
12:24 - 25/01/2023
‘Những nhà tư tưởng lớn’: triết học của ngôn ngữ và tình thương
Bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (NNTTL) này trong thời gian gần đây cũng đã được xuất bản qua sáu thứ tiếng: tiếng Đức, Anh, Pháp, Việt, Hàn và Trung Quốc. Về tiếng Nhật thì đang còn trong giai đoạn thương thảo.
Duy chỉ Việt Nam – và đây là điều tôi sẽ không bao giờ quên – Việt Nam là đất nước đầu tiên trong cả vùng văn hóa Á châu đã mạnh dạn đưa toàn bộ tủ sách NNTTL này đến cho mọi người trong xã hội. Tôi thật lòng cám ơn Công ty sách Văn Lang và riêng bạn Lưu Hồng Khanh cùng các bạn trong Ban dịch thuật với những dấn thân của họ.
[…]
Và tôi dám quả quyết rằng: mỗi người một khi đã năng nổ dấn mình vào triết học, thì họ sẽ mạnh mẽ bước đi trên con đường hiểu biết nhau trên tầm nhìn tổng thể thế giới, và họ sẽ không còn muốn rời bỏ con đường đó nữa.
Trước tình hình chiến tranh và xung đột hiện nay, sự hợp tác hòa bình giữa các dân tộc xem ra đang bị đẩy ra xa. Thế nhưng tôi tin chắc là vẫn thực hiện được. Tất nhiên không ai nói trước lịch sử sẽ diễn biến thế nào. Trong triết học thì người ta có ba lý thuyết khác nhau. Một, tạm gọi là lý thuyết hoàn lưu, theo đó thì lịch sử có tính chất tuần hoàn, vận hành có chu kỳ, luôn luôn trở lại điểm ban đầu, có một sự lặp lại vô tận vô thủy vô chung.
Thứ hai, thuyết tiến bộ tuyến tính, theo đó lịch sử là một dòng tiến bộ liên tục và nhân loại luôn luôn tiến tới một bình diện đạo đức cao hơn nhờ sự đổi mới về công nghệ và tổ chức xã hội và qua đó mà tiến đến một mục đích cuối cùng tích cực và tốt đẹp.
Thứ ba, thuyết thoái bộ tha hóa tuyến tính, theo đó ngược lại nhân loại thông qua những tiến bộ kỹ thuật và kinh tế mà rời xa dần tính chất tự nhiên của mình và suy thoái về đạo đức. Nói gọn về ba lý thuyết là: thứ nhất, thế giới quay trong một chu kỳ hình tròn và thực ra là giữ nguyên trạng. Thứ hai, thế giới ngày càng tốt đẹp hay thứ ba, thế giới sẽ xấu đi.
Thuyết thế giới tuần hoàn được nêu lên đầu tiên bởi nhà sử học thời thượng cổ Thucydides. Ông kể về các cuộc chiến giữa các quốc gia phố thị Sparta và Athens. Khi Athens nhờ thương mại mà ngày càng phát triển, thì quốc gia có thế lực hơn là Sparta tìm cách ngăn chận Athens bằng một cuộc chiến lâu dài. Theo Thucydides, điều này sẽ còn lặp lại. Trong lịch sử sẽ luôn luôn xảy ra chiến tranh trong mọi thời đại vì tranh chấp quyền lực và ảnh hưởng. Đây chính là số phận của nhân loại vì do đó mà con người không có tiến bộ thực sự. Quả nhiên từ 2.500 năm nay chúng ta chứng kiến liên miên chiến tranh xảy ra vì quyền lực và ảnh hưởng. Phải chăng thuyết này có lý? Phải chăng chúng ta chỉ quay trong một vòng tròn? Không phải, triết gia chuyên về lịch sử Hegel phủ nhận. Theo Hegel, lịch sử của loài người dù có thoái trào và chiến tranh, nhưng vẫn cho ta thấy một sự tiến bộ to lớn. Theo Hegel, lịch sử là một sự vận động tiến về phía trước liên tục, xuất phát từ hình thái bộ lạc thô sơ, luật rừng đến các hình thái chính quyền văn minh và tôn trọng tư cách của nhau. Thí dụ, chế độ nô lệ đã không còn. Con người có lý trí và lý trí sẽ giúp con người luôn tiến lên. Do đó nhân loại thường xuyên tiến bộ về kỹ thuật cũng như các hình thái xã hội, qua thời gian con người tiến về phía trước. Các triết gia thuộc dạng thứ ba thì ngược lại bi quan hơn. Họ nhìn vấn đề theo chiều ngược lại. Kỹ thuật ngày càng tân tiến chỉ mang lại thêm hiểm nguy. Một thí dụ là nhà nghiên cứu lịch sử và triết gia Adorno đã viết: “Không có lịch sử tổng quan nào đi từ man dã đến nhân văn cả, nhưng lại có chiến tranh từ ném đá đi về phía các loại bom tấn. Cuối cùng sẽ là một sự đe dọa hoàn toàn chống lại loài người”. Sự phát triển lịch sử theo Adorno chỉ mang thêm các mối đe dọa lớn hơn.
Riêng tôi thì tôi cho rằng ta không nên để mình sa vào chủ nghĩa bi quan mà cần kiên trì làm sao cho thế giới ngày càng tốt hơn và dùng lý trí để giải quyết vấn đề. Dù có nhiều lúc thoái trào, lịch sử có một hướng đi tích cực. Và chính triết học là môn có thể chỉ cho con người thấy con đường đúng đắn. Gần đây nhất tôi có liên lạc thư từ thú vị với triết gia J. Habermas. Tác phẩm của Habermas đã được dịch ra Việt ngữ, ông là một triết gia đương thời, đã nhiều lần lên tiếng về các vấn đề thời sự của thế giới. Ông cũng tin rằng thế giới sẽ càng ngày càng tiến gần với nhau. Trong đó ngôn ngữ sẽ đóng một vai trò quyết định.
[…]
… Từ xa xưa, các triết gia như Plato và Khổng Tử – bất kể những nguồn gốc văn hóa khác nhau, và vượt trên mọi biên giới các châu lục – đã đặt ra cũng cùng một câu hỏi như nhau: câu hỏi về sự thật. Kể cả khi với những viễn ảnh mà họ nhìn lên thế giới và diễn giải về thế giới hoàn toàn khác nhau, thì họ vẫn đã đi đến cũng cùng một nhận định như nhau: Chúng ta là những con người, và như thế chúng ta buộc mình phải suy tư và hành động theo nhân tính và đúng nhân đạo. Điều đó Khổng Tử đã diễn tả một cách vô cùng kỳ diệu qua chỉ một câu nói: “Cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ là tốt đẹp, khi con người có quan hệ tình nghĩa với nhau”. Và điều này thích đáng không chỉ cho những nhóm người, những xã hội hay những quốc gia riêng lẻ, nhưng là cho toàn thể thế giới của chúng ta như là một tổng thể.
Dr. Walther Ziegler* (theo TGHN)
————
(*) Trích thư tác giả gởi bạn đọc Việt Nam.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này