
11:17 - 26/01/2023
Hẹn với sông Gâm núi Thúy
Hẹn hò trở lại thành Tuyên (tỉnh Tuyên Quang), lần này tôi đi hơn 160 cây số nữa tới huyện miền núi Lâm Bình, chỉ để nhìn sông Gâm núi Thúy Loa. Nơi có 99 ngọn núi nhiều huyền thoại.
Rồi tôi vượt qua mười con đèo giật cánh khuỷu, dốc ngược để đến bản Khuổi Trang, dân bản địa gọi “suối Trăng”. Thiên nhiên biến ảo như phù thủy ở dốc núi, chợt nắng chợt mây và suối trong chảy dưới chân. Hình như Tuyên Quang không chỉ có thiếu nữ đẹp mà thiên nhiên ưu đãi rừng già tre phủ, thác nước và lễ hội nhảy lửa ở thôn Hồng Minh, mùa xuân luôn mang về cho Lâm Bình một vẻ đẹp khác biệt. Trở lại nơi đây, tôi có một nuối tiếc duy nhất. Giá như vặn ngược lại kim đồng hồ cho riêng đời mình, giá như còn tuổi trẻ mình sẽ làm lại cuộc đời ở đây; sinh sống, thở với núi rừng, đồng đất, cỏ hoa nơi này. Lâm Bình đã để lại cho tôi cảm xúc muốn đánh đổi. Muốn sống gần đất và cỏ cây hơn hẳn nơi phố thị toàn bê tông nhà kính. Khi đi qua thị trấn Lăng Can, người dân sống ở những ngôi nhà sàn xinh xắn luôn nở nụ cười hiền. Nhà sàn thường tựa vào lưng núi, cổng nhìn ra đồng ruộng mênh mông. Bao bọc nhà sàn là núi. Núi non bao quanh sông Gâm. Dưới lòng sông Gâm mùa cạn nước vẫn hiện lên một bãi đất mang hơi thở dấu vết một thành phố cũ đã xóa vết tích, lòng hồ bỗng chốc trở thành bảo tàng di sản cũ phố cũ dưới nước, đá sẫm vàng như một di chỉ khảo cổ; đáy hồ bỗng trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn trên sông mùa cạn nước. Còn khi nước dâng, bao nhiêu con thuyền giong buồm và thuyền nan bắt cá. Sông Gâm mang lại cho đời sống dân cư quanh vùng no ấm của tôm cá, thủy sản đặc sắc của nước và cây trong rừng thẳm đem đến cho con người.
Thị trấn Lăng Can còn đẫm vẻ hoang sơ, với nhiều món ăn trên mẹt, hơn trên mâm. Thịt chua và cá nướng đều chấm mẻ chứ không dùng nước mắm chấm như ở dưới xuôi. Các loại rau thì ngon không thể tả xiết. Rau sạch trong vườn rửa bằng nước suối cứ vớt lên là ăn.
Thịt heo chua, cơm tiết, món pắc pi đặc sản người Dao làm bằng hoa chuối băm trộn với thịt băm nhỏ và các gia vị của rừng, nên vị lạ, còn món măng ống nhồi thịt, hay ốc nướng bọc lót lá chanh, món canh cá bỗng nấu với lá theo, ngon ở vị lá chua. Hay như xôi ngũ sắc ăn trong “niêu” tre, chõ gỗ, chấm với hạt vừng gieo trồng một năm, hạt vừng nó bùi và ngọt khác với hạt vừng dưới xuôi.
Người Tày, người Dao ngày tết làm đủ loại bánh, bánh chưng, bánh giầy và bánh gấc đỏ. Nhân đỗ xanh, đỗ đỏ và vừng, hạt vừng, hạt đỗ vị bùi và ngọt, thơm từ trong chõ gỗ thơm ra. Cả gian bếp mang hơi thở của mùa màng. Nhà nào cũng có vườn, có chuồng nuôi gà, và có ao thả ngan, vịt, heo riêng biệt. Một đời sống thuần nông, mà 100% người dân nơi đây không bao giờ thích xê dịch. Mới hay rừng và núi đã bảo vệ họ an yên. Tết thì có lễ hội nhảy lửa, lễ hội cơm mới, mùa xuân thì lễ hội hoa lê.
Khách du thuyền trên sông Gâm, leo núi, thăm thác Khuổi Nhi, được bầy cá suối mát-sa chân miễn phí, mùa hè họ tắm thác, rồi vượt đi qua cung đường rừng hoang sơ, thăm núi kỳ vĩ, những tên núi như Pù Én, Phù Thẩm Bụt, Thúy Loa, thăm ngọn núi đá neo buộc trâu trời từ ngàn xưa vẫn còn đứng đó. Bạn sẽ gặp những ngư dân đi kéo tôm bắt cá trên sông, êm đềm và bình dị.
Đời sống nơi đây là giấc mơ về tự tại, nơi không có trộm cắp, nơi bình yên với đồng đất quanh mình. Buổi tối bạn có thể nghe hát then, đàn tính, đi thăm hợp tác xã thổ cẩm của người Dao Tiền (khác người Dao đỏ). Tối đến có thể chọn đi xem “lễ hội nhảy cầu” lễ nhảy lửa của người hmông ở thôn Hồng Minh, xã Hồng Quang. Tận mắt nhìn sự quả cảm của người nhảy lửa và sự khó lý giải của thế giới tâm linh với con người. Người được thần linh cho chơi với lửa, cầu được may mắn từ lửa, hưng vượng từ lửa của năm mới với cả một thôn làng, một tộc họ. Chợ ngày tết ở Lâm Bình cũng mang đến cho lữ khách một cảm giác tinh khôi của mây tre nứa lá, của đủ thứ mà đất đem lại cho cây và hương sắc của cây. Nó không có màu của kim loại của những thứ xa xỉ đắt tiền, mà là hơi thở của đại ngàn.
Ngoài ra, Lâm Bình còn là phên giậu che chắn phía đông bắc tổ quốc, nơi có rừng sến ngàn năm tuổi, nơi có thác rừng già che phủ. Đó là sự sống, là giấc mơ nguyên thủy nhất mà con người xưa từng đã sống như vậy. Nơi đây đúng nghĩa miền đất hữu xạ tự nhiên hương. Lữ khách đến rồi luôn tìm cách để trở lại, để thở với thác Khuổi Nhi, với núi Thúy Loa, và sông Gâm sâu thẳm.
Bài và ảnh Lộc Vừng (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp thời Covid-19: những điều mới lạ
Ăn, nghe theo quảng cáo dễ… xí lắt léo
Chờ bình thường mới để chiêm ngưỡng kiệt tác nghệ thuật
TS Lê Đăng Doanh: ĐBSCL cần tạo cơ hội để chiếm lĩnh thị trường
Thiên nhiên cho sữa
Tags:sông Gâm núi Thúy
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này