
09:54 - 25/05/2022
Chiến tranh giúp cổ phiếu nông nghiệp khởi sắc
Cuộc chiến Ukraine gây bất ổn nguồn cung lương thực toàn cầu, nhưng cũng nắn lại dòng tiền ào ạt chảy vào cổ phiếu ngành nông nghiệp, đẩy giá lên cao ngất trong khi thị trường phần lớn nhuốm sắc đỏ.

Đà tăng giá lương thực trên toàn cầu leo thang khi chiến tranh bùng nổ. Giá lúa mì và bắp, hai nông sản chủ lực của Ukraine và Nga tăng mức kỷ lục trong tháng 2 và 3. Ảnh: Reuters.
Trong khi chỉ số vốn toàn cầu MSCI đã giảm khoảng 5% kể từ khi đóng cửa vào ngày 23/2, một ngày trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, một chỉ số hẹp hơn tập trung vào các công ty nông nghiệp và liên quan đã tăng 6% so với cùng kỳ, hồi phục mức giảm 1% so với đầu năm 2022.
Ranh giới giữa thắng và thua
Các hãng liên quan trực tiếp đến sản xuất lương thực – chẳng hạn như hãng phân bón, giống và nông cụ – đã lên như diều gặp gió. Hãng sản xuất phân bón lớn nhất thế giới Nutrien có trụ sở tại Canada đã tăng doanh số hơn 30% kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Nutrien đã báo cáo thu nhập ròng tăng hơn 10 lần trong quý 1 và đạt mức kỷ lục 1,39 tỷ USD.
Cổ phiếu của Sakata Seed của Nhật Bản đã tăng 27% kể từ ngày 23/2 và khớp với mức đỉnh tháng 7/2018, mức cao nhất trong 18 năm qua. Đầu tháng 5 này, Sakata Seed đã nâng mức thu nhập dự báo cho năm tài chính kết thúc ngày 31.5 này. Lợi nhuận của hãng sản xuất hạt giống, phân bón và thuốc diệt cỏ Corteva và hãng thiết bị nông nghiệp hàng đầu Deere cũa Mỹ cũng tăng vọt.
Các hãng nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn như công ty Vĩnh Hoàn của Việt Nam đã có doanh thu tăng hơn 82% và lợi nhuận tăng hơn 320% trong quý 1/2022.
Không phải tất cả các công ty thực phẩm đều được hưởng lợi. Theo Nikkei Asia, giá cổ phiếu Beyond Meat đã giảm hơn một nửa kể từ cuối năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2019. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng giá các nguyên liệu quan trọng như đậu Hà Lan và dầu cải để chế tạo thịt có nguồn gốc thực vật. Doanh thu sụt giảm và công ty liên tục thua lỗ ròng kể từ khi ra mắt thị trường.
Công ty AquaBounty Technologies có trụ sở tại Mỹ, công ty nuôi cá hồi đã được biến đổi gen (GMO) để tăng tốc độ tăng trưởng, đã phải đối mặt với nhu cầu chậm chạp trong bối cảnh người tiêu dùng nghi ngờ về sự an toàn của thực phẩm GMO.Những công ty này thua lỗ bởi họ không muốn thay đổi. “Các điều kiện kiếm tiền lúc này đã khác nhiều như hồi đại dịch, đặc biệt là khi Mỹ đang tăng cường siết chặt chính sách tiền tệ.Các công ty như vậy sẽ khó vượt qua”, một quỹ quản lý tài sản Nhật Bản cho biết.
Ranh giới giữa thắng và thua thật mong manh, và điều này vẫn sẽ cứ tiếp diễn. Một nhà quản lý danh mục đầu tư thuộc Nomura Asset Management nhận định: “Ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực mới là ứng dụng những phương thức sản xuất lương thực ít tốn tài nguyên hơn, thân thiện với môi trường hơn. Nhà đầu tư sẽ lựa chọn cổ phiếu hay các quỹ sẽ rót tiền dựa trên thế mạnh và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp”.

Nhà kho gần mỏ kali của hãng phân bón lớn nhất thế giới Nutrien. Cổ phiếu của Nutrien đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Ảnh: Reuters.
Nỗi lo triền miên về thiếu lương thực
Nhưng xu hướng nhà đầu tư tập trung vào cổ phiếu mảng nông nghiệp cũng phản ánh sự lo lắng của thế giới trước tác động của chiến tranh giữa Nga và Ukraine – hai nước chiếm 30% tổng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Các kho lúa mì ở Ukraine tràn đầy nhưng không thể xuất khẩu, đặc biệt là nông dân không thể canh tác kể từ khi chiến tranh bùng nổ, khiến viễn cảnh thiếu hụt lương thực các vụ tới gia tăng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây có liên quan đến nguồn thực phẩm, phân bón và thủy sản từ Nga cũng khiến các nhà thu mua toàn cầu hoảng loạn. Kế đến là chuyện Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì giữa tháng 5 và Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ cuối tháng 4 vừa rồi.
Chỉ số giá lương thực Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng tăng vọt và đạt đỉnh cao lịch sử trong tháng 2 và tháng 3 vừa rồi. Chỉ số này chỉ giảm nhẹ trong tháng 4. “Nông nghiệp toàn cầu và thị trường đầu vào cây trồng đang bị ảnh hưởng bởi một số đợt gián đoạn nguồn cung chưa từng có. Tình trạng này đã góp phần làm tăng giá hàng hóa, gia tăng lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu”, CEO Ken Seitz của Nutrien nói.
Nhưng thật ra nỗi lo về thiếu hụt lương thực đã tồn tại trước khi Covid và chiến tranh bùng phát. Liên Hiệp Quốc ước tính dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 25% trong giai đoạn 2020 – 2050 và đạt mốc 9,7 tỷ người, nhưng tổng diện tích đất canh tác chỉ tăng 5% và giảm 16% nếu tính theo đầu người.
Các nhà đầu tư tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang đổ vốn vào các công ty có khả năng giúp đối phó với thách thức này.
“Giá lương thực tăng sẽ thúc đẩy nông dân tìm kiếm sản lượng cao hơn. Vì thế, nhu cầu về phân bón và hóa chất nông nghiệp để cải thiện năng suất cũng tăng theo”, một giám đốc thuộc quỹ đầu tư nông nghiệp và thực phẩm Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management cho biết.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này