
10:27 - 03/02/2021
Con đường từ Đồng Tháp
Nhìn Đồng Tháp “năng động phát sợ” trong mua bán sản phẩm – dịch vụ, ít ai nhận ra đó là thành quả của một chủ trương chuyển đổi sâu sắc: chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế – kinh doanh” của Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ vài năm vừa rồi.

Đồng Tháp với nhiệt tình cuồn cuộn và đầy sức sáng tạo đã mạnh mẽ chuyển mình thực hiện sự thay đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế – kinh doanh”. Ảnh: V.N.D.
Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã làm đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những giải pháp duy trì và đảm bảo “sức khỏe của doanh nghiệp” là “kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn”.Và đó cũng chính là hoạt động bền bỉ trong suốt năm qua của các doanh nghiệp ở Đồng Tháp. Với chủ trương đó, hàng loạt hoạt động kết nối giao thương được thúc đẩy thực hiện, kỳ vọng sẽ tạo ra sự liên kết hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn và gia tăng kết nối thương mại bền vững hơn cho doanh nghiệp và cho kinh tế địa phương.
Từ cô giáo bán quýt online
Đối với hầu hết nông dân, khái niệm bán nông sản qua mạng vẫn còn là một cái gì đó rất lạ lẫm.Cho đến khi thấy ai đó, gần bên mình, quen với mình đang làm điều đó. Như trường hợp của chị Trần Thị Mộng Nhi, là một giáo viên mầm non ở huyện Lấp Vò, con một nhà vườn trồng quýt. Đợt dịch Covid-19 đầu năm nay, học sinh nghỉ học, chị Nhi thử tìm cách rao bán qua facebook. Ban đầu, chị chỉ nhận được những đơn đặt hàng nhỏ, 2kg, 5kg, rồi 10kg, từ những người quen. Dần dà, lần lượt đến những đơn hàng từ khách phương xa cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Chị Nhi cho biết: “Mới đăng thì ít người tương tác, nhiều người hỏi rồi đi vì không rõ chất lượng. Đến khi những người mua rồi vô bình luận, khen ổn thì nhiều người thấy được, từ đó, người mua hàng ngày càng nhiều”.
Ðến CLB đặc sản Đồng Tháp và thương mại điện tử
Vì nhiều lý do khách quan, từ khi có quyết định thành lập CLB Đặc sản Đồng Tháp vào năm 2017 đến nay, CLB chưa có hoạt động đáng kể. Cho đến tháng 3 năm nay, giữa mùa dịch, đại hội bất thường ban chủ nhiệm CLB Đặc sản Đồng Tháp, các nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ thấy phải thay đổi để vào cuộc chiến đấu mới. CLB bổ sung thêm một số nhân sự mới, thông qua dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung của CLB và đề ra các nhiệm vụ chỉ tiêu mới 5 năm tới. “Nguồn máu” mới này đã đưa ra nhiều ý kiến mới và sau khoảng sáu tháng đi vào thực tế đã có nhiều hoạt động rõ nét.
Điểm nhấn là thực hiện gian hàng “Đặc sản Đồng Tháp” trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ đặc sản vùng miền” của trang thương mại trực tuyến Tiki.vn. Từ gian hàng online, CLB Đặc sản cũng đã xây thiết kế và thi công gian hàng offline tại một quán cà phê ở TP.Cao Lãnh, chỉ trong tuần đầu ra mắt, quầy hàng ăn ké quán cà phê này đã có doanh số khoảng 15 triệu đồng.
Và hơn thế nữa, quán cà phê marketing…
Hình trên là đội sale “tay trao tay” của công ty TNHH Khánh Thu ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. “Cảm tính” mà nói, thì doanh nghiệp này thuộc nhóm “biết bán hàng” ở Đồng Tháp với một đội sale được đào tạo bài bản, doanh số khá đều đặn. Anh Ngô Khánh Huy, giám đốc công ty cho biết, trong năm 2020 này, doanh nghiệp đã phát triển nước mát đóng lon Detox và nhận được phản hồi khá tích cực. Định hướng sắp tới trong năm 2021 doanh nghiệp sẽ xây dựng chuỗi cà phê Detox.Ý tưởng dựa trên các sản phẩm chủ đạo của Khánh Thu là các loại trà sen, nước đóng lon.Quán cà phê là không gian lý tưởng cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm.Quán cà phê vừa là điểm trưng bày giới thiệu, vừa phân phối các sản phẩm của Khánh Thu và các mặt hàng của Khởi nghiệp Đồng Tháp.
Khó và dễ
Bán hàng online kiểu cô giáo Nhi thì DỄ rồi. Nhưng muốn làm ăn lớn thì đụng cái KHÓ là niềm tin của khách hàng. Khó kiếm các đơn hàng chục tấn. Gặp ngay các vấn đề logistic. Xoài ngon, chuyển ra Hà Nội thành xoài rục, vỏ thâm kim, nhức đầu!
Bán hàng kiểu CLB đặc sản thì cũng dễ đó. Vì khi các cửa hàng bán trực tiếp khó có khách, thì mong có khách trên mạng.Nhưng mà, đâu có dễ như vậy. Chị Nguyễn Thị Các Thủy, giám đốc công ty TNHH Tây Cát – người hỗ trợ nội dung, hình ảnh cho nhóm – đã phải kêu trời vì 1.001 thứ phát sinh, chị đã phải “lăn lê bò toài” rất lâu rất nhiều việc để hàng “bò” lên được trên sàn. Nhưng – lại nhưng tiếp: số liệu của tháng gần đây nhất từ nhóm CLB Đặc sản cho thấy, doanh thu bán hàng trên Tiki cũng chỉ khoảng 6 triệu rưỡi/tháng, với hơn 2.000 lượt khách hàng truy cập mỗi tháng.
Người làm quản lý hạ tầng thương mại điện tử, tức là xây dựng content và hình ảnh là khó kiếm. Và lãnh vực này đụng vào các vấn đề kỹ thuật rất chuyên sâu. Từ xây dựng câu chuyện về sản phẩm đến tận dụng các hình thức sống động và lan tỏa thật nhanh, thật rộng những cuộc livestream của mình. Thay vì nhà cung cấp livestream trên fanpage cả mình và mua quảng cáo từ google, thì nay có thể livestream trên nhiều kênh, nhiều sàn (ngày càng ít người chỉ bán hàng trên một hạ tầng) để có lượng khách hàng đông hơn.Đòi hỏi doanh nghiệp phải biết bán hàng online chuyên nghiệp, tức phải đi học đúng bài, đúng thầy.
Xem ra, đầu tư kiểu chuỗi cà phê marketing như Khánh Thu đang là khả thi? Vừa bán cà phê, vừa bán hàng, nếu mà hình thành được chuỗi nhượng quyền thương hiệu biết đâu cũng “kiếm” được?Dĩ nhiên phải có vốn lận lưng, bởi lúc “giặc dịch” chực chờ, ai dám chắc không gặp rủi ro?
Cái mới nào cũng chạm cả hai mặt: KHÓ và DỄ. Mỗi cái đều có nhược điểm và ưu điểm. Điều quan trọng là các doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau.Nỗ lực của cá nhân, phù hợp với số đông thì ai cũng có thể bán hàng, để thực hiện được mục tiêu thúc đẩy thương mại sản phẩm.
Tin buồn là Covid-19 còn đang rình rập với các kịch bản bất định.Tin vui là các doanh nghiệp, cơ sở Đồng Tháp không đơn độc với sự đồng hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương, bằng các hoạt động thiết thực. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trong năm qua, Đồng Tháp đã ký kết với trên 10 hệ thống chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn để kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh; triển khai trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP tại các khu điểm du lịch trên địa bàn; thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội để đưa các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh giới thiệu tại thị trường Hà Nội và khu vực phía Bắc; trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm thương mại Gigamall (TP.HCM) và sắp tới đây là tại Phú Quốc. Đây là cơ hội và điều kiện tốt nhất để các cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm đạt chuẩn tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá trên các kênh giao thương hiện đại.
Văn Lợi – Mạnh Thường (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này