
09:16 - 17/03/2023
Dạy AI học làm bác sĩ cho bệnh nhân Việt
Trong 10 công trình đạt giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2022, có một công trình đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi phục vụ người dân xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Công trình này là sản phẩm của hai anh em Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng thông qua công ty công nghệ Annalise.ai.
Theo lời kể của Minh Trí, startup hiện có hơn 500 nhân viên ở nhiều quốc gia.Tại Việt Nam, công ty được gần 300 bác sĩ cộng tác. Còn ở Úc thì đội ngũ kỹ sư của Annalise.ai đồng hành cùng các bác sĩ để phát triển sản phẩm.
Để huấn luyện “con” AI thì cần 285.000 điểm dữ liệu khác nhau, tức là phải thu thập được hàng triệu hình ảnh, hàng triệu bản phim X-quang chụp đủ tình huống bệnh nhân nằm và đứng. Máy cần phải chụp đủ các sắc dân bởi mỗi cơ thể thì cơ địa lại khác nhau, AI cần phải học sự đa dạng thì mới có sự chính xác khi chẩn đoán sau này.
“Mà chúng tôi lại muốn chứng tỏ nó là một sản phẩm tốt trên thị trường thế giới.Đã có một phần ba các bác sĩ Úc đã sử dụng, với hàng triệu người bệnh mỗi năm.Gần đây thì Malaysia, Indonesia, Singapore, Hong Kong và Anh… sử dụng.Nhưng chặng khó nhất là đưa sản phẩm về Việt Nam”, Minh Trí kể.
Chuyện đưa sản phẩm về Việt Nam bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ ở Na Uy.
Lần đó, tình cờ Lê Diệp Kiều Trang (cựu CEO Facebook Vietnam và Go Việt) cùng chồng đi Na Uy tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án khởi nghiệp liên quan đến AI trong y khoa. Nghe nói có dự án của Việt kiều muốn xây dựng một đội ngũ bác sĩ giỏi từ Việt Nam để cùng hợp tác làm việc, thế là Kiều Trang chạy đi tìm. Gặp nhau, hóa ra lại là người quen – Minh Trí và Đình Áng là con của thầy dạy Toán của Kiều Trang. Họ bắt tay hợp tác với nhau liền. Kiều Trang kể cô tham gia từ cuối 2019.Hành trình này bắt nguồn từ những người trí thức có niềm tin với nhau.
Ngày đầu tiên đi giới thiệu với các bác sĩ về AI, Minh Trí kể, các bác sĩ không biết AI là gì và cũng không biết họ cần phải làm gì. Các bác sĩ vốn bị áp lực của công việc khám chữa bệnh và họ luôn đối mặt với nhiều, rất nhiều bệnh nhân. Nhưng nghe giải thích sâu về nhu cầu của dự án thì từ những bác sĩ đầu tiên, chỉ trong vòng từ tháng 11/2019 cho tới Tết Nguyên đán 2020 là khoảng ba tháng, công ty đã thu hút được 60 bác sĩ.

Bác sĩ Phạm Hải Việt Tỷ từ Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức đang thực hành sử dụng máy X-quang lồng ngực Annalise CXR Edge do Quỹ Australasia Social Impact Foundation (ASIF) tài trợ. Ông là một trong bốn người tình nguyện tham gia chương trình bác sĩ luân phiên công tác có thời hạn tại xã đảo Thạnh An.
Chưa kịp mừng thì tới tháng 2/2020, dịch Covid- 19 bùng phát. Hầu như là mọi thứ phải dừng lại.Tình hình khám chữa bệnh rất căng thẳng. Công ty phải bảo vệ các bác sĩ vì sợ lây nhiễm chéo. Annalise.ai đã dùng công nghệ để tăng tốc tiến độ, đưa máy về nhà các bác sĩ để họ không phải ra bên ngoài. Rất may mắn là Việt Nam kiểm soát Covid-19 rất tốt trong năm 2020, nhờ đó các bác sĩ có nhiều thời gian hơn tập trung cho sản phẩm. Đến mùa hè, công ty xong sản phẩm đầu tiên.Năm 2021 thì đến CT brain (CT sọ não), bây giờ là qua CT chest (CT lồng ngực).
Đội ngũ bác sĩ Việt Nam rất tự hào vì sau đó, sản phẩm đã được thương mại hóa và sử dụng ở các cơ sở y tế ở các nước phát triển như Anh và Úc.
Khi tiếp nhận sản phẩm, các bác sĩ Úc hỏi rằng: “Sản phẩm sử dụng dữ liệu của Úc, Mỹ và châu Âu, nhưng mà hầu hết các bác sĩ tham gia là bác sĩ Việt Nam thì máy có độ chính xác hay không?” Hỏi vậy, nhưng qua quá trình sử dụng thì họ hiểu. “Kết quả là mình ra được “con” AI rất là tốt, và các bác sĩ đồng hành với mình họ lại càng giỏi hơn. Tại vì khi mình huấn luyện AI thì mình đưa cho họ xử lý những ca khó, nên bác sĩ học được nhiều”, Minh Trí kể.
Các thầy bên trường y cho biết những bác sĩ đã tham gia vào dự án này đã giỏi hơn rất nhiều. Và sau dự án này, các bác sĩ có thể tiếp tục tham gia làm CT sọ não. Ở Việt Nam, hàng năm có rất nhiều ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Thế thì xuất huyết não rồi vỡ hộp sọ, rồi đột quỵ thì đều có thể dùng AI để xác định mức độ tổn thương từ sớm.Và hiện giờ thì công ty Annalise.ai chuẩn bị làm ra sản phẩm thứ ba.
“Điều mừng là không những mình tạo ra một con AI được thế giới sử dụng mà mình còn giúp nâng cao tay nghề của khá đông bác sĩ tại Việt Nam. Các bác sĩ đã làm việc với mình trong thời gian vài năm và liên tục được huấn luyện. Một số bác sĩ tham gia cũng không nghĩ có một lúc mình tiếp cận được với “con” AI và thăng hoa trong nghề nghiệp như vậy”, Minh Trí kể.
AI có cái hay nổi trội là có thể tách ra ngay những ca nặng, nguy hiểm cần điều trị ngay và đưa lên đầu bộ hồ sơ, nên cứu kịp những ca khẩn cấp.Và AI còn có thể dự đoán tương lai nữa. Ví dụ có những ca, lúc vừa bị tai nạn thì chỗ tổn thương còn mờ khó nhận ra. AI có thể nhìn thấy tương lai do các bác sĩ dạy nó cách tiên liệu các diễn biến xấu có thể xảy ra.
Không chỉ mang lại lợi ích cho những bệnh nhân ở tuyến đầu, ở những bệnh viện rất đông như Chợ Rẫy và Đại học Y Dược, sản phẩm công nghệ còn trực tiếp giúp được cho những ca bệnh ở các vùng sâu hay rất xa. Không chỉ ở Việt Nam, mà còn những nước xa xôi, nghèo và lạc hậu tại châu Phi.
Trong giai đoạn được đào tạo ở Úc, các bác sĩ Việt Nam thường làm việc xuyên đêm và ngủ lại ở công ty. Họ nói rằng: “Chuyện bình thường mà. Ở bên nhà, có khi ở bệnh viện còn nóng hơn, căng thẳng hơn, có khi không có máy lạnh”.
Kiều Trang nói rằng, tiếp xúc với những con người có năng lực về trí tuệ cao, có thể làm việc liên tục mà vẫn tỉnh táo và chính xác thì “từ trong thâm tâm thấy hết sức kính trọng những người trí thức Việt Nam”.“Đó thực sự là những tấm gương sống động luôn luôn nhắc nhở mình là mình cần phải cố gắng nhiều, phải kết nối ngày càng nhiều những công nghệ mới để các bác sĩ phục vụ nhiều hơn cho bệnh nhân Việt Nam”, Kiều Trang tâm sự.
Công nghệ dùng đúng chỗ đúng lúc mang lại những kết quả kỳ diệu trong chăm sóc sức khỏe người Việt.Minh Trí nói AI giúp tiết kiệm thời gian cho các bác sĩ vì giúp chẩn đoán nhanh hơn, trả kết quả hầu như tức thì và chính xác hơn. Như vậy, bác sĩ có thêm thời gian tiếp xúc với người bệnh, lắng nghe và phân tích, có lời khuyên cho họ.Không có người bệnh nào muốn nói chuyện với AI về bệnh tình của mình.“AI còn nâng cao tình người trong việc chăm sóc bệnh nhân là vậy”, Minh Trí nói.
Công trình của Minh Trí và đội ngũ cộng sự đã được đăng tải trên chuyên đề dành riêng cho AI của tạp chí y khoa The Lancet. Các thử nghiệm cho thấy khi sử dụng AI thì độ chính xác cũng tăng ấn tượng, chứ không chỉ có tăng độ nhanh khi cho kết quả. Về độ chính xác tăng được 45 % còn thời gian đọc thì giảm xuống 12 % ở công đoạn cuối.
Minh Trí và Kiều Trang cùng đúc kết rằng xây dựng được một công nghệ mà do trí tuệ Việt Nam kết hợp với trí tuệ của Úc và đã chứng minh được độ tin cậy trên thế giới, cuối cùng lại được mang về phục vụ Việt Nam thì thực lòng là quá sức tự hào – dù phải vượt không biết bao nhiêu thủ tục hành chánh.
Annalise.ai hiện đã có nhân viên ở 20 nước.“Đến đâu tôi cũng giới thiệu rằng công trình này khởi đầu từ Úc và Việt Nam”, Minh Trí nhấn mạnh.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này