
12:06 - 27/01/2023
Tha phương bún gỏi dà Sóc Trăng
Bên cạnh tô bún nước lèo ngát hương mắm bản địa, cái bánh cống ngoài giòn trong xốp xen lẫn béo bùi thì món bún gỏi nước phải ăn bằng đũa với muỗng cũng gây tò mò thích thú cho không ít du khách khi đến Sóc Trăng.
Nặng “nợ”… tương, me
Do tô gỏi bún chứa nước xăm xắp nên người ăn phải dùng đũa và muỗng chứ không thể bốc bằng tay như ăn gỏi cuốn được.
Tô bún nóng hổi, tỏa lên mùi thơm thoang thoảng của tương hột. Vị nước gỏi chua chua lẫn ngọt thanh khá hấp dẫn. Ấn tượng nhất là, những con tôm đất luộc đỏ au – đã được bóc vỏ – nằm cong mình mời gọi trên mặt tô. Thịt tôm chắc ngọt chân nguyên. Nhai tiếp cọng thịt ba rọi luộc xắt nhỏ cỡ đầu đũa, dài hơn lóng tay thêm béo ngọt đậm đà hơn. Lua tiếp nhúm rau cải xà lách, dấp cá, húng chanh, rau răm… tươi non càng thêm thơm ngon tròn vị.
Bà Trịnh Thị Ngọc Nữ, bán món canh gỏi này hơn 20 năm, ở thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng kiến giải như sau: đó là, một biến tấu ngộ nghĩnh từ món gỏi cuốn của người Việt. Bằng chứng là, các nguyên liệu trong tô bún gần giống với món gỏi cuốn, kể cả chén xốt tương chấm kèm. Và do tô bún chứa xăm xắp nước dùng, nên khi ăn người ta phải dùng đũa lua vào (và) với muỗng để múc nước, nên mới có tên bún gỏi dà. Nhưng viết chính xác phải là bún gỏi và mới đúng, do dân Nam bộ thường phát âm /v/ thành /d/. Và điểm khác biệt căn bản giữa món bún gỏi dà so với các món bún nước lèo, bún riêu khác là cách chế biến nồi nước dùng. “Nó được kết hợp chất ngọt từ nước hầm xương heo, nước luộc tôm và luộc thịt heo với một ít bột me chín để tạo độ chua nhẹ nhằm kích thích khẩu vị người ăn. Nước chấm kèm là xốt tương hột”, bà Ngọc Nữ chia sẻ.
Ông Tạ Đình Nghĩa, làm việc ở Hội nhà báo tỉnh Sóc Trăng cũng là dân gốc ở đây nhận xét rằng, món này hương vị thanh nhẹ và không kén người ăn như bún mắm, bún nước lèo. Thế nên, từ sáng sớm đến chiều tối, dân Sóc Trăng có thể hào hứng rủ nhau đi sì sụp bún gỏi dà. Còn với du khách phương xa, món này cũng rất dễ… làm quen do nặng mùi như bún nước lèo.
Song khi từ giã quê hương Sóc Trăng, đi “khởi nghiệp” ở các tỉnh thành Nam bộ khác, “vóc dáng” tô bún gỏi dà tân thời hơn.
Nhiều cải biến ngon miệng
Tới Vĩnh Long món bún gỏi nước này có thêm “cơm” dừa nạo loại khô rám, cho vị béo ngọt vừa phải chứ không béo đậm như dừa khô già. Vị béo ngọt khá quen thuộc – rất hợp khẩu vị địa phương.
Sang Tiền Giang, phần nhưn gỏi lại có thêm da, phèo và huyết heo gần ý bún riêu. Mấy con tôm luộc đi cùng đã là tôm thẻ hoặc tôm sú nuôi. Đặc biệt, chấm với mắm nêm chứ không phải xốt tương hột.
Sang và lạ miệng hơn hết, có lẽ là tô bún gỏi dà Sài Gòn. Bởi món gỏi hợp cư này được gia giảm một số gia vị mới lạ khác, như mắm ruốc, sả củ, chè nếp. Và phần thịt đi cùng cũng đa dạng hơn, gồm: tai, mũi, lưỡi… heo luộc – xắt miếng lớn. Còn con tôm sú luộc cũng lớn gấp 3-4 lần con tôm đất ở làng quê Mỹ Xuyên, nơi nổi danh món gỏi lạ miệng này hơn 20 năm trước. Lẽ dĩ nhiên, mức giá một tô bún gỏi dà kiểu nhà giàu như vậy, có thể dao động từ 45.000 đến 55.000 đồng. Cao hơn tầm 10.000 đến 15.000 đồng, so với món cùng tên ở Sóc Trăng.
Thật ngạc nhiên khi nghe bà Diệu, chủ tiệm bún gỏi dà ở hẻm số 10 vựa chợ Cầu Muối cũ, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM kể rằng, từ trước năm 1975 Sài Gòn đã có bán món bún canh gỏi này. Người bán đó gốc Hoa và là ngoại chồng của bà Diệu.
Tiếc thay, bà Diệu đã nghỉ bán từ ba năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Cũng xin những quý đọc giả có tâm hồn ăn uống ở TP.HCM, đừng vội buồn. Bởi tại phường Cầu Ông Lãnh, vẫn còn chị Hòa đang bán món bún gỏi dà, có phần giống tô bún gỏi dà Cần Thơ với Sài Gòn. Giờ bán: buổi sáng Chủ Nhật hàng tuần, ở 26 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM.
Ông Tạ Đình Nghĩa lắc đầu: “Bún gỏi dà Sài Gòn mất hương truyền thống của Sóc Trăng rồi!”. Nhưng khá đông thực khách TP.HCM lại chấp nhận nó.
Cũng như tô bún bò Huế cố đô trước nay, vẫn khác một trời một vực với bún bò Huế “chính gốc” ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam khác vậy.
Tất cả những cải biến ấy, thể hiện sự năng động và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của không ít dân Nam trước những món ăn quen và lạ.
Bài và ảnh Tấn Tri (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Du xuân theo đất trời và hội hè
Nhớ hoài bò dai, nước cay
Thu là mùa shinmai, ăn lúa mới ở Nhật Bản
Bao nhiêu bể dâu trong tô canh bún
Nghêu ngao chuyện nghêu ngao
Tags:bún gỏi dà Sóc Trăng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này