
14:43 - 31/03/2023
Năm 2030, diện tích tôm-lúa ở ĐBSCL sẽ đạt 300.000 ha
Ngày 30/3/2023, Hội thuỷ sản Việt Nam (ICAFIS ) phối hợp cùng Cục thuỷ sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, OXFAM tại Việt Nam, MCD tổ chức hội thảo “Thúc đẩy mô hình tôm lúa và liên kết doanh nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” tại Bạc Liêu.

Các diễn giả tại hội thảo “Thúc đẩy mô hình tôm lúa và liên kết doanh nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục thủy sản cho biết, hiện nay, diện tích nuôi tôm – lúa ước đạt khoảng 200.000ha chủ yếu tập trung tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… với sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn tôm thương phẩm. Giai đoạn 2025-2030, diện tích tôm-lúa sẽ đạt 300.000ha. Như vậy, để đạt được mục tiêu này thì cần 3 yếu tố là con giống, kỹ thuật tốt và mô hình liên kết hiệu quả.
Đánh giá hiệu quả mô hình lúa tôm, theo ông Trịnh Văn Tiến, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản thì thu nhập người nông dân tăng 3-6 lần thu nhập so với chuyên lúa; tăng 3-4 lần thu nhập so với chỉ chuyên nuôi tôm. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, mô hình tôm – lúa cũng đang gặp nhiều khó khăn như thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định…
Ngoài ra, nguồn con giống chưa chủ động phải nhập từ nơi khác về; việc kiểm soát chất lượng con giống còn hạn chế nên vẫn còn một lượng lớn giống trôi nổi chưa được kiểm soát. Kết quả tham vấn một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm gần đây cho thấy, hầu hết đều quan tâm đến sản phẩm tôm hữu cơ, sinh thái được chứng nhận do nhu cầu tốt tại các thị trường nhập khẩu. Nhưng doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tôm lúa do quan ngại hoặc chưa sẵn sàng tham gia đầu tư vào mô hình này bởi 2 lý do: Các tỉnh chưa quy hoạch vùng sản xuất tôm lúa và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi cho vùng sản xuất tôm lúa.
Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này