
12:30 - 25/01/2023
Những tác phẩm hay xuất bản cuối năm 2022
Ba cuốn sách xuất bản cuối năm 2022 được các nhà văn, nhà báo, cây bút điểm sách đáng tin cậy hiện nay lựa chọn để đọc trong dịp Tết.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Lịch sử cái đẹp
Những ngày cuối năm 2022, ra mắt bản dịch cuốn Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco (Lê Thúy Hiền dịch từ nguyên bản tiếng Ý Storia Della Bellezza; Nhã Nam & NXB Thế Giới ấn hành). Lịch sử Cái Xấu (Storia Della Bruttezza) và cuốn sách nói trên góp vào bộ đôi tác phẩm làm nên tầm vóc của Umberto Eco.
Thử nhìn vào bảng so sánh hình ảnh ở phần mở đầu sách, ta sẽ thấy quan niệm, chuẩn mực, tư duy về cái đẹp thay đổi qua thời gian. Là vẻ đẹp phụ nữ, hãy xem một tiến trình nhan sắc từ tượng vệ nữ Willendorf 30.000 năm trước đến bức ảnh khỏa thân của cô đào Monica Belluci vào năm 1997; là đàn ông, cũng không kém “phong ba bão táp”, khi ta lướt qua biên niên ký vẻ đẹp của quý ông, từ bức tượng Kouros thế kỷ 6 TCN cho đến tài tử Arnold Schwarzenegger vạm vỡ của năm 1985…
Cuốn sách này, một cách hệ thống, giúp tôi hình dung được diễn trình phát triển của các ý niệm về Cái Đẹp, ở đó có sự khác nhau, sự lặp lại, sự kế thừa và phủ định, có cả những khoảng đồng hiện thú vị trong hình mẫu cái đẹp ở những không gian văn hóa khác nhau, không gian địa lý xa nhau. Các bình phẩm đi kèm của những triết gia, nhà mỹ học từ kinh điển tới hiện đại như là những chú thích, biện luận giúp tôi có được sự tham chiếu và liên tưởng thú vị.
Cái Đẹp được hiểu là đi cùng sự lý tưởng, nhưng nó lại là những cuộc kiếm tìm, đầy biến đổi và không có khái niệm chung quyết tuyệt đối.
Một cuốn sách mà tôi sẽ phải đọc đi đọc lại nhiều lần, và luôn cần một sự chậm rãi, tỉ mỉ, cả một chút thoát ly khỏi đời sống rối ren. Phải, tôi sẽ không việc gì phải đọc nhanh, dù tâm thế háo đọc sẽ thúc đẩy tôi làm sao để sớm “giải quyết” xong gần 450 trang khổ lớn với hình ảnh, chú giải công kỹ trên tấm bản đồ mênh mông này để còn bước sang một tấm bản đồ khác có tên Lịch sử Cái Xấu nghe nói sẽ xuất bản vào năm tới.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Đức Phật trong tù
Một cuốn sách lạ từ ngay tựa đề!
“Đức Phật” mà tác giả muốn nói đến ở đây chính là những tội phạm đang thụ án trong nhà tù, trong đó có cả những tội phạm giết người, cướp của, lừa đảo, thậm chí là giết người hàng loạt.
Bằng trải nghiệm của chính mình trong một môi trường nhà tù vô cùng khắc nghiệt, tác giả Cường Lữ – một người Việt Nam nhưng sống tha hương đã có hành trình cùng với các tội phạm đi tìm Phật tính trong họ bằng các phương pháp: ngồi thiền, hành pháp, kết nối họ với tổ tiên- quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ đó họ đã tìm lại được sự bình an dù trong hoàn cảnh tù đày. “Tôi chọn tựa đề Đức Phật trong tù vì tôi nhận ra không có sự khác biệt giữa một phạm nhân và một Đức Phật. Tất cả chúng ta đều bình đẳng. Thấy ra được mình, ta là Phật, đánh mất chính mình, ta là chúng sanh lênh đênh trôi hoài trong bể khổ. Cuộc sống này chứa đầy niềm vui. Nhưng ta hãy cẩn thận, đừng lẫn lộn niềm vui với dục vọng. Chính những người học trò của tôi trong các nhà tù đã nhận ra điều này thật nhanh chóng”, tác giả viết.
Họ là ai? Đó là Fred một mục sư đã không tin vào Chúa và giết hại chính vợ mình.
Đó là Peter, 18 tuổi đã bị bắt vì tội môi giới mại dâm và buôn bán thuốc phiện.
Là Keith từng giết 92 người mà không cần phải “hỏi lệnh cấp trên”.
Là Raid thủ lĩnh băng đảng khét tiếng…
Tất cả những người trên đã dần dần chế ngự được thù hận, tổn thương trong quá khứ, nhìn thẳng vào tội lỗi của mình, kết nối được với tổ tiên, những người thân và tìm ra con đường hướng thiện.
Những nhân vật, câu chuyện – như tác giả cam kết- là hoàn toàn có thật.
Tác giả Cường Lữ sinh năm 1968 tại Nha Trang và cùng gia đình di cư sang Hà Lan từ thuở nhỏ. Sau nhiều thăng trầm, dâu bể ông trở thành một chuyên gia, học giả, một nhà giáo, một tuyên úy. Ông từng có sáu năm làm việc trong Ban tuyên úy Phật giáo trực thuộc Bộ Tư pháp và An ninh Hà Lan.
Cuốn sách hữu ích với những người làm nghề giáo dục và bảo vệ con người như thầy cô giáo, luật sư, các nhà tu hành, cảnh sát, quản giáo và tất nhiên các tủ sách trong nhà tù cũng nên có cuốn sách đặc biệt này.
Chân Khanh: Một hoaj sĩ phù thế
Tác giả Kazuo Ishiguro – Nobel văn chương 2017 không xa lạ gì với độc giả VN qua sáu tựa sách đã được ấn hành của ông bởi công ty sách Nhã Nam. Nhưng đọc Kazuo, không thể là đọc nhanh, đọc lướt hay đọc cho biết… nội dung. Đọc Kazuo ở tác phẩm này, thật đúng với tinh thần của tiết Xuân, ngắm nhìn hoa mai, hoa đào nở, lắng nghe nhịp sống quanh mình thật chậm, thật thắm thiết, thật thấm ý với những gì đã và đang diễn ra để ta đắm mình. Văn chương của Kazuo đối nghịch với sự ồn ào, phô trương mà hời hợt, giả tạm.
Một họa sĩ phù thế là câu chuyện cuộc đời của một họa sĩ Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai với đầy sử tính của đất nước Phù Tang. Những thế hệ già- trẻ đan xen với sự chuyển mình của một đất nước vận động một cách quyết liệt để lấy lại tinh thần nước Nhật trong tính cách Nhật: can đảm để đối mặt với sự sai lầm trong quá khứ để cùng giới trẻ đầy quyết tâm thay đổi diện mạo nước Nhật sau chiến tranh.
5 tuổi, Kazuo theo gia đình sang sinh sống và lập thân ở Anh, quốc tịch Anh, song ông lại là người Nhật chính gốc. Có lẽ vì thế mà văn tài của ông đã nổi trội một cách đặc biệt với sự kết hợp từ hai nền tư tưởng Á- Âu. Vừa tài hoa lại vừa ý nhị. Cái tao nhã trong không khí văn chương của Kazuo là một bút pháp không thể lẫn lộn với bất kỳ ai.
Ngay cả sự sôi nổi, bồng bột, lý tưởng hay nổi giận, phản kháng, cũng trở thành lẽ thường để con người chấp nhận nó như là chính nó.
Cũng như tất cả những nhà văn mang “căn cước” Nhật Bản, văn chương của Kazuo đẹp một cách lạ lùng, xốn xang, và cuối cùng là dư vị của tình yêu bất tận với cõi người mênh mang.
Có thể bạn quan tâm
Văn hoá di sản người
Lương Việt Quốc ‘sanh’ drone Hera
Một góc quê hương nhớ hoài nhớ huỷ
Hạt giống startup trổ bông OCOP
Lội ngược dòng nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới
Tags:Những tác phẩm hay
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này