
10:18 - 01/07/2022
Làm báo ở Sài Gòn thập niên 1960
Chuyện “Làm báo ở Sài Gòn xưa” đủ để viết thành cả cuốn sách do tính đa dạng và phức tạp của nó. Thuần về khía cạnh kỹ thuật, xin cung cấp vài câu chuyện về nghề báo hơn nửa thế kỷ trước.
Tháng 10 năm 1962, tòa soạn báo Văn Đàn tổ chức cuộc thảo luận “Hiện tình báo chí Việt Nam”, ở đây là báo chí miền Nam. Cuộc thảo luận thu hút nhiều người có uy tín trong làng báo thời đó, như Vũ Hạnh, Tế Xuyên, Nguyễn Ngu Í, v.v. Chủ tọa là ký giả Trần Tấn Quốc.
Theo người thuyết trình là ký giả Tế Xuyên, người ta cho là “báo chí xuất bản quá nhiều” với 17 báo ngày, hơn 60 tuần báo, tạp chí với số độc giả gần nửa triệu người. Có người lo là nhật báo tới 17 tờ là nhiều so với dân số miền Nam lúc đó là 12 triệu. Tuy nhiên, Tế Xuyên cho rằng phải tin vào luật đào thải, miễn là các ký giả được thuận tiện để thi thố tài năng.
Về nội dung, một số báo chú trọng đến những vấn đề xã hội, dám tố cáo nạn nhũng lạm, thể hiện sinh hoạt của quần chúng bằng những phóng sự trung thực, nêu những biện pháp cải thiện đời sống của dân. Tuy nhiên, cũng có những tờ báo “thương mại”, vì lợi ích mà chiều theo thị hiếu thấp kém, đăng phóng sự xã hội nhưng là thứ xã hội đồi bại, khêu gợi trí tò mò của độc giả. Hoặc đăng tiểu thuyết thiếu lành mạnh. Đến nỗi các nhật báo phải nhóm họp và quyết định mỗi nhật báo chỉ còn hai trường thiên tiểu thuyết (!). Ngoài ra, còn nhiều thông tin thất thiệt, chậm trễ. Một thí dụ, từ năm 1959, chính phủ miền Nam buộc người dân phải lập tờ khai gia đình. Tin ấy quan trọng đến 12 triệu dân thời đó, nhưng lại có được nhờ một tờ báo Hoa văn trong Chợ Lớn đi hỏi nhà cầm quyền đăng trước, để rồi hôm sau các báo Việt ngữ dịch đăng lại với tựa lớn…
Tuần báo, tạp chí và tập san tưởng chừng không mạnh bằng nhật báo, nhưng nhóm này có độc giả nhiều hơn.Loại ấn phẩm này cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn phổ thông cho độc giả.Nhiều người không giỏi ngoại ngữ có thêm kiến thức nhờ những bài biên khảo quốc tế có giá trị. Tuy nhiên, giống như nhật báo, vẫn có những tạp chí thích câu độc giả, khai thác nếp sống hư hỏng của thanh niên sa đọa, đăng nhiều tiểu thuyết diễm tình, chuyện khiêu dâm, mê tín dị đoan.
Trong phần thảo luận, có nhiều ý kiến đồng ý và phản biện. Ông Hồ Văn Đồng, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt, cho là anh em trong làng báo lúc đó nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Có khoảng 100 ký giả nhưng chỉ có khoảng năm, sáu chục người viết được, có văn phạm. Ông cũng cho rằng có một số người ít cầu tiến, viết được vài tin, vài bài điều tra đã xem mình là thần thánh, không học hành gì thêm.Còn giới chủ báo thì thiếu thiện chí, mời 17 ông chủ báo đến bàn về lập giải thưởng báo chí, đến được 3 ông.Lần sau mời được 8 ông đến, vẫn không đủ quá bán.
Một ông nói về tình hình tài chính các báo với nhiều khó khăn. Như việc phát hành, một đại lý ở tỉnh nọ nhận về bán 50 tờ, đến khi trả lại báo cũ thì trả… 52 tờ. Có đại lý nợ tiền báo 5 ngàn đồng nhưng chỉ trả bằng báo cũ, trừ dần đến hết nợ.Một ông nêu thực tế là giới trí thức chỉ thích đọc báo nước ngoài. Báo bị cho độc giả mướn với giá cực rẻ, đọc xong trả lại. Đại lý nhận 10 ngàn tờ, trả về 7 ngàn…
Tổ chức tòa soạn nhật báo
Nhật báo Công Luận là nhật báo lớn, Ban Biên tập trang ngoài gồm bốn tiểu ban. Tiểu ban Bình Luận, nhận định thời cuộc trong và ngoài nước, phản ánh đường lối chủ trương của tờ báo. Tiểu ban Tin tức Quốc tế, lấy tin tức viễn ký và phiên dịch sách báo ngoại quốc. Tiểu ban Tin tức trong nước, gồm các phóng viên ở Sài Gòn và các tỉnh và Tiểu ban Đặc phái viên, lo phỏng vấn, điều tra, tường thuật họp báo và theo dõi hoạt động Nghị trường.
Ban Biên Tập trang trong có 3 tiểu ban: Tiểu ban nghiên cứu chính trị, đúc kết dư luận để viết nghị luận chính trị và dịch tài liệu nước ngoài. Tiểu ban văn nghệ, phụ trách bài vở văn hóa, phụ nữ, nhi đồng, sinh hoạt quân đội, truyện dài và ngắn. Tiểu ban y học và pháp luật, giải đáp thắc mắc của bạn đọc.
Về việc in ấn, báo sử dụng 20 máy Typo mỗi ngày.Thợ máy làm việc mỗi ngày 10 tiếng mới xong việc.Có 2 nhóm thợ xếp chữ gồm 30 người. Về phát hành, mỗi ngày phát từ 85.000 đến 87.000 tờ, giao hết số lượng cho các nhà phát hành. Số cuối tuần tăng lên 112.000 tờ. Bộ phận phát hành và Ban Biên Tập liên lạc chặt chẽ để điều chỉnh tờ báo theo dư luận độc giả.
Tuần báo Chọn Lọc
Trong bài “Làm báo khổ thấy mồ” trên Chọn Lọc số 5 (12/1965), tác giả Tô Ngọc cho rằng làm báo ở Việt Nam thập niên 1960 là “làm báo thời… trung cổ”. Đủ thứ khó khăn, từ việc xin lắp đặt điện thoại, phải đợi dài cổ. Đó là chưa kể những thứ khác như máy phát thanh riêng, máy té lé type, v.v..
Khó khăn đáng kể là giấy in báo.Muốn tải nhiều thông tin, chữ dùng trên báo phải rất nhỏ. Thời đó, các báo chỉ được cấp “bông” mua một số giấy nhứt định theo giá chính thức. Báo nào in quá số giấy, phải mua giấy chợ đen dù đắt.Muốn có nhiều bài cho độc giả xem, chỉ có cách in chữ nhỏ. Một trang in chữ cỡ 8 đang dùng, được lối 1.000 chữ, các chữ lớn hơn chỉ được 500 tới 600 chữ. Bài đưa thợ sắp chữ đều phải viết một mặt giấy. Tờ giấy dài xé thành những đoạn nhỏ để giao cho nhiều thợ cùng sắp một lúc.Tác giả nào viết hai mặt giấy, coi như bài bị bỏ.
Thời bình, thợ giỏi có nhiều, việc khá ổn định.Đến thời chiến, được anh nào sắp chữ giỏi thì phải đi quân dịch. Thành ra chỉ còn sót lại mấy ông già đeo kính tay run và một lô thợ học việc 12 đến 17 tuổi… Hai nhóm thợ già và quá trẻ này là nguyên nhân của những lỗi chính tả bê bết trên báo, nhất là trong những tờ chữ nhỏ như con kiến.
Đã vậy, ông nhà đèn cứ bốn ngày lại cúp điện một ngày. Cúp điện, máy in dồn việc, chạy ban đêm. Thợ thắp đèn măng-xông nóng như hun, thắp nến thì tù mù để sắp chữ. Vì đó mà sắp chữ lỗi, chữ nọ xọ chữ kia, khiến người sửa bản vỗ rất vất vả. Trách nhiệm trút hết vào thư ký tòa soạn khi chữ in sai, cliche đặt lộn.
Một thứ thợ khác cũng làm khổ tòa báo, là thợ đúc chì. Với số in ba vạn cuốn mỗi kỳ, phải đúc nhiều bản để nhiều máy cùng chạy một lúc. Thư ký tòa soạn soát lại bàn vỗ lần chót, ký cho đi đúc.Thợ đem vào lò, đánh rớt vài chữ, rớt thì cắm đại vào, thế là sai bét. Những sự cố đó đưa tới những câu văn ngây ngô và phiền toái. Thời trước năm 1963, thợ một tờ nọ sắp “Ngô Đình Nhu” mà ở cái tên, chữ H thành chữ G, gây rắc rối lớn. Có những câu khác ngây ngô như: “Hôm qua tại sân Cộng Hòa có cuộc đại hội ĐIỀU KINH”. Hoặc “dân ngụ cư đến” sắp thành “dân ngu cu đen”! Nếu bài của anh em tòa báo thì không sao, nhưng của nhà văn nổi tiếng thì thư ký tòa soạn lãnh đủ.
Ký giả Ngô Quang kể “Những cái vui vui trong nghề báo… bổ!” ở Chọn Lọc số sau: “Các ký giả ngại nhất là phải đi xem điểm binh, đi xem tuồng về viết bài. Vì thế cho nên có nhiều người lười, đi chơi chán rồi nằm nhà tưởng tượng. Thời đệ nhất cộng hòa, có sự việc Tổng thống Ngô Đình Diệm ban nghi lễ sửa soạn đón tiếp Tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn đến thăm. Theo lịch, hôm sau ông Lý Thừa Vãn tới, thì hôm trước ký giả tờ báo nọ ngồi viết bài… Nào là Lý Tổng Thống duyệt qua hàng rào danh dự, nào là tuyên bố tình hữu nghị Việt Nam – Đại Hàn muôn năm, v.v. Báo ra sáng hôm sau, nhưng lại có tin ông Lý Thừa Vãn hoãn cuộc công du Việt Nam tới một ngày khác”.
Lần khác, bà Bút Trà khai trương rạp hát Kim Châu gửi giấy mời các ký giả tới xem buổi đầu tiên, phim màu màn ảnh rộng chiếu bằng máy Zeiss Ikon hạng nhất. Một ký giả ở nhà viết bài: diễn văn của ông đại diện thông tin, của bà Bút Trà xong rồi đến phim, chiếu sáng rõ, hấp dẫn. Nhưng khốn nỗi, lần này cái máy Zeiss Ikon tối tân của bà Bút Trà lại hư bất ngờ không chiếu được, sau vài tiết mục khán giả ra về.Bài báo bị đem ra cười cợt.
Trên đây là chuyện của những người làm báo ở Sài Gòn thập niên 1960.Họ luôn phải tồn tại với nghề trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.
Khi kẻ viết feuilleton xù
Cười thật nhiều, hào hứng kinh khủng khi những anh em làm thường trực viết thay vài kỳ cho Nguyễn Thụy Long. Chỉ mấy ngày thôi, “Loan Mắt Nhung” (biệt danh của Nguyễn Thụy Long) xuất hiện ngay, chửi um sùm, hỏi thằng nào viết, thằng nào hại tao, câu trả lời mày không đưa bài tới thì phải có thằng viết thay, chứ làm sao chờ mày được, Nguyễn Thụy Long vò đầu viết thay thì viết thay chứ sao nó lại cho nhân vật chính của tao chết hết cả. (Trích Hồi ký Nguyên Sa)
Phạm Công Luận tổng hợp (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
[Video] Khởi nghiệp với trái Dừa Cười
Thái Lan giảm phụ phí xuất khẩu gạo sang EU và Anh
Chiến đấu với ‘cam rau’
TS Lê Nguyên Phương: Phương pháp sư phạm đen tối của cha mẹ
Bến Tre, Venice Việt
Tags:Làm báo ở Sài Gòn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này