
11:17 - 09/02/2021
Đi chơi tết nơi núi cao
Cách Điện Biên hơn 200 cây số, đường Tủa Chùa lên Huổi Só khó đi, có thiên nhiên như một vịnh của Hạ Long nơi không có biển mà gặp sông Đà, nơi đủ tĩnh lặng cảm nhận cái tết của người ở núi.
Đường núi thật khác dưới xuôi, tôi đi nửa ngày không gặp một bóng người, không một chiếc xe qua. Đường núi cho tôi mong ngóng bóng người, và thật thèm bóng người.
Bức tranh thiên nhiên tuyệt tác
Từ chợ Tủa Chùa lên khoảng 50 cây số nữa, bạn sẽ gặp hai bên hai vách núi có một cây cầu Pa Phông vắt qua dòng sông Đà giang, đẹp như tranh của miền sơn cước. Huổi Só còn rất hoang sơ, nhiều chặng có hoa dã quỳ vàng rỡ, có hẳn vạt núi hoa trạng nguyên đỏ rực chẳng có ai tới nhìn.Xe cứ chạy thật chậm trên đường đất và đường cấp phối 1, không có đèn đỏ đèn vàng, không một bóng người đi. Rồi cuối cùng một thảm nước trong, sâu thẳm và xanh thẫm như một chiếc gương lớn ở vùng núi đá tràn qua mặt.Hơi thở của lữ khách chợt chùng xuống với sông rộng, mênh mông nước, cũng chưa thấy bóng thuyền ngang qua. Một địa chỉ rất thơ mộng của một huyện miền núi Tủa Chùa chưa chạm tay để khai thác du lịch, chỉ có người bản địa ở nơi núi cao hay tới đây đi chơi tết. Những đôi bạn trẻ cũng hay rủ nhau tới cầu Pa Phông chơi, vì cầu rất đẹp vắng vẻ, xa xa là một bản làng ở vách núi, nghe nói đó là những người từ vùng thủy điện sông Đà tới đây định cư, họ tạo nên một bản dân tộc ít người, một vùng an cư mới. Ở đó hình như có nhiều hang động đẹp dành riêng cho người ở núi đi chơi tết, khác với quần thể Huổi Cang, Huổi Đáp ở xã Pa Ham huyện Mường Chà thì hang động ở Huổi Só có duy nhất một hang khỉ có tên là Khó Chua la (hang Khỉ), đồng bào dân tộc đi chơi tết cũng qua hang động; một vùng thiên nhiên tuyệt đẹp có núi đá xám đỏ và mùa lúa vàng thì chỉ có nín thở, đứng nhìn.
Huổi Só có những ngôi nhà sàn của đồng bào người Dao, người Mông, họ ở chốn hẻo lánh và hoa nở thật rực rỡ nơi lối đi, ngay cả khi bắt gặp ngọn thác Huổi Loóng đổ ngay bên sườn núi. Ngơ ngẩn nhìn thác không muốn đi. Họ đi chợ tết bằng xe máy, bằng ngựa và đi bộ vài chục cây số là chuyện thường tình.
Chợ Tủa Chùa và thời trang răng vàng
Chợ Tủa Chùa ở ven chân núi nằm ngay bên thị xã, em Vàng Dỉn Sao, mãi tới gần trưa mới đến chợ. “Nhà cách đây hơn 20 cây số tận bãi đá cơ, nhà mình ở tận trên núi kia, đi từ lúc mờ sương, đi nhờ xe mới đến sớm đấy”. Chợ Tủa Chùa, không phải ai cũng có ngựa, xe máy nên đi bằng xe hai chân thôi. Tay cắp con gà, lưng đeo gùi con ngan chân đen lông đen, Vàng Dỉn Sao nói: “Bán đi con gà sẽ mua váy hoa cho con, bán con ngan thì mua muối và mua đèn pin nữa, mua được ba thứ đấy”. Chiếc gùi được nhấc xuống và bán ngan bán gà dưới chân núi. Có phiên, Dỉn Sao đi nhờ xe sẽ xuống chợ sớm hơn. Đi chơi chợ tết vui lắm, người Mông, người Dao, người Xạ Phang đều đi chợ tết để khoe váy áo, mũ và khoe răng vàng. Người dân tộc Mông ở Tủa Chùa không giống người dân tộc Dao ở vùng đông bắc Bình Liêu (Quảng Ninh), họ bọc răng bằng vàng mười (vàng 4 số 9) để cười cho đẹp và cũng để giữ vàng trong miệng, theo họ là cách giữ của cải an toàn nhất. “Vàng ngậm trong miệng thì không mất được”. Họ nói thế! Tết đến, cười bằng cách khoe hai răng vàng cũng thích lắm. Miền núi, chỉ có nhà khá giả, có đủ ruộng, trâu bò, mới có tiền bọc răng vàng diện tết. Đi chợ còn khoe đai váy sặc sỡ này. Đi chợ để khoe cả giày tự thêu, người Xạ Phang thêu giày quanh năm trên vải thổ cẩm, đế giày làm bằng mo cau, đi được cả hai ba năm, không thấm nước mưa thì đi rất bền.
Có bạn đi làm răng xong, mới đi lo mua áo và đai váy, khăn choàng và mũ cũng rất quan trọng cho thời trang tết. Chính vì vậy chợ tết Tủa Chùa rực rỡ màu đỏ rợp trời. Lên đến chợ mới hiểu vì sao người dưới xuôi, họ chịu quăng quật trên xe khách qua đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô ngoằn ngoèo dốc đứng, có người lảo đảo như say rượu mà vẫn cam chịu để tận hưởng không khí chợ tết nơi này. Tất cả đều đơn sơ, không có gì hiện đại ngoài thời trang người Mông và người Dao, cả một dãy là chõng tre nứa đựng vải vóc và áo xống.
Ngày thường đi chợ chưng diện váy áo rực rỡ, ngày gần tết họ cũng ăn mặc đẹp hơn để đón tết. Người Xạ Phang chú trọng đến đôi giày thêu thổ cẩm, nét áo thêu đơn giản với vải màu hồng và màu nõn chuối.
Người Mông và người Dao, người Dạo nữa (người Dạo là một nhánh của người Dao); họ cũng sống trên núi cao và trên lưng núi. Họ rất chú ý tới món thịt nướng gác bếp, món “đậu phụ tình yêu”, đậu phụ tách ra nhồi với thịt, nấm và các loại gia vị núi rất thơm và ngon.
Ngày tết trên mâm cỗ của họ còn có món rau cải đắng, với cách nấu và đậy nắp vung để rau sau 8 tiếng, có vị đắng rất ngon. Rau đắng ăn với thịt nướng và xôi nếp nương thì ngày tết no bụng đi chơi cả ngày. Và người núi nấu rượu ngô, rượu nấu bằng thóc, chúc tết rượu ngô hay uống chè shan tuyết cổ thụ thì không đâu ngon bằng Tủa Chùa.
Ăn tết ở núi cho tôi niềm hạnh phúc khác, để lãng quên đất kinh kỳ đang tắc đường, lãng quên phố thị chạm mặt với đèn đỏ đèn vàng, hay đối mặt với nhà bê tông rồi mọi sự cao sang khác. Ở núi mọi thứ đều bình dị, gần gụi đất, gần gụi cỏ hoa. Hơi thở của tôi được chan chứa, rưng rưng với nhiều cảnh neo khó ở núi, cho tôi cúi xuống thương người hơn, yêu người hơn.
Đi chợ tết trên núi cao lại thấy mình vẫn còn khát khao nhìn thấy bóng người trên hành trình dài ở nơi hoang vắng, cỏ hoa dại nở đầy bên mình, không phải nghĩ mua hoa sắm tết như ở phố.
Bài và ảnh Hoàng Việt Hằng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này