
12:15 - 25/01/2023
Ngày về đảo
Cả nhà em 4 người đã có một cuộc di cư từ đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi vào Bình Dương tìm những điều thay đổi mới. Cả bố và mẹ em đều là công nhân trong khu công nghiệp ở Dĩ An, Bình Dương.
B. và L. được sinh ra ngoài đảo, ngay khi hai em cất tiếng ê a và có những người bạn đầu tiên nơi đó cũng là lúc gia đình các em đã khởi đầu hành trình đi tìm vùng đất mới mong thay đổi và mong hai bạn sẽ có những điều tươi sáng của tương lai.
Cảnh ngộ Covid
Đã hơn năm nay cả nhà chưa về lại đảo thăm ông, thăm bà, thăm những con đường đẹp đến mơ màng trên đảo, thăm những bãi cát trải dài mênh mông cùng tiếng sóng rì rào mà nó đã gắn với các em khi còn rất nhỏ. Đảo em vẫn còn đó, vẫn bình yên đón gió, đón nắng, đón mưa mà con đường về của em nó cứ xa vời vợi. Mẹ của hai bạn chia sẻ với tôi là “hành trình trở về nó xa quá chú ạ”. Ba mẹ con chị ấy không biết bắt đầu từ đâu và đi như thế nào, vì hành trình trở về này đã không còn anh ấy. B., L. trên hành trình trở về đảo đã không còn bố, ba mẹ con B. cũng chưa biết phải nói gì với ông bà nội vì nỗi đau chia lìa rất nhiều năm không gặp và mãi mãi không gặp lại con trai của mình.
Bố của B. đã nằm lại ở một nơi không phải là quê hương của mình. Bố của B. trước lúc ra đi đã không được nghe tiếng sóng, đã không kịp nếm vị mặn mòi của cái đảo xinh xinh nơi mà anh đã sinh ra và lớn lên. Để đến lúc ra đi nơi cả nhà sinh sống chỉ có một tấm giấy ghi rõ địa chỉ “Tạm trú”. Để lại ba mẹ con B. cùng nhiều điều dang dở và cùng cả những ước mơ có một cái hộ khẩu thường trú ở nơi phố thị, nơi mà nhiều nhiều nhà máy đang cần đến một lực lượng lao động vô cùng lớn…
Mẹ B. vẫn cứ dằn vặt, quay quắt, thất thần, đôi lúc cả những rối bời cho việc quyết định hồi hương trở về đảo của ba mẹ con.
Tôi hỏi B. và L. hai con có muốn quay lại đảo không? B. nói: “Em háo hức, em mong chờ vì em cần được chơi, em cần được chạy quanh bãi biển gần nhà ông bà nội. Em muốn đưa bố em sớm về với biển, sớm về với nội chú ạ. Hai bạn mắt sáng bừng hiện lên vui vẻ, B. nói cháu thích nhất quê cháu vào mùa thu hoạch tỏi, như một ngày hội chú ạ, người ra, người vào, tàu chạy tấp nập chở tỏi vào đất liền. Mà chú biết đấy tỏi quê cháu thơm, nhất là nếu trời nắng được phơi khô ngoài ruộng, mùi của thân tỏi khô, mùi của củ tỏi thích lắm chú ạ. Nếu chú về quê cháu mùa tỏi mới lên thì một màu xanh tít tắp, từng luống, từng ô được chia ra như quy hoạch của nhà phố, phân lô bán nền ấy. Thỉnh thoảng trong những ruộng tỏi có xen kẽ ruộng hành, ruộng ớt chú ạ, đang màu xanh tít tắp lốm đốm những điểm đỏ đỏ của những trái ớt chín, quê cháu như một bức tranh, có đủ màu sắc, mà toàn màu sắc tự nhiên thôi chú ạ. Quê cháu có nhiều chỗ cho cháu chơi mà không mất tiền. Quê cháu thì có rất ít ô tô, chẳng bao giờ kẹt xe, ít tiếng còi xe, ít rác thải, chẳng đèn xanh đèn đỏ lập loè, cháu vẫn nghĩ quê cháu là nơi đẹp nhất cháu biết cho đến lúc này chú ạ…”
Trẻ con luôn đơn giản, nhưng thấm đẫm nghĩa tình, trẻ con cần có không gian và cần cả những điều đơn giản hơn thế nữa.
Mẹ B. dường như vẫn chưa chấp nhận cho sự thật mất đi người bạn đời của mình. Mẹ B. cũng chưa sẵn sàng cho sự trở về mà không có anh. Còn điều sâu thẳm hơn tôi hiểu được mẹ B. không muốn trở về với hai bàn tay trắng. Lúc ra đi hăm hở cả nhà sẽ trụ lại được thành phố với một cuộc sống mới đầy đủ hơn, sầm uất hơn và có một nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cho anh em B. Chị đã ra đi với quyết tâm, khí thế, hừng hực của người trẻ muốn đổi thay cuộc sống vốn đã khó khăn ở nơi mà tôi biết là một hòn đảo đẹp nên thơ mà khách thành phố nào cũng mong được đến đó một lần vậy mà chị đi đã không muốn quay trở lại.
Chị nói với tôi trong sự tủi hờn, với đôi mắt ngân ngấn nước vòng quanh cho sự cô quạnh và cả sự cô đơn đến đột ngột không ngờ. Chị bảo: Nó đến đột ngột quá chú ạ, khi Covid xảy ra chị và anh đã lần lượt phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự, vì công ty cũng cần giãn cách, nhà chị bốn con người trong một cái phòng trọ đã 6 tháng nay, rồi nó cũng chẳng buông tha, chồng chị đã nhiễm Covid và trở nặng trong ngay tuần đầu và chỉ sau 3 tuần là anh đã ra đi mãi mãi. Tất cả những gì anh chị chắt chiu từ khi rời đảo vào đây đã đổ theo Covid và nó đã làm cho anh chị khánh kiệt hoàn toàn và chị cảm giác như mất phương hướng, không biết phải bắt đầu từ đâu, khi anh ra đi đã để lại cho chị hàng trăm câu hỏi mà vô vọng không có câu trả lời cũng như tất cả những rối bời mà chị đang phải đi qua nó.
Và đó là hy vọng
B. và L. là những người bạn sát cánh bên mẹ, chính hai em đã thuyết phục được mẹ quay về đảo để bắt đầu cho những điều bình thường đơn giản nhưng đủ đầy và hai em cũng tin mình sẽ trưởng thành và vượt qua được mọi khó khăn của cuộc đời này đã đem đến cho các bạn và tôi tin những điều đó sẽ làm cho cả B. và L. sẽ cứng cáp hơn, hiểu biết hơn, yêu thương hơn, hơn nữa chị cũng muốn anh được về sớm với biển, với nắng, gió và tiếng sóng nô đùa của tuổi thơ.
Chúng tôi cũng sẽ góp một phần cho cuộc trở về đảo về biển của chị và anh được nhanh hơn, an tâm hơn và hơn hết B., L. sẽ có một ngôi trường mà các em sẽ không cần phải lo lắng bất kỳ điều gì cho những điều hàng ngày, các em sẽ được sống, học tập trong một ngôi trường đầy sáng tạo, yêu thương cùng với lòng dũng cảm, tự lập, với những người đồng đội mới trong một ngôi nhà mà các bạn ấy đang tự hoàn thiện và cũng đang tham gia vào quá trình kiến tạo một tương lai cho chính các bạn ấy. Tôi tin với những gì chúng tôi đang làm, đang thực hiện sẽ cho các em được một môi trường và một cuộc sống an toàn, yêu thương, tôn trọng, các em sẽ tự biết làm, tự biết chịu trách nhiệm và cũng sẽ biết thích nghi với điều kiện và khả năng sống của mình cùng với một định hướng rõ ràng vào tương lai.
Tôi mừng vì anh em B., L. cùng mẹ trên con đường trở về đảo đã tự tin hơn và tôi tin khi bố B. về đến đảo cũng sẽ reo vui cùng sóng, gió và cùng những điều B., L. sẽ có ở phía trước. Chúc cho cuộc về đảo của mẹ con B. bình an và tôi biết cả hòn đảo luôn dang tay chào đón và bao bọc mẹ con B. vốn như nó đã có bao đời nay vậy.
Kết thúc một kỳ học của hai anh em nhà B. ở Trường Hy Vọng – Hope, các con vui mừng khoe với tôi về sự thay đổi của mình: Thầy ơi con tăng mấy cân thầy ạ. Con ở đây được ngủ một mình một giường và cái phòng con ở có 4 anh em rộng gấp đôi cái nhà con ở!
Con ở đây được chơi nhiều thứ. Con được làm việc vui lắm thầy ạ. Giờ con đã tự biết giặt quần áo, chăn, gối, con biết rửa bát cho cả tiểu đội khi ăn xong, con biết làm vườn, biết chăm rau, biết làm đất. Con được tham gia các khoá huấn luyện thể lực vượt khó mà trước đây con không bao giờ được tham gia.
Con vui vì sáng nào cũng dậy tập thể dục, làm việc và giờ thành một thói quen rồi thầy ạ. Cả hai anh em con và các anh chị trong trung đội vui và thấy thoải mái vì điều đó thầy ạ.
Đặc biệt hơn nữa từ ngày về trường con được gặp bao nhiêu người giỏi thầy ạ. Như anh Hùng cậu bé vàng toán học, Thiên người có 6 huy chương vàng thi quốc tế và khu vực, rồi các nhà khoa học, ca sĩ …
Ở nhà Hope con có nhiều anh chị, nhiều bạn, nhiều em và chúng con đều cùng nhau học thuộc 10 lời thề, cùng nhau hát bài ca Hy Vọng, cùng nhau thi đua từ phòng ở, làm việc và học tập thầy ạ.
Thầy biết không: kỳ 1 này cả hai anh em con đều thi được điểm cao thầy ạ. Kỳ đầu tiên mà con chỉ có học và học không phải thức đêm, không phải bốc vác đồ phụ giúp gia đình. Giờ con thấy tự tin mình có thể làm được nhiều việc thật tốt thầy ạ.
Hết kỳ 1 ở Hy Vọng có bao nhiêu điều đúng là chỉ biết là hy vọng. Có những trò khi đến với Hy Vọng bao năm chưa cất một tiếng hát và giờ là thành viên nhiệt tình và hiệu quả của CLB hát. Có bạn tự ti với đôi chân bị nấm của mình bao năm và sau nửa năm về với Hope đôi chân đã được các bác sĩ của đại học Phan Chu Trinh chữa lành và mang đến cho em sự tự tin của một cô gái 13. Em đã vui, chạy nhảy và tự tin khoe đôi chân của mình.
Rồi những học trò dường như bị lãng quên khi chẳng còn ai trước khi về với Hy Vọng. Giờ sau một kỳ đã tự tin vì có nhiều anh, nhiều bạn, nhiều em và làm được bao điều từ cuộc sống hàng ngày.
Tôi nhiều khi cũng chẳng dám tin vào những thay đổi mạnh mẽ của những học trò: Tự tin phát biểu cả giờ đồng hồ bằng tiếng Anh trước một đoàn khách quốc tế. Tự tin chia sẻ về trường trước Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ. Tự tin đàn, hát trước một lễ hội văn hoá đường phố mà có bạn bè từ nhiều quốc gia cùng tham gia, biểu diễn. Những thay đổi hàng ngày của những học trò Hy Vọng cứ âm thầm như vậy và chăm chút từng ngày.
Còn bao điều những học trò Hy Vọng vẫn cần cố gắng và Hy Vọng để tốt lên hàng ngày. Còn bao điều…
Những năm tháng đầu tiên của Hy Vọng là tiếng khóc, tiếng cười và cả những tình thương, nỗi nhớ… Những giận, những hờn, những điều mới lạ, những điều bất ngờ và muôn vàn những điều của tình yêu thương được hội tụ về Hy Vọng!
Trò nhỏ nhất là Q., L., D. mới chỉ 6 tuổi đã biết chủ động, biết làm, biết học, biết chăm sóc mình và cả chia sẻ với anh chị lớn hơn. Những anh chị lớn hơn biết chia sẻ cùng thầy, cùng cô cho việc nhà, việc chăm em, việc chỉ em học và tham gia xây dựng ngôi trường Hy Vọng cho những điều tử tế tận cùng của yêu thương. Rồi những thành tích của học tập, của thể thao, của văn nghệ, của hội họa… ngày một bồi đắp cho thêm yêu.
Tôi tin những khởi đầu của Hy Vọng sẽ là những bước chân bắt đầu để đi đến tận cùng của yêu thương và những điều tử tế với những con người của nhà FPT.
Hy Vọng – Hope là tên của trường liên cấp Tiểu học – THCS – THPT đặt tại TP Đà Nẵng. Hy Vọng vừa ra đời từ cam kết của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT: “Mở trường nuôi dạy 1.000 em mồ côi do Covid-19”. Cho đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, trường đã tiếp nhận hơn 200 em, đến từ 41 tỉnh thành, trong đó cấp 3: 40, cấp 2: 113, cấp 1: 50. Trong số đó có trường hợp đầu tiên vào Đại học là em Quang Bảo, trúng tuyển vào FPT và lọt vào top 10 đợt tuyển sinh 2022 của trường này. Tại Hope các em được ở nội trú, học văn hoá, học kỹ năng, tham gia các hoạt động trải nghiệm… Tất cả đều được miễn phí!
Hoàng Quốc Quyền (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này