lô nhãn đi Úc khá thành công. Thị trường Mỹ vẫn nhận hàng chục container dừa mỗi tháng, đặc biệt là xoài của anh đi Mỹ vẫn đều đặn, sau chuyến xoài đầu tiên của Việt Nam vào Mỹ hồi tháng 4 năm nay. Dừa, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm… xuất qua Mỹ của T&T, đã tìm được chỗ đứng, không chỉ người gốc Á, mà người Mỹ da trắng, hay Mỹ gốc Âu cũng bắt đầu yêu thích trái cây nhiệt đới. “Năm nay mình xuất khẩu đi Úc, Mỹ, châu Âu, Nhật tốt lắm, đơn hàng làm không kịp, doanh số cao hơn năm ngoái nhiều!”, thông tin anh đưa ra ngược hoàn toàn với bối cảnh thị trường chung của trái cây xuất khẩu đang gặp khó.
Cách nay vài năm, trong một lần trò chuyện, anh Tùng từng thổ lộ nhìn thấy cơ hội kinh doanh rất lớn ở thị trường nội địa. Khi đó, T&T vẫn đều đặn giao trái cây tươi theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp, bệnh viện… Đặc biệt, anh còn nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu sử dụng trái cây ngoại của người Việt ngày càng tăng, nhưng lúc đó do năng lực chưa cho phép, nên anh chưa làm. Nay thì mọi chuyện đã khác, nhờ xây dựng được liên kết giữa các viện cây ăn quả, hợp tác xã, nhà vườn…, T&T có trong tay diện tích cây ăn trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khá lớn. Hơn nữa, phần lớn diện tích đã được T&T truy xuất nguồn gốc, như sản xuất theo quy trình chuẩn, các vườn được gắn camera theo dõi, mỗi vườn, mỗi loại trái cây có mã code riêng để nhận diện… “T&T có doanh số xuất khẩu hơn 30 triệu USD vào năm ngoái, hầu hết từ thị trường khó tính như Mỹ mang lại, chứ Trung Quốc không đáng kể. Năm nay, chắc chắn doanh số cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư thêm vào nội địa để khai thác hết lợi thế, tiềm năng và giá trịcủa trái cây Việt”, anh Tùng chia sẻ.
Lợi thế của Vina T&T đang có, ngoài sở hữu vùng trồng trái cây rộng lớn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với danh mục đa dạng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, như chôm chôm, vú sữa, xoài, sầu riêng, dừa…, còn có hệ thống ba nhà máy chế biến trái cây tại Bến Tre và Tiền Giang. Anh Tùng quả quyết với lợi thế này, T&T xuất khẩu hàng tiêu chuẩn ra sao, thì sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa cũng như vậy. Ngoài ra, T&T sẽ khai thác hết giá trị trong chuỗi giá trị trái cây tươi, như các sản phẩm chế biến, sấy, nhất là bộ sưu tập nước ép trái cây tươi nguyên chất.
Lúa gạo đang dư thừa, nông dân, doanh nghiệp điêu đứng, nhưng ở phân khúc tiêu thụ nội địa, người dùng vẫn không khó để mua được gạo Thái Lan, gạo Campuchia, kể cả gạo Ấn Độ, Pakistan… Vào bất kỳ siêu thị nào cũng thấy gạo thơm Thái Lan đóng trong túi, hút chân không, có thương hiệu bán tràn lan, còn gạo thương hiệu Việt cũng có, nhưng không phong phú bằng. Trái cây cũng vậy, trong nước đang ế ẩm, nhưng vào ban đêm, chỉ cần ghé vào khu vực trái cây ngoại ở chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức) hay Bình Điền (quận 8), sẽ thấy hà rầm container đang trút xuống. Trái cây ngoại, trong đó có số nhiều từ Trung Quốc được bao trái, đóng gói, bỏ vào thùng xốp cẩn thận, trữ vào container lạnh, nên giữ nguyên độ tươi. Ngược lại, cũng ở hai chợ này, cách đó chừng vài chục bước chân, trái cây Việt từ ĐBSCL hay bất cứ vùng nào chuyển tới, lại không được bảo quản lạnh, đựng trong cần xé, ném lăn lóc.
Đã đến lúc cần lắm những Cỏ May, Vina T&T và nhiều, nhiều doanh nghiệp Việt nữa, thay vì chỉ tập trung lo xuất khẩu thì nên chú ý tới thị trường nội địa. Ngoài san sẻ bớt đầu ra cho nông sản, còn là trách nhiệm lưu tâm tới miếng ăn, sức khoẻ cho dân mình.
bài và ảnh Bảo Anh (theo TGHN)
Xem thêm tại: http://mekongconnect.vn/
Có thể bạn quan tâm
3 quốc gia ‘bắt tay’ kiểm toán quản lý nguồn nước sông Mekong
Bộ Công Thương giải trình chuyện ‘không tiếp thu’ góp ý của Bộ Tài chính
Sầu riêng Thái Lan, Malaysia giá cao vẫn cháy hàng
Tạo đột phá thúc đẩy ĐBSCL phát triển
Làm nông hữu cơ phải đam mê, nhiều vốn và thực sự kiên trì
Tags:thị trường nội địa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này