
10:19 - 12/09/2019
Người mua và người bán không gặp nhau
Các nhà nhập khẩu Singapore quan tâm tới artichoke, ngồng broccoli, măng tây, cà chua, cà tím, ngô ngọt từ Lâm Đồng và các loại rau quả… từ ĐBSCL.

Chị Trương Thị Hồng Giang, công ty Nhất Nông, phát triển mô hình trồng măng tây theo quy trình hữu cơ ở Trà Vinh.
Các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được phân phối tại chuỗi 60 siêu thị của Sheng Siong Supermarket, nhà bán lẻ lớn thứ ba tại quốc đảo Sư tử.
Là nhà cung cấp chính, ông Phidsanu Pongwatana, tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam (MM), nói rằng tất cả sản phẩm đều phải được kiểm tra tại trạm trung chuyển rau, củ Đà Lạt và trạm trung chuyển trái cây Bến Tre. MM đang hợp tác với khoảng 100 hộ nông dân, tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 300 hộ nông dân ở ba vùng nguyên liệu chính (250ha) tại Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng ổn định, MM lựa chọn các trang trại đạt chuẩn, tổ chức các khoá đào tạo và đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của MM đồng hành với nông dân trong suốt quá trình sản xuất. Bên cạnh đó là phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn Codex và áp dụng quy trình HACCP, để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
VinEco cũng từng đầu tư 80 tỷ đồng cho việc xây dựng vùng nguyên liệu rau quả an toàn. Nhiều nguồn cung từ các địa phương đang cung cấp cho hệ thống VinMart. Hiện nay, nhiều công ty xuất khẩu cũng chọn lựa vùng trồng, đưa cán bộ kỹ thuật tới hướng dẫn kỹ thuật và lên lịch thu hoạch, đóng gói, chiếu xạ… để xuất khẩu. Nhưng khi đánh giá năng lực nhà cung cấp theo thang đo: đơn hàng đủ lớn, thường xuyên, đều đặn, đồng đều, đúng chuẩn an toàn, đúng thủ tục (code, nhãn mác…) và có thể truy xuất nguồn gốc, thì nhiều cơ quan xúc tiến thương mại địa phương thừa nhận số cơ sở đáp ứng còn rất khiêm tốn.
Có rất ít mô hình liên kết tiêu thụ nông sản kiểu như MM và VinMart, dù cả vùng ĐBSCL có không ít sản phẩm nếu được đầu tư bài bản sẽ không thiếu hàng cung ứng cho các nhà bán lẻ. Lấy ví dụ, lúa là vùng nguyên liệu rộng lớn nhất, nhưng diện tích có giao kèo hợp tác sản xuất tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 10% (170.000ha) trên tổng diện tích 1,68 triệu ha. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phần chính là ngân hàng không khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp nên muốn duy trì, mở rộng, nâng cấp đều gặp khó. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất nhận thức được giá trị của VietG.A.P., GlobalG.A.P… nhưng có vẻ như “1 phải – 5 giảm”, “ 3 giảm – 3 tăng”, hay theo tinh thần “Cảnh quan – Sinh kế – An toàn – Bền vững – Hiệu quả”… chưa đủ cho sản phẩm đủ cánh để bay xa. Việc thiết kế sản phẩm, tiếp thị vẫn chưa khớp với lực lượng doanh nhân đang chờ ở ranh tiếp sức.
Ông Vũ Đức Hùng, phó vụ trưởng vụ Kế hoạch (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhận xét, 95% số doanh nghiệp nông lâm thuỷ sản tại ĐBSCL có quy mô nhỏ và vừa, đang gặp thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết
chuỗi sản xuất nông nghiệp.
“Vinafood, tập đoàn Lộc Trời… không chỉ đầu tư bài bản, mà còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, liên kết nhưng sao tình hình tụi tui vẫn khó?”, giám đốc một hợp tác xã trong vùng liên kết ở An Giang băn khoăn! Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 7.100 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản (1.203 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất), chiếm 16,62% số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản cả nước. Lẽ ra, nhiều người mua nông sản thì việc bán buôn, bán lẻ sẽ tốt hơn, nhưng hai năm nay người trồng lúa vẫn rối như tơ vò?!
Liên kết bốn nhà là câu chuyện dài trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chỉ có liên kết theo mô hình thì việc kiểm soát chất lượng, quy trình mới chuẩn được. Một khi có thể minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thì đầu ra sẽ tốt hơn. Lý thuyết nằm lòng, nhưng trong một cuộc chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn của chuyên gia từ đại học Cần Thơ với nông dân trồng dưa ở Châu Phú, tỉnh An Giang, một bác nông dân thú thiệt: “Thầy nói là phải rồi, nhưng không xài thuốc dưa hư hết. Theo thầy cũng được nữa, nhưng thầy còn có lương, còn tụi tui nếu thất vụ này lấy gì sống?”.
Cách đây cả chục năm, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng có câu chuyện tương tự. Tìm lại lòng tin của nông dân đúng là chuyện quá khó. Không tin nhau thì việc nhỏ hay việc lớn cũng khó thành.
bài và ảnh Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này