
10:38 - 07/04/2020
Nhận biết nguồn nước mặn, ngọt qua smartphone
Những tháng qua, hơn 5.000 người tải app “Rynan Mekong – Smart Agriculture Network” trong App Store cài đặt vào smartphone và ít nhất mỗi ngày vài ngàn lượt truy cập để biết chính xác độ mặn, nhiệt độ, độ pH, mực nước tại nơi mình đang sống, từ đó có cách quản lý hệ thống bơm nước, có cách trữ nước ngọt một cách hiệu quả hơn.
Đây là phần mềm do công ty CP Rynan Technologies Vietnam (do TS Nguyễn Thanh Mỹ điều hành) cung cấp và lắp đặt thiết bị.
Mọi thông tin hiển thị không chỉ là kết quả quan trắc nguồn nước, quản lý nước canh tác, giám sát sâu bệnh, dinh dưỡng, sức khoẻ cây trồng, mà còn có thể tham khảo giá cả thị trường, thương mại điện tử từ điện thoại di động…Người làm nghiên cứu, nông dân và các cơ quan chức năng có thể ngồi nhà theo dõi khi công ty CP Rynan Technologies Vietnam (do TS Nguyễn Thanh Mỹ điều hành) hướng dẫn cách sử dụng.
Bà Dương Cẩm Tú, nhân viên công ty Rynan Technologies Vietnam, cho biết 39 hệ thống đo độ mặn, phao quan trắc đã được đơn vị này lắp đặt tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, mỗi nơi 10 hệ thống, Sóc Trăng: 1 hệ thống và đề nghị lắp thêm. Sắp tới, Bến Tre sẽ có 3 hệ thống. Thời gian qua, mức độ quan tâm của bà con nông dân về phần mềm này ngày càng nhiều. Tuỳ tính năng, giá mỗi hệ thống dao động từ 70 đến trên 200 triệu đồng. Hiện đã có nhiều công ty tài trợ lắp đặt, như Rynan Technologies Vietnam đã tài trợ 2 hệ thống ở Trà Vinh và 1 hệ thống ở Sóc Trăng; công ty phân bón Bình Điền tài trợ 10 hệ thống cho Kiên Giang. Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư 10 hệ thống.
Thiếu nước ngọt, sản xuất lao đao
Theo ghi nhận, nước mặn từ hướng Trà Vinh, Sóc Trăng đã vào tới Cần Thơ. Ở Trà Vinh, anh Nguyễn Trường Chinh, cơ sở chả hoa Năm Thuỵ, chia sẻ: nguồn nước máy đã qua xử lý vẫn bình thường, trước khi dời về xưởng mới – rộng hơn, quy mô sản xuất lớn hơn – cơ sở đã ý thức việc sử dụng nước sạch và xử lý nước thải. Quản lý nước thải có ý nghĩa khi nguồn nước ngọt còn lại quý hiếm, không bảo vệ thì về sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ở Cần Thơ, anh Đinh Công Minh Thông, công ty Đinh Gia Foods, nói dù nước cho sản xuất chỉ khoảng 10m3/tháng, giá 10.000 đồng/m3, nhưng gần đây thỉnh thoảng bị cúp nước, không biết làm sao để biết trước. Chủ trang trại Cantho Farm, anh Nguyễn Văn Phong, cho biết: mỗi tháng nông trại cần 300m3 nước (nước máy và nước giếng), thời điểm này nhu cầu tăng nước thêm 10 – 20%. Nông trại đã thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm nước, 3 nhà trồng dưa lưới (900m2) đều áp dụng tưới nhỏ giọt. “ Đã đầu tư 25 triệu đồng/m2, nhưng trong tình hình này, phải tính tới phương án lọc nước sông để tiết kiệm một phần chi phí và xử lý nuôi lươn không bùn. Do đó, rất cần thiết bị đo pH, độ mặn… để quản lý nước được tốt hơn, chắc sẽ nhờ tới Rynan”, anh Phong nói.
Dịch vụ nước máy có giới hạn
Theo hội Cấp nước Việt Nam, tổng công suất các nhà máy nước cung cấp cho các đô thị toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 985.000 – 1 triệu m3/ngày. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước đạt khoảng 89%; tiêu chuẩn cấp nước trung bình đạt 110 lít/người/ngày; tuy nhiên tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình khoảng 25%.
Cần Thơ có hai nhà máy nước tổng công suất trên 120.000 – 130.000m3/ngày, gấp đôi nhà máy nước Rạch Giá… Các nhà máy nước ở các tỉnh khác có công suất từ 10.000 – 18.000m3/ngày, một số nhà máy nước ngầm có công suất 10.000m3/ngày. Năm 2018, hội Cấp nước Việt Nam đánh giá: nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Tiền và sông Hậu được khai thác khoảng 650.000m3/ngày (tương ứng khoảng 66% tổng công suất các nhà máy) và nguồn nước ngầm được khai thác với tổng công suất khai thác khoảng 335.000m3/ngày (tương ứng khoảng 34%). Các tỉnh chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm như: Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Nông thôn và những thị trấn, thị tứ vẫn là nơi thiếu nước sạch, nước ngọt ngay trong mùa khô này. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện nay khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt. Trong đó, tại Sóc Trăng có 24.400 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều nếu có đủ công cụ thu thập dữ liệu. Tại Tiền Giang, mùa khô năm nay khoảng 235.000 dân khu vực (Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông) sống ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê… đều thiếu nước sinh hoạt, nhưng chưa được cập nhật. Đặc biệt, vùng ven biển Gò Công Đông, Gò Công Tây là vùng nghèo nước ngầm, nhưng lại giàu phèn, dù khoan sâu trên 100m.
Lan Hoàng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này