
12:46 - 24/01/2023
Sực nhớ Sài Gòn!
Đầu thập niên 2010, công việc thay đổi, tôi thường xa Sài Gòn, mỗi lần vài ngày, trong vài năm đó, số lần xa Sài Gòn bằng ba mươi năm trước cộng lại.
Lần nọ, đến Huế vào tháng 12, mưa dai dẳng, càng về khuya trời lạnh buốt, trong căn phòng nhỏ nhớ vợ, nhớ con, tôi với tay lấy chiếc iPod mở nghe bài “Chiều trên phá Tam Giang”. Đến Huế đôi ba lần nhưng tôi chưa có dịp ngắm phá Tam Giang để thấy “trời nước mông mênh, rào rào trận gió, thùy dương gầy rủ” như thi từ của Tô Thùy Yên.
“Chiều trên phá Tam Giang” là kỷ niệm của hai tác giả Tô Thùy Yên và Trần Thiện Thanh, họ cùng nhìn dòng nước cuồn cuộn, xoáy dữ dội, nghe tiếng nước sôi sục, réo gào nơi phá Tam Giang vào mùa hè 1972 để từ đó cả hai viết nên tác phẩm để đời. Trường thi “Chiều trên phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên, dài gần 200 câu với 3 trường đoạn, tác giả vẽ bức tranh lớn về tình yêu, về phận người, những đau thương của cuộc chiến. Đọc thơ, Trần Thiện Thanh chỉ chọn chủ đề tình yêu trong trường đoạn thứ hai để viết nên khúc tình ca, “Chiều trên phá Tam Giang” đã trở thành khúc hát của đôi lứa yêu nhau, tình yêu mong manh, âu lo giữa thời tao loạn. Với thi sĩ Tô Thùy Yên, trường thi “Chiều trên phá Tam Giang” là tác phẩm nổi bật và quan trọng trong sự nghiệp thi ca của ông. Với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Chiều trên phá Tam Giang” tạo nên nét âm nhạc mới, đặc sắc khác hẳn với những ca khúc thành công trước đó của ông.
Ca khúc “Chiều trên phá Tam Giang” nhạc sĩ mở đầu bằng câu nhạc viết ở giọng thứ bồi hồi, nhung nhớ, đến cuối câu, nhạc chuyển dần sang giọng trưởng để vào đoạn nhạc chính với cảm xúc mạnh mẽ, nôn nao, rộn ràng theo tiết điệu slow rock. Tác giả đã thay đổi màu sắc âm nhạc cho từng đoạn, lúc du dương, lúc dồn dập đúng với tâm trạng của đôi lứa yêu nhau, lúc bâng khuân mong nhớ, lúc âu lo, sợ mất nhau. Đến phần kết, nhạc sĩ dùng lại câu mở đầu với dụng ý làm phần Coda nhấn mạnh lần nữa chủ đề. – Chiều trên phá Tam Giang. Anh sực nhớ em. Nhớ ôi là nhớ, ôi là nhớ…, đến bất tận. Em ơi, em ơi, em ơi… Câu kết “Em ơi, em ơi, em ơi…” nhạc sĩ cho giai điệu vươn cao dần từng nhịp đến chót vót, tột cùng của nỗi nhớ.
Nhiều người khi nghe câu hát “Chiều trên phá Tam Giang. Anh sực nhớ em” vội vàng trách, từ “sực” nhớ hơi thô, có ca sĩ còn nghĩ mình khôn, tự ý hát thành “chợt” nhớ nhưng họ quên rằng, Tô Thùy Yên là bậc thầy về dụng từ, ông dùng từ “sực” để bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ vừa ập đến, chút bàng hoàng nhớ.
Lần này, nghe qua giọng hát của chính tác giả – ca sĩ Nhật Trường hòa với tiếng thỏ thẻ của ca sĩ trẻ Thanh Lan “nhớ ôi là nhớ, ôi là nhớ… đến bất tận” bỗng gợi lên nỗi nhớ nhà da diết, nôn nao, ngồi ở Phá Tam Giang, tôi như muốn trời mau sáng, trở về Sài Gòn ngay.
Xa Sài Gòn, tôi lại nhớ ca khúc “Khi xa Sài Gòn” nhạc Lê Uyên Phương với giọng khan khan, khắc khoải của Lê Uyên. Cuối thập niên 1970, mỗi cuối tuần tôi chờ đợi bên chiếc radio đèn điện tử, hiệu Philips, cũ mèm đã hơn hai mươi năm tuổi, lén nghe các chương trình âm nhạc của các đài phát thanh, BBC, VOA. Buổi đó, tôi nghe được cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Lê Uyên Phương do đài VOA thực hiện nhân khi vợ chồng tác giả “Vũng lầy của chúng ta” vừa được định cư tại Hoa Kỳ. Trong chương trình đó, đôi song ca Lê Uyên & Phương đã trình làng ca khúc mới của Lê Uyên Phương – Khi xa Sài Gòn, mang nỗi nhớ u hoài của người viễn xứ.
Khoảng hơn hai mươi năm sau, thế sự đổi thay, thế giới hội nhập, một lần trò chuyện với bạn bè, tác giả “Tình khúc cho em” thổ lộ: “Khi xa Sài Gòn là ca khúc tôi phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Kim Tuấn. Lần gặp ở Pleiku cuối năm 1973, Kim Tuấn đã tặng tôi bài thơ thi sĩ mới viết. Nỗi nhớ Sài Gòn, những ngày đóng quân ở Pleiku của Kim Tuấn hợp với nỗi nhớ của tôi nên thời gian ngắn sau tôi đã soạn thành ca khúc nhưng chưa phổ biến khi còn ở Việt Nam. Lần đầu tiên giới thiệu Khi xa Sài Gòn tại Hoa Kỳ, năm 1979, tôi không nói rõ thơ của Kim Tuấn chỉ vì tôi muốn anh được yên vui ở quê nhà, Sài Gòn.”
Khi xa Sài Gòn, thơ ngắn của Kim Tuấn, vỏn vẹn 21 câu, mỗi câu 8 chữ nhưng đã có 19 câu tác giả mở đầu bằng hai chữ Sài Gòn, bâng khuâng niềm nhớ. Khi xa Sài Gòn được Lê Uyên Phương soạn thành ca khúc ở hình thức hai đoạn có lập lại. Đoạn mở đầu, nhạc sĩ bồi hồi nhớ “Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng… Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ” nét nhạc xa xăm, đượm buồn. Sang đoạn phát triển, nét nhạc chuyển sang giọng trưởng, nỗi nhớ thôi thúc, kêu rêu “Sài Gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh. Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành” để rồi trở về thực tại với “Giấc ngủ miền xa, ôm trời núi rừng. Bên rừng nhớ nắng Trung Nguyên” câu nhạc kết về lại giọng thứ thâm trầm trong câu hát “Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau” Mỗi lần nghe “Khi xa Sài Gòn”, tôi lại bồi hồi về những ngày tháng xưa, tuổi trẻ nhiều lao đao.
Xa Sài Gòn, nhớ Sài Gòn đã đành. Hồi đại dịch giữa năm 2021, Sài Gòn giãn cách dài ngày, ngồi nhà, giữa lòng Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn da diết, nhớ cái xôn xao, cái nắng bụi, cái ồn ã của nó, nhớ những cái ôm của người thân, cái bắt tay của bạn bè. Đã “Nghĩ đến một điều em không rõ. Nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ” (*), nghĩ đến phận người giữa đại dịch, đã lo sợ phải đón nhận tin buồn từ người thân, từ bạn bè. Giờ đây, đại dịch đã lắng xuống, bạn bè phương xa gọi về: “Nhớ Sài Gòn quá, phải về thôi.” Chào đón bạn, Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay đón những người con đi xa trở về. Sài Gòn đang dần trở lại nét hân hoan, nhộn nhịp vốn có.
Sài Gòn bây giờ níu tay tìm nhau.
Hoàng Phương Anh (theo TGHN)
—————-
(*) Lời hát trong bài “Chiều trên phá Tam Giang”.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bán lẻ 2023: từ gáo nước lạnh đến gáo nước ấm
Lão nông Sáu Công đổi đời nhờ chanh dây nhãn lồng
Tiến sĩ vật liệu và năng lượng mang công nghệ về đồng bằng
Con đường từ Đồng Tháp
Ông Lê Minh Hoan: Thay đổi để xây dựng đồng bằng thương hiệu thế giới
Tags:Sực nhớ Sài Gòn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này