
09:47 - 17/01/2023
Lương Việt Quốc ‘sanh’ drone Hera
2014, Lương Viết Quốc “startup” tại San Francisco. 2017, lập công ty chuyên sản xuất drone tại Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone.
Anh có một tuổi thơ cơ cực và phải ra đời lúc còn nhỏ với gánh chanh ớt, Việt Quốc đã trải qua một hành trình dài không ngừng nỗ lực theo đuổi việc học với giấc mơ thoát nghèo và khát khao kiến thức. Sau khi hoàn thành chương trình Trung cấp tại TP.HCM, anh học lên đại học tại chức. Với khả năng tiếng Anh rất tốt (đạt 660/667 điểm TOEFL), anh đã liên tục gặt hái những thành tựu lớn như học bổng Fulbright, tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ kinh tế Đại Học Cornell, được hứa cấp 8 suất học bổng Tiến sĩ tại các trường danh giá Hoa Kỳ, và anh chọn rồi tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại học Berkeley vào năm 2011.
Và thay vì chọn đi dạy học hay chọn một ngành kinh doanh dễ làm giàu, anh chọn làm drone. Với kinh nghiệm vững chắc khi là chuyên gia công nghệ nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng robot trong sản xuất tại Mỹ cùng tầm nhìn dài hạn về sự phát triển và ứng dụng của drone (máy bay không người lái), năm 2014 anh thành lập startup về drone tại San Francisco. Đến năm 2017, TS. Lương Việt Quốc thành lập Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) tại Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone. Tại RtR, anh mang đến niềm tự hào cho nước nhà khi đã chế tạo thành công HERA – drone thuần Việt gây dậy sóng giới công nghệ trên thế giới, được công nhận là có những ưu điểm vượt xa các sản phẩm drone khác trên thế giới đang dẫn đầu lúc bấy giờ.
Một phần câu chuyện của anh đang có trong một video trên nền tảng maybe.vn, chuyên mục 5W1H, đã được êkip thực hiện Tuấn Anh – Xuân Uyên gửi cho Xuân Thế Giới Hội Nhập. Chúng tôi xin trích một số ý kiến và tâm tình của anh về: lý do anh chọn nghiên cứu và chế tạo thiết bị drone – 5 đặc điểm nổi trội của Hera – con drone đang dậy sóng thị trường này. Làm sao để chứng minh HERA là 100% Made in Vietnam? Tầm nhìn của anh về xu hướng công nghệ tương lai? Vấn đề an toàn, bảo mật dữ liệu và xử lý của Hera?…
– Không ít lần anh đã có mặt, gặp gỡ các bạn trẻ tại Mekong Connect. Có câu hỏi: anh Quốc ơi, tụi em có nên nghỉ học đi khởi nghiệp luôn không?
– Lương Việt Quốc: Đừng, các em. Bởi vì mình không phải là Bill Gates, mình không phải là thiên tài. Lý do tại sao? Bởi vì nếu mình muốn khởi nghiệp thành công thì ít ra là mình cần phải có 3 điều kiện. Điều kiện thứ nhất là mình phải hiểu được người tiêu dùng người ta cần cái gì. Điều kiện thứ hai, khi mình biết được ta cần cái gì rồi thì ít nhiều mình cũng phải có kiến thức về kỹ thuật để mình hiểu được về mặt kỹ thuật, mình có thể làm cái gì đáp ứng yêu cầu đó. Và cái thứ ba nữa đó là mình lại phải có khả năng tập hợp một nhóm đồng đội đội ngũ con người để mình thực hiện cái kế hoạch của mình. Mà những cái việc như là hiểu được người tiêu dùng, có một số kiến thức về kỹ thuật lẫn quản lý con người, nếu mình là thiên tài thì mình không cần học đại học, mình cũng có thể có những cái đó thì mình hãy khởi nghiệp, còn nếu mình đã không có những cái đó thì thì đừng nên bỏ học
– Anh làm ra drone để làm chi vậy?
– Đây là cái ngành mới nên nó có một khoảng cách, một khoảng trống giữa những người cần sử dụng drone, với những người có thể làm ra được drone. Một ví dụ. Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) có nhu cầu sử dụng drone để kiểm tra đường điện cao thế 220 KV và 500 KV. Về quản lý ngành điện, định kỳ họ phải đi kiểm tra đường dây và tổng số chiều dài của đường dây 220kV với 500kV ở Việt Nam là hơn 20.000 cây số. Nhưng những công ty về điện lực như EVN thì thiếu kiến thức về drone. Bây giờ người ta sẽ không biết con drone nào nó có thể sử dụng hiệu quả nhất cho nhu cầu của họ thì ở giữa hai cái thế giới này một bên sản xuất, với lại một bên có nhu cầu sử dụng thì có một đội ngũ chuyên gia về drone, đội ngũ này thường họ sẽ đóng vai trò tư vấn cho những người như EVN.
– Nghe nói anh thường mang drone đi khắp các nước, dự các triển lãm. Anh mong chờ gì ở những cuộc triển lãm này?
– Các cuộc triển lãm là nơi mà các chuyên gia người ta đều có mặt và các tạp chí drone trên thế giới cũng tới đó để xem những tiến bộ nào là mới nhất trong ngành này. Có người đến đó để phổ biến thông tin. Tôi thì ngay từ đầu đã xác định là mình làm ra drone là nhằm giải quyết những nhu cầu của khách hàng ở thế giới và mình sẵn sàng cạnh tranh với các công ty đỉnh khác trên thế giới.
– Có thực sự Hera là 100% chế tạo, sản xuất tại Việt Nam?
– Hera có bao nhiêu phần trăm là chế tạo tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu phần trăm. Thường đó là câu hỏi chính mà người ta quan tâm, 50% hay là 80% hay là 90% thì sau khi các chuyên gia hàng đầu thế giới người ta đánh giá sản phẩm HERA là vượt trội hơn hẳn, vượt trội và bỏ xa so với sản phẩm đứng cạnh tranh sát nút thì tôi có nói với anh em kỹ sư trong công ty, đó là niềm tự hào không chỉ về tỷ lệ nội địa hóa mà là ở chỗ mình tự chế tạo, đó là phát minh và thiết kế của mình.
Thật ra đó mới là cái khó làm, chứ còn sản xuất hay chế tạo, nội địa hóa nó chỉ là phần nhỏ thôi. Ví dụ như mình, chúng ta nhìn cái iphone giá bán đâu đó khoảng 1.000 đô thì cái chi phí để chế tạo ra iphone chừng 3 – 400 đô, tương tự như là sản phẩm điện thoại Samsung sản xuất tại made in Việt Nam, lúc đầu thì ở Việt Nam chỉ có khả năng lắp ráp toàn bộ mọi bộ phận trong cái điện thoại. Làm lắp ráp thì chắc là chúng ta chỉ kiếm được đâu đó chừng 3% giá trị cái phone, sau đó rồi Việt Nam nhờ công nghiệp hỗ trợ chúng ta sản xuất được thêm con ốc, con vít… cung cấp cho Samsung. Rồi bây giờ mình đặt trường hợp lý tưởng là Việt Nam nội địa hóa được 100% luôn tất cả bo mạch điện tử, trong đó màn hình của điện thoại Samsung, kể cả con chip Việt Nam làm hết, cung cấp cho Samsung thì Việt Nam kiếm được bao nhiêu tiền, cùng lắm là chỉ 3- 40% cái giá trị cái điện thoại thôi, 60% còn lại là nằm ở phát minh và thiết kế thì phần đó Samsung vẫn hưởng.
Do đó cái khó làm là chỗ phát minh và thiết kế thì con drone HERA của mình là phát minh của mình về thiết kế của mình và nếu mọi người hỏi bằng chứng về phát minh, thiết kế thì mình trưng ra bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ toàn cầu mà mình thuê công ty luật lớn nhất trên thế giới là Dentons để làm tất cả hồ sơ.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 khi giới thiệu về drone sản xuất tại Việt Nam.
– Tại cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Công nghệ cao TP, khi đến xem Hera, ông Phan Văn Mãi chủ tịch UBND TP.HCM có nói đến hướng của TP là tập trung phát minh, sáng chế. Hướng đi này có đúng là hướng mà RTRobotics dồn sức đầu tư không?
– Chúng tôi chọn hướng đi đó và thực lòng tôi nghĩ, đó là hướng duy nhất nếu Việt Nam muốn phát triển. Bởi vì câu chuyện Hera đó, là câu chuyện của một doanh nghiệp đơn lẻ là công ty RTR. Nhưng nếu mình nhìn ở tầm cỡ quốc gia bây giờ như mình nhìn Hàn Quốc, mình sẽ lấy ví dụ tại sao tivi Samsung dần dà vượt trội hơn tivi Sony, vượt trội hơn tivi của Sharp, của Toshiba và giờ họ đánh bại. Mà trước đó thì Samsung hoàn toàn không có tên tuổi thì con đường duy nhất mà cái tivi của Samsung nó trội hơn tivi của Sharp là bởi vì Samsung có phát minh của họ, có thiết kế riêng của họ. Có thể ngày hôm nay công ty RTR là một trong những công ty đầu tiên hiếm hoi và ngoại lệ làm được chuyện phát minh, thiết kế, chế tạo ra sản phẩm đứng đầu thế giới. Nhưng tôi tin rằng Việt Nam càng lúc sẽ càng có nhiều công ty như thế này.
– Vậy đâu là những điểm vượt trội của Hera?
– Có thể tóm gọn theo cách đánh giá thông dụng hiện nay là gồm năm điểm, nếu diễn đạt bằng tiếng Anh thì đó là: đầu tiên là Smaller là nhỏ hơn, nhét gọn vào balo được. Thứ hai, Stronger, nó lại khỏe hơn những con drone khác. Tất cả những con drone trên thế giới mà nhét vào balo được thì chỉ mang được 2 ký đổ lại, riêng con Hera thì mang được 15 ký. Thứ ba là Roomier, rộng rãi hơn, gắn được 4 camera và mỗi camera đều có tầm nhìn 360 độ. Thứ tư nữa là nó thông minh hơn nhờ chạy những thuật toán trí tuệ nhân tạo gấp ba, gấp bốn lần những con drone khác. Và cuối cùng là nó đa năng nhất, nó có thể làm nhiều việc nhất. Tóm lại 5 đặc điểm này là: Smaller-Stronger-Roomier-Smarter và All -Rounder.
– Một vấn đề hiện ít được chú ý nhất là an toàn thông tin. Hera xử lý ra sao?
– Đó là vấn đề lớn. Thị trường drone bây giờ cũng tương tự với thị trường chip là phân mảnh ra, cụ thể ở Mỹ tất cả những cái drone nào muốn phục vụ cho các dự án liên quan đến Chính phủ Mỹ thì phải đạt chuẩn gọi là NDA compliance có nghĩa là đạt chuẩn an ninh, an ninh về thông tin, cụ thể là drone đó không được sử dụng các linh kiện điện tử của Trung Quốc hoặc của Nga. Thử nhìn vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thì mình thấy thứ nhất là drone đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không thể thay thế. Vấn đề thứ nhì là nguồn cung cấp anh mua ở đâu hay là anh tự chủ được, nó cũng cực kỳ quan trọng. Như vậy, thứ nhất là nước nào cũng phải cần drone, và thứ hai phải bảo mật thông tin và tự chủ nguồn cung cấp.
Tin mới nhất mà chúng tôi nhận được là sau triển lãm quốc tế quốc phòng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đặt vấn đề mua Hera. Hợp đồng đầu tiên đã được ký là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an trong tình hình tai nạn cháy nổ đang xảy ra nhiều. Chúc mừng Hera sẽ bay trên bầu trời quê hương với nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
Nhóm thực hiện 5W1H – Tuấn Anh – Xuân Uyên (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này