
14:58 - 10/02/2021
Bữa tiệc hoài hương
Với người Việt xa xứ, món ẩm thực quê nhà thường được nấu vào những dịp họp mặt. Sự chuẩn bị tất nhiên khá công phu, và quan trọng nhất là món ngon cần sự đồng điệu trong không khí sum vầy thắm tình hoài hương.
Kiểu như ăn món Việt phải nói với nhau tiếng Việt, kể chuyện xưa “hồi còn ở bển” thì bữa ăn mới trọn vẹn, đậm đà.
Bún nước lèo tiệc đầy tháng
Nhớ lần cháu nội tôi chào đời ở Paris, theo thông lệ, tiệc đầy tháng tổ chức với nghi thức bài bản Việt Nam. Đầu tiên là xôi chè.Món đinh của bữa tiệc là bún nước lèo, với mắm sặc và pro-hok từ quê nhà đem qua, cũng bay 14 tiếng Air France đàng hoàng.
Mối quen của con trai tôi là bà Út Ly, người gốc miền Tây Nam bộ, chuyên nấu món Việt và đặc biệt là xôi chè cho tiệc thôi nôi, đầy tháng. Chè đậu trắng đựng trong chén giá 4 euro, đĩa xôi 5 euro có ép khuôn tạo hình chữ nghĩa khéo léo. Đặt trên 100 euro được ship tận nhà miễn phí. Nhớ lúc đẩy mấy cái thùng chứa toàn đồ ăn ở sân bay Charles De Gaulle, mấy cô hải quan chặn lại đề nghị mở ra, thấy lủ khủ nào là bánh cóng, khô một nắng, mắm…, tưởng bị làm khó dễ ai dè họ cho qua. Nghe nói hải quan Tây tôn trọng món ăn của các quốc gia khác, trừ thịt.
Khách mời nghe giới thiệu bún nước lèo là rối rít. Không cần cao xa, chỉ một món ăn cũng đủ gói ghém cả niềm thương nỗi nhớ. Để ý mấy bà nội trợ Việt bên Tây, ai cũng chịu khó nấu nướng và nấu rất ngon món ăn quê nhà. Cũng dễ hiểu bởi các bả nấu trong niềm hoài nhớ, cẩn trọng từ những trải nghiệm của ký ức sâu đậm nên chuẩn mực và hết sức tinh tế. Món bún nước lèo gần như hoàn hảo với các nguyên phụ liệu, gia vị, rau ghém mua ở quận 13, chỉ có cá lóc là nan giải. Bởi không đâu có thứ này nên phải thay thế bằng một loại cá biển mua ở chợ Tây mà chất thịt gần giống cá lóc sau vài lần thử.
Các món khác thì sao? Bà Dany Trinh gốc Sài Gòn nói bún nước lèo phải có heo quay.Độ ngon heo quay của mấy lò ở quận 13 không hề thua kém Sài thành. Heo sữa quay đúng gu người Việt là phải lớn hơn cỡ phổ biến ở Pháp một chút, da mới dày và giòn, đặt ở Tang Frères giá 175 euro/con.
Bà Dany Trinh còn trổ tài làm bánh lọt ngọt tráng miệng. Cách làm của bà là đặt bánh lọt từ một mối quen gốc gác Sóc Trăng, mua nước cốt dừa đóng hộp, trái cây đóng hộp dạng cocktail về trộn chung thành món chè trái cây – bánh lọt đầy sáng tạo.
Tác giả món gỏi tôm thịt là một cô gái trẻ quê Ô Môn, Cần Thơ mới làm dâu nước Pháp được vài năm. Món gỏi ngon là do cô nhớ nhà nên gửi gắm vào đó lắm nỗi niềm. Bữa tiệc đầy tháng được bạn bè thân hữu xúm vô chuẩn bị, mỗi người một việc, vui như đám ở quê nhà. Xa xứ, ít có cơ hội gặp nhau nên mỗi lần tiệc tùng là “mắc nói”. Nói tiếng Việt, nấu món Việt, nhắc nhau kỷ niệm quê nhà.Khách thường tới sớm, về trễ, kéo dài cả ngày.
Những người bạn Pháp cưới vợ Việt có mặt trong bữa tiệc rất thích bún nước lèo. Fabrice đặc biệt thích mắm nên không có gì lạ khi anh bưng tô bún húp cạn phần nước lèo, còn Roland thì đối chiếu lẩu – bún nước lèo có nét giống món Fondu fromage, một kiểu lẩu phô mai của châu Âu. Món Việt quá phong phú, chỉ những món do vợ anh nấu thôi mà đã không thể nào nhớ hết tên…
Phở và cơm tấm
Qua tới Paris, ngày đầu tiên ra phố, lòng vòng ở quận 13 không nhớ hết có bao nhiêu quán ăn Việt nhưng chắc chắn món nhiều nhất vẫn là phở. Có quán bán giá 9 – 10 euro/tô, cũng có quán 12 euro một menu gồm tô phở kèm theo vài cuốn chả giò, gỏi cuốn hay cái bánh ngọt kiểu Việt.
Một tuần ở Lyon, bạn rủ ra quán vài lần, vẫn phở.Mùa đông giá lạnh, bước vô quán 69, gặp lại mùi phở như thấy cả trời quê hương ấm áp.Xa quê mới vài tuần mà đã vậy, mới hiểu người Việt ly hương sống cả đời bên đây quéo lòng cỡ nào? Vợ chồng ông Mười định cư gần 40 năm ở Tarare, một thị trấn cách Lyon 50km, cho biết quán Việt ở Lyon không nhiều, nhưng quán nào cũng bán phở, bún, chả giò, gỏi cuốn. Nhưng thứ cả Tây lẫn ta mê nhất: phở. Còn với ông Mười, phở là quê hương.Đã 8 giờ tối, trừ chúng tôi, khách của quán phở 69 toàn người bản xứ da trắng.
Có hôm lang thang ở khu thương xá cổ xưa ở Paris, có một đoạn phố ngắn bán thức ăn của nhiều nước, thấy ngôi quán nhỏ dựng bảng menu trước cửa ghi món bò bún. Hỏi thăm mới biết dân Tây thích món bún xào, với gà hoặc bò, nên chủ quán đặt tên bò bún cho dễ kêu. Nhưng có một món thèm hoài mà tìm không ra: cơm tấm. Chỉ còn cách tự mày mò nấu mới có ăn.Mua miếng sườn ở siêu thị Tây đem về ướp đúng vị Sài Gòn để qua đêm.Mâm chả trứng đầy đặn vàng ươm.Bì trộn với thịt khìa, riềng thính đầy đủ. Dưa chua chỉ thiếu có mỗi rau muống đồng là thứ không thể kiếm ở kinh đô ánh sáng nên đành chịu. Mỡ hành cũng phải điểm thêm những miếng tóp mỡ béo giòn. Và tấm, khi đã biết cách nấu nồi cơm điện cũng cho ra được thứ cơm tấm không hề thua kém cơm tấm nơi quê nhà.
Còn một thứ rất Việt là nước mắm, con trai tôi khoe chai nước mắm Phú Quốc hiệu Hưng Thành ghi xuất xứ Kiên Giang để dành ăn sống. Nước mắm Thái thì để kho nấu. Kể ra thì có vẻ đơn giản chứ một đĩa cơm tấm đúng nghĩa ở trời Tây phải dụng công nấu nướng hơn nhiều món ăn khác, và người nấu luôn ở tâm thế thèm, nhớ và trông đợi. Có lẽ vì vậy mà đĩa cơm tấm sườn bì chả một tối mùa đông ở Paris ngon hơn bất kỳ cơm tấm nào đã từng ăn trong đời.
Đi chợ quận 13
Tại nước Pháp, chỉ quận 13 bán nhiều đồ Việt chứ ở những thị trấn nhỏ mà tôi có dịp ghé qua thỉnh thoảng mới tìm thấy vài loại gia vị hoặc thực phẩm nguyên liệu ở tiệm tạp hóa của người Hoa.
Các siêu thị XO Store hay Tang Frères, Paris Store đều của người Hoa. Ngay tiền sảnh của siêu thị Tang Frères là những người bán dạo.Cũng rau củ bánh trái, cũng chào mời nhưng không săn đón vì trời lạnh, người bán co ro với cái nhìn hờ hững. Quán cà phê trong siêu thị đông và ồn ào giống quán nước người Hoa ở Chợ Lớn, cả kiểu ngồi, cách nói; bảng hiệu và bày biện hàng hóa, mùi gia vị đâu đó quen thuộc như Chợ Lớn. Siêu thị Tang Frères đáp ứng gần như đủ thứ nấu nướng món Việt, từ rau củ cho tới tương chao, mắm muối, thậm chí có cả ngải bún nếu bạn muốn nấu bún nước lèo. Lại một bất ngờ khác, đa số hàng hóa đều đóng gói và ghi xuất xứ Thái Lan, kể cả hành ngò, rau muống. Thậm chí nước mắm đề rõ tên Phú Quốc cũng của Thái. Ở kệ ngũ cốc có đủ các loại gạo nếp và tấm, vẫn là Thái Lan. Có một ít của Campuchia, Lào. Không thấy hàng Việt Nam! Sao kỳ vậy?
Đang tháng chạp, có thể tìm thấy bánh trái, giò chả, nem bì và cả những liễn, tranh, lịch Việt và những vật dụng quen thuộc trang trí ngày tết. Theo lệ, người Việt tới quận 13 là phải ăn cái gì đó cho đỡ thèm món quê nhà. Bánh mì thịt chẳng hạn.Có hai trường phái bánh mì kiểu Việt ở đây.Tang Gourmet có một quầy bánh mì thịt ổ dài kiểu baguette nhét xá xíu với rất nhiều củ cải đỏ, nửa xào nửa dưa chua, màu sắc mùi vị Tàu thấy rõ. Tiệm Khai Trí, từ một tiệm bán sách lâu đời đã bổ sung thêm bánh mì và vài loại bánh trái khác và coi bộ được ưa chuộng vì ít hương vị Tàu. Gần đây nghe nói mới có thêm tiệm 88, chủ là người Việt, riêng cái tên đã đầy cảm xúc: Hoài Hương. Ổ bánh mì thịt 88 ngắn mập, giá cao hơn nơi khác mấy mươi xu nhưng vị ngon, rất gần Sài Gòn. Nhẩm quy đổi ra tiền Việt, giá hơn 100.000 đồng/ổ, kể ra khá đắt so với Sài Gòn, Chợ Lớn. Tôi ghé mua bì tươi trộn sẵn ở một quầy thịt từ một anh chàng da màu nói thạo cả tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Pháp…
Cháu nội Ivy của tôi, 5 tuổi, nói rành tiếng Việt và rất thích ăn bún. Từ căn bếp gia đình, mẹ Ivy đã trổ tài nấu món bún bò rất ngon sau mấy lần về quê chồng “lĩnh giáo”. Sau này lớn lên bé cũng sẽ nấu ngon như mẹ để hương vị quê nhà còn lưu giữ mãi dù cách ngàn dặm xa.
Bài và ảnh Đỗ Khuê (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này