
11:16 - 18/03/2023
Cái vô thức lấy nam giới làm trung tâm
Một ví dụ trong cuốn sách Sự thống trị của nam giới của tác giả Pierre Bourdieu thông qua hoạt động tính dục như là một sự phân chia (nhiệm vụ) giới, biểu hiện về tư thế trong quan hệ tình dục giữa nam giới và nữ rất thú vị.
Một nghiên cứu ở phụ nữ Mỹ cho thấy việc ham muốn tình dục là một việc không phù hợp, gây xáo trộn trong đời sống gia đình (Betty Friedan, 2013) và nghiên cứu Diễn ngôn Tình dục trong Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình –FPP (Eunjoo Cho, 2016) đã tập trung vào việc xem xét diễn ngôn về tình dục ở Hàn Quốc, họ cho rằng ham muốn tình dục của phụ nữ là hợp lý và được khuyến khích – nhưng ngược lại, quyền tự chủ của phụ nữ bị ràng buộc vào khía cạnh tình dục và gắn liền với quan hệ hôn nhân. Trong bài viết này, tôi phân tích một trường hợp là “Huyền thoại Kabylie” do P. Bourdieu khảo sát để giới thiệu về sự thống trị của nam giới trong phân tích xã hội cái vô thức.
Quá trình người đàn bà dẫn dắt đàn ông
Một huyền thoại khởi nguyên của người Berbère ở Kabylie trong sinh hoạt tính dục ở tư thế trên – dưới cho hai giới để hợp pháp hóa trật tự. Tuy huyền thoại là câu chuyện không có thật, mang vẻ kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng nhưng nó hằn sâu trong tập tính con người và mang dấu ấn đậm nét trong văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng dân cư. Đoạn trích được giới thiệu ở trang 20-21 mô tả về quá trình người đàn bà dẫn dắt đàn ông vào trong hoan lạc của ái tình.“Thế là người đàn ông nhìn thấy đùi người đàn bà, chúng khác với đùi anh ta.Anh ta sững sờ kinh ngạc” như là một phản ứng vô điều kiện, “đùi người đàn bà” như là một sự hấp dẫn giới/giống một cách tự nhiên tồn tại.
Sự ham muốn tình dục và quan hệ tình dục xuất hiện trong từng cá thể và có ở tuyệt đại đa số con người, nó gắn chặt với tư tưởng của con người bao gồm suy tư và thân xác. Dưới tác động của nhu cầu sinh học “anh đi theo người đàn bà khắp nơi để làm lại vẫn điều ấy, vì cô biết nhiều điều hơn anh”. Đây là một nhu cầu được lặp đi lặp lại nhiều lần ở phạm vi rộng hơn là “anh đi theo người đàn bà khắp nơi” bởi “người đàn ông cảm thấy một lạc thú lớn lao” trong người mình mà tự bản thân không tài nào chế ngự. Điều đó tương hợp với người đàn bà, bởi vì người đàn bà “dạy cho anh rất nhiều điều”, làm cho “người đàn ông cảm thấy một lạc thú lớn lao” để đến nỗi người đàn ông đi theo để được người đàn bà tiếp tục “làm lại vẫn điều ấy”. Sự áp đặt của yếu tố sinh học lên người đàn ông làm cho họ “cứ phải” đi theo.
Thay đổi quyền lực thống trị trong hành vi tình dục
“Những kỹ thuật thực thi quyền lực trên tình dục” cho thấy rằng tình dục không chỉ là hành vi bản năng của cá nhân mà một hành vi có tính toán với những kỹ thuật trong hành vi và đấu tranh trong tư tưởng để nắm quyền thống trị. Và “thông qua sự làm chủ hành vi tình dục và ham muốn tình dục của bản thân, ta sẽ định hình bản thân mình… một quá trình trong đó cá nhân sẽ xác định phân giới”. Sau đó, người đàn ông không chỉ đón nhận “lạc thú” ngoài suối nữa, mà ở một không gian khác, đó là “ở nhà”. Nhà có thể hiểu là nơi ở của người đàn ông và đàn bà hay của vợ và chồng sống cùng nhau. Ở đó là một gia đình – một định chế được thiết lập. Cái chức năng của ân ái đi theo người phụ nữ không còn nữa. Dưới góc nhìn của nhà xã hội học Émile Durkheim “tổng hợp của nhiều tương tác với nhau, hệ quả là nó hình thành nên một thực tại mới, nằm bên ngoài cá nhân và không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân nữa” (Durkheim, 2019).Như vậy, quá trình tương tác và kết nối giữa con người với nhau tạo ra các định chế mới (trong huyền thoại) được xác định chính là gia đình “Ở suối nước, là em (thống trị); ở nhà, là tôi.”
Theo Foucault thì diễn ngôn là một thực tiễn đặc thù… kết quả của một sự kiến tạo… là sự kiện tư tưởng, ý thức hệ, nó phản ánh một thực tại mới là gia đình, đồng thời kiến tạo một trật tự xã hội ở góc độ gia đình thể hiện tư thế giữa hai người dưới hình thức ngôn ngữ của huyền thoại. Karl Marx cho rằng “ý thức con người được định đoạt bởi sự tồn tại xã hội của mình” (trong Berger & Luckmann, 2016). Còn Berger & Luckmann thì nói “xã hội định đoạt sự tồn tại hiện có (Dasein) chứ không định đoạt bản tính (Sosein) của các ý tưởng”. Cho nên mọi trật tự đều có thể thay đổi, việc kiến tạo một trật tự mới phụ thuộc ý tưởng và quá trình vận hành thay đổi, ít nhất như quá trình người đàn ông đã chuyển tư thế nằm dưới lên nằm trên trong một định chế mới.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này