
08:34 - 05/06/2020
Chống sạt lở mềm thay vì cứng
Trong suốt mười năm từ 2010 – 2020, hơn 13.200 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA được rót vào các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.
Nhưng thảm hoạ sạt lở, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí thảm hoạ còn lan rộng.
Vị thần ở đầm lầy bị bỏ quên
Trong khi mọi giải pháp tập trung vào điểm sạt lở, người dân địa phương nói đến quan niệm của người xưa trong mối quan hệ của các loại cây bồi đất: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/ Sau hàng dừa nước mái nhà ai”.
So với những loại cây lâm nghiệp có khả năng bồi đắp, chống xói mòn thì dừa mới là nguồn lợi nhiều hứa hẹn. Theo luận văn tiến sĩ của NCS Lê Thị Thanh Thuỷ, đại học Cần Thơ, dừa nước có thể chịu độ mặn 2,1 ‰, là nguồn lợi để chế biến đường và nhiều sản phẩm khác.
Thực ra, các quốc gia Đông Nam Á giàu có dừa nước như Indonesia với khoảng 700.000ha, Papua New Guinea 500.000ha, nguồn thu từ dừa nước không nhỏ. Philippines có khoảng 8.000ha, nhưng được thế giới ghi nhận, vì rừng dừa nước vừa giảm chi phí chống xói mòn, vừa giúp cư dân hái ra tiền từ việc chiết dịch hoa.
Trong khi đó, dừa nước ở Việt Nam, không có con số chính xác về diện tích dừa nước đang đóng góp vào sự duy trì đa dạng sinh học ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từng tồn tại như một “vị thần” ở đầm lầy, chống sạt lở và sống chan hoà với quần thụ thuần loại hoặc mọc lẫn với các loại đước, vẹt, mắm; tầng dưới rừng là các loài ô rô, rang, lá náng, cốc kèn… cùng muôn loài. Nhưng đến nay việc chống sạt lở, sụt lún cứng bằng bê tông đã không hiệu quả, có nên thuận theo tự nhiên bằng hệ cây ngập mặn?
“Thố tử – ai bi?”
Khi lợi ích kinh tế trước mắt huỷ hoại hệ sinh thái rừng ngập mặn, xô ngã bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão tố, thì sự dụng công trồng cây gây rừng phòng hộ (chi phí 1,5 – 2 triệu đồng/ha ở Cà Mau) khó khôi phục rừng ngập mặn.
Nam bộ từng có 329.000ha rừng ngập mặn – đối chiếu tài liệu của Maurand (1943). Trong đó, Cà Mau có 140.000ha, độ che phủ 27%, nay chỉ còn 11,21%. Bến Tre có 48.000ha với độ che phủ rừng là 21,75%, nay chỉ còn 1,64%; Trà Vinh có 65.000ha, độ che phủ rừng 29,20%, nay còn 2,53%; Sóc Trăng có 41.000ha, độ che phủ 12,72%, nay chỉ còn 2,81%, theo vacne.org.vn. Chịu chung số phận hệ sinh thái ngập mặn của cả vùng, Gò Công, Long An, có “đám lá tối trời” rộng hàng ngàn ha, nay không còn được bao nhiêu.
Tuy nhiên, trong khi Việt Nam nghĩ cách khai thác nguồn dừa nước sẵn có trong tự nhiên, thì các nước chú ý cách trồng tỉa và khai thác, họ khuyến cáo cách chặt lá già, tỉa thưa giúp tăng cường ánh sáng, thuận lợi trong việc vận chuyển, chừa bao nhiêu lá non để dừa nước tăng trưởng và ra hoa kết quả đều hơn, giảm lượng lá lấy hàng năm và chỉ nên khai thác khi cây năm tuổi, ra hoa lần thứ hai.
Trái dừa nước già, khô sẽ rơi rụng và phân tán theo thuỷ triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi. Theo cách “thuỷ di” này dừa nước mọc thành bức tường thành thực vật ở các cửa sông, vùng đầm lầy, không chịu được những biến đổi nhân tạo trong vùng ngọt hoá hoặc khô hạn kéo dài. Rủi thay, dừa nước không thể nói với các nhà quy hoạch công trình cứng muốn làm cống “bế quan”, ngăn mặn, ngọt hoá, trị thuỷ… để biến nguồn lợi đa dạng thành đơn nhất.
Kỹ thuật bảo vệ tài nguyên
Các quần thụ dừa nước tự nhiên mọc dày đặc, tuỳ sự phân bố từng nơi, số cây trong 1ha từ 2.000 – 5.000 hoặc 10.000 cây. Hoa dừa nước nhờ ruồi dấm (Drosophilidae) thụ phấn. Mùa quả chín tháng 2 – 4; mỗi buồng có từ 40 – 60 quả. Một cụm quả có khoảng 88 – 133 quả. Tất cả những con số này đều liên quan tới việc tính toán thương mại hoá sản phẩm từ việc chiết dịch ngọt cuống hoa dừa nước, để chế biến thành đường, nước giải khát, rượu hay dấm ăn.
Papua New Guinea chia sẻ kỹ thuật: thời gian hứng dịch ở mỗi cuống cụm quả có thể đến 100 ngày; ở Malaysia là 340 ngày, Indonesia là 300 ngày, còn ở Philippines chỉ có 60 ngày.
Việc lấy dịch chiết ở Papua New Guinea cho thấy sản lượng hàng năm của mỗi hecta dừa nước là 169.000 lít, Indonesia là 168.500 lít, Philippines là 126.000 lít. Tuỳ theo cách chăm sóc, Malaysia có thể thu được lượng đường thấp nhất là 5 – 7 tấn, cao nhất 20,3 tấn/ha/năm. Dịch chiết sẽ lên men sau 30 giờ, có thể làm nước uống lên men hoặc rượu. Từ dịch ngọt có thể làm dấm với 6,2 – 7,2% acid acetic. Theo GS Mai Văn Quyền, để có sản lượng nhựa cao thì cần áp dụng một số kỹ thuật như trên, để đạt tỷ lệ đường chứa trong nhựa hoa dừa nước (đến 17%), trong khi đường mía chỉ ở mức trung bình khoảng 10%.
Thực ra bán lá làm tấm lợp đã là nguồn lợi lớn khi “lá xé”, “lá chằm” đang có giá vì khan hiếm, nên nguồn lợi từ dịch chiết và mục tiêu chống xói lở và các nguồn thuỷ sinh dưới tán lá không được coi trọng. Thậm chí, khi phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật như khi hoa được khoảng 4,5 – 6 tháng phải dùng chày gỗ quấn vải, gõ nhẹ vào dọc cuống hoa, một ngày ba lần, tiếp tục 5 – 7 tuần. Sau đó cắt bỏ hoa, dùng túi nhựa buộc vào cuống hoa để hứng nhựa như lấy nước thốt nốt trước khi nấu thành đường… có vẻ mất công. Hơn nữa, công nghệ này khoa Nông nghiệp (đại học Cần Thơ) đã được cấp bản quyền, nên nhiều người e ngại.
Các nghiên cứu cho thấy cứ 1.000m2 chọn 250 bụi dừa nước, lấy tỷ lệ ra hoa là 50% (125 buồng hoa đạt tiêu chuẩn thu nhựa), mỗi buồng hoa chiết dịch 58 lít, tức 6.875 lít nhựa hoa trên 1.000m2, sản xuất được 1.058kg đường chảy. Giá bán 15.000 đồng/kg đường chảy, thì số thu được là 15.870.000 đồng, trừ tổng chi phí khoản còn lời 8.310.000 đồng/1.000m2 đất bờ sông.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp từ sachi, kiếm gần tỷ đồng mỗi năm
Đề xuất phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4
Mekong Connect – CEO Forum 2016: Bàn cách sinh tồn
Trồng thanh long vàng thuận tự nhiên
ĐBSCL: Trái cây tạo hình, hoa kiểng chuẩn bị ra phố chợ
Tags:chống sạt lởĐBSCL
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này