
10:17 - 09/02/2021
Nguyễn Hàng Tình: Sực nhớ mình là loài người
Phật, Chúa dạy “biết đủ là đủ”, để có an yên. Nhưng con người có chịu thế đâu. Chính mình kéo mình đi, và bầy đàn mình cũng kéo mình đi. Giống loài đắm say trong mông muội.
Đời hối hả người ta quên rất vội
Chợt rùng mình những cảm giác không tên
Mỗi ngày đi qua, thương con người hơn.
Thương cho cái giống loài Thượng đẳng. Thượng đẳng là đứng trên muôn loài. Con người tự cho mình thế. Khôn hơn các loài thì có, vì thống trị được các loài khác. Nhưng có hạnh phúc không, trong phẩm chất sinh vật dưới vòm trời này, là chuyện khác xa.
Tư cách mọi động vật đều như nhau, trong cuộc chơi có tổng “bằng không” này trước vũ trụ là Xuất hiện (sinh ra) – Trưởng thành – Chết đi. Loài nào cũng phải kiếm ăn (trừ vật nuôi), mới tồn tại được, nhưng con người kiếm ăn xem ra khắc nghiệt nhất. Nhìn vào thế giới con người tưởng cộng đồng loài này giao hòa, phẳng lặng, nhưng thực ra mọi thứ khốc liệt diễn ra âm ỉ, sóng ngầm, ở mọi ngóc ngách, mọi “mặt trận sống”. Ở cõi người, sự đấu tranh sinh tồn là khủng khiếp nhất. Nó khiếp bởi bộ óc thượng đẳng khiến con người đầy cơ cầu và ham muốn, tinh quái và xảo quyệt. Nó khổ bởi cái tham cầu vô tận không như các loài là chỉ cần có cái để bỏ vào bụng chỉ khi cơn đói đến. Hành trình sống là hành trình kiếm ăn, loài động vật nào cũng vậy.
“Cái ăn” là nỗi ám ảnh. Bỗng một ngày, “việc làm” là thứ gì đó ám ảnh nhất. Nó đè lên thân phận con người từ buổi thiếu thời đến khi hưu trí, mà hưu trí là chuẩn bị cho cuộc tàn – rời xa cõi người. Con người “đẻ” ra nào là thành đạt, thành tựu, danh vọng, hiển vinh, tự hào, đẳng cấp, tiện nghi, và nhất là “của cải” để dự trữ, lo hồi môn, hậu sự… Một loài luôn sống trong ngập ngụa lo âu, sợ hãi, vinh – hèn, mặc cảm; hơn thua, chèn ép, tranh chấp, cướp đoạt, bóc lột… Đến cái mũi không cao, mông không to, ngực không đầy, cũng kéo nhau đi nhờ máy móc nâng nó lên. Bầy đàn của mình đẩy mình vào ảo giác mặc cảm đó, chứ không phải các loài khác khiến. Và, có cái gì mà ghê vậy, khi giữa đám đông mình ăn mặc đẹp hơn là thấy “hơn” người; bước xuống chiếc xe sang là thấy “trên” người; có chút danh tiếng hơn là thấy “oai” người. Niềm “tự hào” lồng trong sự mặc cảm của giống loài, nó là một, không có ranh giới. Người thấu triệt tư cách sinh vật của con người và sự thật về cõi sống là phù du, vô thường, vô ngã thì không còn tự hào hay mặc cảm. Vì nó không có thật. Nhưng con người không chấp nhận sự thật đó, mà ghiền nghiện sự hơn thua, chinh phục. Cả giống loài lao vào ảo giác đó. Tội nghiệp một giống loài, sống bằng cơ chế ảo giác mà chính tính khắc nghiệt ích kỷ của giống loài mình ép mình đua theo, rơi triền miên trong đó.
Thế là trước hết làm khổ bản thân một sinh vật.
Càng sống xa rời những nền tảng tử tế trước thiên nhiên là càng xa rời Nhân tính. Cõi người như một cái đầm lầy xã hội thế tục. Sống trong rừng hoang bạn hiểu được quy luật của tự nhiên (và những cái bất trắc, hiểm nguy để né tránh), còn sống với thế giới con người bạn biết đường nào né tránh không?! Rất khó phải không nào, nói thẳng hơn là vô phương. Vì vậy mà loài người ác với thiên nhiên, triệt diệt cho hết. Bởi khi đã chế ngự được các loài, không còn loài “đối thủ”, không còn loài cạnh tranh không gian sống, thì tập trung vào tàn sát nhau, muôn trùng kiểu ác với nhau mà các loài khác không nghĩ ra và hành xử như thế. Các loài khác không có sản xuất tên lửa liên lục địa để dọa loài mình. Các loài khác không nhìn nhận việc phát hiện ra máy bay tàng hình hay những thứ vũ khí giết người hàng loạt là “văn minh”, cũng như những thiết bị máy móc đục khoét sâu được vào lòng núi, sa mạc, đại dương. Các loài khác không cần lập trạm thu phí để thu tiền loài mình di chuyển trên không gian sống. Các loài khác không cần danh hiệu nghệ sĩ, học hàm, học vị, và không có cảnh bán mua… Các loài khác không có hối lộ hay tham nhũng. Người thân thì giành nhau từng thước đất, phòng ngủ cũng bất khả xâm phạm. Còn quốc gia với nhau thì lăm le mở rộng lãnh thổ; sắm hàng không mẫu hạm, đóng tàu ngầm để nuốt biển của nhau, dù biển là đại dương không gian sống muôn loài và vũ trụ tạo ra. Kỳ lạ, nghĩ ra siêu vi để làm hại nhau chết và cùng sống trong sợ hãi, sau đó bào chế ra được thuốc để trị được siêu vi đó thì cùng cho là “tiến bộ”, đẳng cấp. “Giẫm lên nhau mà sống”, là câu loài người nhận thức về nhau. Loài người khổ thế đó, cứ phải vừa sống như một loài thú vừa muốn sống như loài thượng đẳng.
Từ đó trong tâm hồn mỗi người là một nỗi khổ khổng lồ bởi cuộc đấu chính mình giữa hoang dã và văn minh, giữa mộc mạc và “(sống) diễn xuất”, chân lành và tinh quái, giữa Thiện và Ác.
Sự thuần phác ngày càng hiếm hoi. “Nhân bản” – sự hiền lành của con người vốn là gốc của loài này – mỗi ngày càng xa gốc đó hơn, xa đến mức ở quốc gia nào, thành phố, xóm làng nào người ta cũng đi kêu gọi nhau “nhân bản”, trở về với thiện lành, thiên lương.
Đơn giản như điều này, rằng khi sống với nhau không được Nói Dối, loài người đã làm xong chưa. Loài người biết Nói Dối từ khi bắt đầu biết đứng lên, đi bằng hai chân, và mỗi ngày càng nghiêm trọng hơn khi các thị thành ra đời. Dối gian cũng là thủ pháp của tồn tại.
Nhiều khi con người hiện đại này đã cứ như gỗ đá.
Và thế là các tôn giáo luôn có “đất” để tồn tại. Các tôn giáo ra đời để “phanh thắng” con người lại, và chỉ cho cách để sống không mê lầm, lạc đường, né thoát được khổ đau, tránh cái ác, không gây đau thương cho nhau, và sống ý nghĩa. Các tôn giáo ra đời nhiều ngàn năm rồi mà vẫn chưa xong tác vụ, đóng gói “cất” đi – nghĩa là hiện trạng đặc thù của giống loài này vẫn nguyên vẹn. “Trần gian điên dại”, đúng như một văn sĩ và cũng là nhà tư tưởng người nước Đức từng nói thế vào giữa thế kỷ trước.
Phật, Chúa dạy “biết đủ là đủ”, để có an yên. Nhưng con người có chịu thế đâu. Chính mình kéo mình đi, và bầy đàn mình cũng kéo mình đi. Giống loài đắm say trong mông muội.
*
Để tồn tại bình thường, như mọi loài khác, con người đã khổ rồi. Sự hào phóng của tự nhiên, tài nguyên, đến thế kỷ này đã cạn, con người lao vào kiếm cái ăn bằng “đi học”, kiếm việc làm (thợ thuyền), chuyển đổi giống cây trồng và tìm thị trường (nông dân), đánh bắt xa bờ (ngư dân), lập hãng xưởng (doanh nghiệp), mở cửa tiệm (bán buôn)… Cố công, lao lực, lao trí, bon chen, tranh giành. Vật vã sinh tồn. Có loài nào chìm nổi đến thế đâu. Sự tồn tại, và Lợi, Danh bủa vây lấy giống loài này. Đời sống bỗng một ngày chuyển sang trọng vật chất hơn những giá trị tối quan trọng của giống loài thượng đẳng chỉ coi trọng tinh thần và tâm hồn. “Ngôi” chính bây giờ là vật chất chứ không phải Nhân cách. Được xem là thượng đẳng nhưng sự tiến hóa không có gì lấp lánh hơn tổ tiên, tiền nhân, ông cha cả. “Thực dụng” là đặc điểm của chúng ta ở thời kỳ này. Con người sục sôi trước vật chất. Khát khao nổi tiếng làm cháy đỏ tim người. Khát khao giàu sang làm từng phận người thành con thiêu thân của xã hội loài mình. Nhân tính, tình cảm, lòng từ ái, chân lương, tính vô ngã bị dạt sang bên. Từ đâu, giống loài này đo lường sự thành công ở một con người là họ làm được gì, có được gì, chứ không phải “đã sống như thế nào”.
Chưa bao giờ giống loài này nổi trôi như bây giờ.
*
Những người thành đạt, giàu có thì đứng trên được đôi ba thế nhân, nhưng với chính thân phận mình trong tư cách một loài (là sinh ra để Sống và để Chết) thì không hiểu rốt cuộc cái bên trong mình cần ra là cái gì. Loài người, loài duy nhất biết mình có ngày phải “chết đi”, nhưng không sống như mình biết. Biết lúc rời đi mình chỉ trong một hũ tro, hoặc một nấm mộ cách xa cộng đồng lúc còn sống, nhưng vẫn cố tạo ra cho thật nhiều của cải. Chẳng có loài nào xung đột và vô minh hơn loài người đâu.
Cái bên trong là ý thức về sự tồn tại ngắn ngủi của kiếp người, là sự không cần tự hào, nể trọng, kiêu hãnh, hơn thua. Là sự coi nhẹ tất cả. Phải làm (để tồn tại và thành công), nhưng không phải để “chiến thắng” ai, đứng trên ai. Là sự thanh lành trong tinh thần sống, là sự êm ả trong tâm hồn.
*
Một giống loài không chịu nỗi cô đơn, là Homo Sapiens.
Có khi nào bạn nằm bệnh viện nhiều ngày chưa? Lúc đó chắc bạn đã nhớ cái bạn thấy cần thực sự là gì rồi mà. Bạn yêu cuộc sống này, cùng con người trong đó chứ không phải “Của cải”, đúng không? Bản chất cơ bản của con người là công bằng, sẻ chia, và tình thương giống nòi. Bớt thu gom. Bớt tích lũy. Bớt hồi môn. Bớt thừa kế. Bớt kiêu hãnh về của cải đi, con người ơi. Và bớt gian manh, hung hăng lại. Hãy mang thứ gọi là “Của cái” đó đi chia sẻ cho đồng loại đang thiếu ăn và đang lâm nguy ở bệnh viện, ở đồng xa, núi thẳm, vỉa hè phố phường đi. Bạn sẽ có an lành cùng ý vị lẫn sức mạnh bên trong đó. Đó mới là cái đọng lại sau rốt. Dù bạn là tỷ phú đô la bạn cũng không có cơ hội sống hai lần trên dương gian này để làm điều “vi tế vĩ đại” đó đâu.
Nguyễn Hàng Tình (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này