
08:44 - 28/11/2022
Giải bài toán logistics Đồng bằng sông Cửu Long: Cảng thủy
Ông Diệp Phú – Chủ tịch Sáng lập Vantages Logistics group dành nhiều trăn trở khi nói chuyện về bài toán vận tải, logistics miền Tây Nam Bộ: làm sao để không phải vận chuyển lương thực bằng chi phí vận chuyển… con người, để đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực sự là hậu cứ vững chắc của TP.HCM.
– Thưa anh, anh đánh giá như thế nào về hiện trạng logistics của ĐBSCL hiện nay?
– Điểm tích cực là hệ thống cảng biển tại Việt Nam khá thuận lợi cho việc kết nối toàn cầu, đặc biệt là khu vực phía Nam như Cảng Cái Mép và Khu vực TP.HCM.
Tin vui là khả năng sắp tới có thể triển khai thêm các cảng trung chuyển quốc tế như Cái Mép và Cần Giờ. Nếu thực sự các dự án này được triển khai, việc tăng mật độ, số chuyến tàu ra vào cảng trung chuyển kết nối thị trường khu vực Đông Nam Á, Châu Á rồi đến toàn cầu. Có thể nói Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ được hưởng lợi lớn từ các lợi thế này.Và lợi thế thêm nữa là hệ thống sông ngòi rất thuận lợi cho việc tổ chức ghe thuyền vận chuyển phân bón, vật tư, nguyên liệu về và thành phẩm lên.
Nhưng nhược điểm đang diễn ra tại ĐBSCL là phần lớn các dịch vụ chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường chậm trễ, chi phí phát sinh cao.
Đặc biệt phân tán chia nhỏ hạ tầng logistics khu vực Mekong qua đó trở ngại cho việc tối ưu hóa cả về thời gian và chi phí. Phần lớn các Doanh nghiệp vẫn sử dụng xe để vận chuyển do sản lượng chưa đủ để tổ chức sà lan. Hoặc nếu có thì việc thu xếp booking, lấy container rỗng đều từ TP.HCM trước ngày đóng hàng nên nhà vận tải không có đủ thời gian để thu xếp hàng hóa đối lưu hai chiều để tối ưu chi phí. Mỗi doanh nghiệp đang tự làm chương trình dịch vụ riêng rẻ “Manh múng”, chi phí dịch vụ logistics chỉ được một chiều, chi phí không được tối ưu. Chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi cung ứng logistics tại ĐBSCL.
– Điểm nghẽn lớn nhất của bài toán logistic cho nông nghiệp mà chúng ta cần tập trung xử lý là gì?
– Tìm cách khắc phục các nhược điểm như đã nêu trên. Việc vận chuyển sà lan container cần sản lượng đủ và đều đặn để tối ưu thì cần đối lưu hàng hóa hai chiều. Cần tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, cần đầu tư phát triển một số trung tâm logistics tại ĐBSCL cho đủ lớn để tổ chức thành tuyến vận chuyển hàng ngày/ hàng tuần kết nối các trung tâm này về cảng HCM/Cái Mép. Để thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư xây dựng trung tâm vận chuyển. Đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản, hàng hóa từ các nhà máy, các KCN, kho… vận chuyển đồng bộ đưa thành phẩm nông sản/ gạo đi và đưa nguyên liệu/ phân bón… về lại các trung tâm này.
Chúng ta cần cùng nhau đồng thuận xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là “Hậu cứ” tại TP.HCM, để nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Tập trung hàng hóa vận chuyến đến và đi bằng ghe thuyền, từng bước xây dựng sản lượng tối ưu lớn dần từng chuyến cho hàng tuần, đến định tuyến hàng tuần, hàng ngày rồi mỗi ngày nhiều chuyến.
– Miền Tây có lợi thế sông ngòi chằng chịt và lưu lượng nước rất hiền hoà. Vậy làm sao chúng ta có thể tận dụng lợi thế này cho bài toán logistic?
– Lượng hàng miền Tây chiếm 15% lượng hàng XNK của cả khu vực miền Nam, chủ yếu hàng miền Tây đi container/ đường bộ, hàng xá, hàng rơi. Chính sông ngòi chằng chịt là cơ hội phát triển các hoạt động như vận tải thuỷ, logistics, phục vụ vận chuyển nông, công nghiệp, sẽ giúp tiết kiệm và tối ưu chi phi vận chuyển rất lớn.
Ngoài ra, các chi phí phát sinh do xả thải chất ô nhiễm không khí, tiếng ồn của vận tải đường sông cũng thấp so với nhiều phương thức vận tải khác.
– Vantage đã triển khai như thế nào?
– Để thay đổi thói quen cần sự đồng thuận, hợp tác và nỗ lực của tất các bên liên quan trong hệ sinh thái: Bao gồm: Sự đồng hành của chủ hàng, các công ty XNK, các cảng tại ĐBSCL, cảng Cái Mép – TP.HCM, các trung tâm logistics tại ĐBSCL, hải quan đặc biệt là các công ty logistics và các hãng tàu.
– Được biết, ông cũng đã xúc tiến việc thương mại hoá nhiều cảng sông ở khu vực ĐBSCL. Đó là những cảng nào và bài toán phối hợp với cảng biển để xuất khẩu ra sao?
– Để giải bài toán này, để phát triển lâu dài cần phải có giải pháp đồng bộ và trước mắt phải có sự nghiên cứu size thị trường, phát triển những giải pháp mang tính đột phá phù hợp thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng. Hiện tại Vantage đã và đang dựa vào các tiềm lực cảng sông hiện có tại các tỉnh miền Tây, phát triển điểm kết nối trung tâm logistics VIMC Hậu Giang, VIMC Cần Thơ, cảng Tân Thuận, cảng Mía đường Bến Tre… trở thành trung tâm vệ tinh, phát triển hệ thống kho ở các cảng, điều phối công (container) rỗng… Nhằm đẩy mạnh chuỗi liên kết hàng hóa tại khu vực tỉnh miền Tây với các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh cùng các cảng liên doanh của Cảng Sài Gòn tại khu vực Cái Mép – Thị Vải như SSIT, CMIT và SP-PSA.
Vantage chú trọng kí hợp tác chiếc lược với Cảng Sài Gòn để phát triển và kết nối vận tải thủy vào các cụm cảng của họ tại miền Tây.Tham gia thỏa thuận với VIMC Hậu Giang để khai thác tuyến vận chuyển Hậu Giang, Bến Tre về cảng HCM và ngược lại. Đồng thời phối hợp với các hãng tàu, các đơn vị sà lan đưa container rỗng về khu vực cảng miền Tây. Và trong tương lai gần sẽ phát triển thêm nhiều tuyến vận chuyển nữa.Mở rộng kết nối với các cảng đủ lớn khác và những khu vực đủ hàng. Vantage sẵn sàng mở rộng và tiếp tục tìm kiếm. Đang từng bước trao đổi nội dung với cảng Tân Thuận để phát triển thành “Hậu cứ” logistics cho ĐBSCL.
– Ông có quan tâm nhiều đến đề xuất chiến lược một triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam. Câu chuyện logistics dài hạn cho chiến lược này, theo ông, nên như thế nào?
– Tôi rất ủng hộ chiến lược của một triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là bước ngoặc cho ngành xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. Phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng.
Chính logistics đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị gạo Việt Nam và năng lực cạnh tranh của ngành gạo trên thị trường quốc tế. Và câu chuyện logistics cho lúa gạo là câu chuyện dài hơi cần có sự liên kết, kết nối rất nhiều đơn vị đầu ngành và các cơ quan cùng nhau bắt tay phát triển.Để nông sản ĐBSCL cạnh tranh với thị trường các nước thì bắt buộc ĐBSCL phải có trung tâm logistics. Và có chính sách đủ mạnh để tạo chuỗi liên kết, các chương trình vận chuyển container rỗng về khu vực miền Tây.
Vantage sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đầu ngành logistics cùng tham gia đầu tư và phát triển dịch vụ logistics kết nối thủy phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng. Không chỉ tối ưu chi phí, để phục vụ không chỉ cho doanh nghiệp đó mà mang lại phát triển kinh tế, giúp nông dân không còn tình trạng tắc nghẽn tồn đọng nông sản.Giúp hàng Việt Nam tiếp cận đến thị trường quốc tế.Mang lại lợi ích cho toàn hệ sinh thái nông nghiệp.
Cùng hợp tác với nhiều đơn vị để phát triển cảng thủy để tìm kiếm các chân hàng về các bến cảng và kết nói thủy đi cảng quốc tế.
– Nếu chọn một từ để nói về giao thông đường thuỷ ở ĐBSCL, ông sẽ chọn từ nào và vì sao?
– Đó là “CẢNG THỦY”. Vì đây là tiềm năng lớn, là cơ hội đủ lớn để trở thành trung tâm tập trung hàng hóa, kho bãi… đi đến các cảng quốc tế.
Vantage sẵn sàng tham gia phát triển các dự án “Mekong Connect” để cùng tổ chức vận tải thủy, thiết kế hoàn chỉnh các chương trình phát triển ĐBSCL. Đồng thời có thể cùng đầu tư, cùng vận hành để giao thông đường vận tải thủy đạt được những thành công trong tương lai.
Nhóm chuyên gia GreenReview.asia thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này