
09:50 - 11/10/2017
Diễn đàn Mekong Connect 2017: ‘Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ’
Diễn đàn Mekong Connect 2017 – “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” – diễn ra vào ngày 26/10/2017 tại trung tâm hội nghị TTC Palace (1) sẽ được các diễn giả chuyên gia quốc tế, trong nước, và doanh nghiệp hiến kế những giải pháp giúp ĐBSCL tìm ra những hướng phát triển mới.
Góc nhìn mới
Mekong Connect là sự kiện thường niên dành cho các cấp quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, các lãnh đạo doanh nghiệp của ĐBSCL. Là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh, từ mạng lưới liên kết bốn tỉnh: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp (ABCD-Mekong) cùng với hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC), trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), AmCham và VTFA đồng tổ chức.
Khi chuẩn bị chủ đề diễn đàn Mekong Connect 2017, các thành viên của BSA, nhà tổ chức sự kiện đã có trao đổi nhanh với ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp. Ông Hoan nói: “Câu chuyện về ĐBSCL còn mênh mông quá, như mùa nước lũ vậy. Vài chục năm rồi, người ta nói nhiều về ĐBSCL, nhưng nó vẫn vậy. Có lẽ do chúng ta là đặt vấn đề nhiều quá. Với chủ đề của diễn đàn lần nay, nên tập trung làm sao phát huy tiềm năng bản địa”.
Điều ông Hoan mong muốn là “hướng đến khai thông hệ thống phân phối và chế biến tài nguyên bản địa”. Tài nguyên bản địa, theo ông, “Nếu chúng ta nghiên cứu, không chừng gạo của Đồng Tháp Mười sẽ đắt hơn gạo của tứ giác Long Xuyên, vì hệ sinh thái khác nhau. Đó còn là cá và những sản vật khác… Chúng ta tạo ra được nhiều sản phẩm tương đồng về chủng loại, nhưng mỗi sản phẩm có sự khác biệt, vì hàm lượng chất xám khác nhau”.
4 chủ điểm chính
Mekong Connect 2017 sẽ quy tụ gần 30 diễn giả, bàn về gần 25 nội dung xoay quanh nguồn tài nguyên bản địa của ĐBSCL, đó là: dừa, gạo, cá, sen và du lịch.
Trong đó phiên thảo luận chung về việc “Phát triển ĐBSCL” từ những góc nhìn của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Khoa học và công nghiệp, và các bài nói chuyện “Học từ Nhật Bản cho phát triển tài nguyên bản địa” của Ino Mayu, nhà sáng lập tổ chức Seed to Table, “Khi sản phẩm từ tài nguyên bản địa chiếm giải cao của công nghiệp thực phẩm toàn cầu” (viện sĩ Lưu Duẩn, viện hàn lâm Thực phẩm quốc tế), “Công nghệ mới hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân” (Dominic Meller, chuyên gia ngân hàng ADB).
Sau đó là bốn phiên thảo luận diễn ra cùng lúc với bốn chủ đề khác nhau (kéo dài từ từ 10h35 – 12h ngày 26/10/2017). Đó là phiên thảo luận về DỪA với những báo cáo chuyên sâu về dừa và khai thác kinh tế của TS Nguyễn Văn Giáp (nghiên cứu viên cao cấp về chính sách nông nghiệp tại chương trình Sáng kiến chính sách công hạ lưu Mekong – LMPPI, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbight (FETP), “Chính sách phát triển về dừa” (ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ), “Nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa với công nghệ mới và phương thức canh tác hữu cơ” (ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit).
Phiên thảo luận về GẠO với những báo cáo chuyên sâu về gạo và khai thác kinh tế của KS Hồ Quang Cua (chuyên gia về lúa), “Giải pháp phân phối gạo tại thị trường nội địa” (Phạm Hồng Sơn, giám đốc kinh doanh Unilever Việt Nam), “Một đời đắm say nâng chất bột gạo” (Bùi Hữu Lộc, sáng lập thương hiệu bột Lộc Sánh).
Phiên thảo luận về CÁ với các nội dung: “Các vấn đề của con cá tra xuất khẩu” (Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Vietnam), “Cá tra: lợi thế bản địa của đồng bằng sông Cửu Long – Làm sao để cất cánh?” (TS Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ).
Phiên thảo luận về SEN & DU LỊCH với các báo cáo chuyên sâu về sen và khai thác kinh tế như: “Cảm hứng sen và nâng cao giá trị gốm sứ Minh Long” (Lý Ngọc Minh, CEO Minh Long I), “Nâng cao chuỗi giá trị từ sen gắn với du lịch” (Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), “Sáng kiến thực hiện tour du lịch qua bốn tỉnh ABCD: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp” (Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch TP Cần Thơ).
Buổi chiều cùng ngày, Mekong Connect 2017 sẽ bàn về chủ điểm phụ: “Sức mạnh công nghệ sẽ thay đổi đồng bằng như thế nào?”, với những bài nói chuyện: “Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã ứng dụng công nghiệp 4.0 như thế nào?” (Lê Văn Tam, chủ tịch hội đồng quản trị Lasuco), “Công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp” (GS.TS Trần Đức Viên, nguyên giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam), “Biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo” (Nguỵ Thuỵ Khanh, giám đốc trung tâm phát triển Sáng Tạo Xanh – GreenID), “Ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp nông nghiệp” (Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books).
Minh Tú
Theo TGTT
——————
(1) 16 Hai Bà Trưng, phường 2, TP Bến Tre
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này