
09:53 - 25/03/2023
TS Lê Nguyên Phương: Tương lai chúng ta khác AI ra sao?
TGHN trao đổi với TS Lê Nguyên Phương về bản chất con người liệu có sự thay đổi và tiến trình của sự tiến hóa tiếp theo khi xuất hiện Trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ nói trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý.
Tiến trình hiển lộ con người chân thực
– Cái cốt lõi, cái thiết yếu của giáo dục con người, theo ông là gì? Nếu chọn từ đại diện cho giá trị này, ông sẽ chọn những từ nào?
– Để đi tìm cái cốt lõi hay thiết yếu của giáo dục con người, tôi muốn thử nhìn từ một góc độ nhân bản hơn đó là từ góc độ cá nhân; góc độ người thụ hưởng sản phẩm dịch vụ giáo dục nhưng cũng đồng thời là người kiến tạo ý nghĩa của giáo dục thông qua sự thành tựu bản thân.
Trong những hoạt động căn bản và mặc nhiên của đời sống con người thì học tập là hoạt động được thảo luận và nghiên cứu nhiều nhất với những chuyên ngành riêng biệt. Tuy nhiên, với đa số mỗi cá nhân hoạt động học tập dường như chỉ là một mặc định của lứa tuổi, yêu cầu của gia đình, tập quán của xã hội, quy định của chính quyền, hay nếu có cho bản thân thì chỉ là một sự chuẩn bị cho bước kế tiếp là mưu sinh. Thực ra, nếu chấp nhận ý thức và ý chí như chức năng lẫn nhiệm vụ thiết yếu của con người, mỗi cá nhân, hay gia đình cá nhân đó, phải tự thân tra vấn những giả định của mình về ý nghĩa của việc học tập hay nói rộng hơn là ý nghĩa của giáo dục.
Câu hỏi của mỗi cá nhân về ý nghĩa giáo dục, cụ thể là nền giáo dục, hệ thống nhà trường, tính chất của giáo/giảng viên, phương pháp dạy và học, v.v… mà mình chọn lựa để tiếp nhận không thể tách rời những giả định hay tiền đề mang tính triết lý về căn tính, bản chất, và ý nghĩa của sự hiện hữu của cá nhân đó trong cuộc đời này. Nói cách khác, tùy theo định nghĩa của các định chế giáo dục về các tiền đề nói trên mà chúng ta có các sản phẩm hay dịch vụ giáo dục tương ứng. Và nhiệm vụ của người học là chọn lựa để tiếp nhận một nền giáo dục dựa trên những tiền đề tương ứng với các tiền đề của bản thân. Chẳng hạn, một cá nhân khao khát tự do và tôn trọng nhân bản, không thể chọn lựa học tập trong một nền giáo dục mang tính chất nô lệ hóa con người và phủ nhận vị trí trung tâm của con người.
Theo tôi, thiết yếu của giáo dục là tiến trình hiển lộ con người chân thực, một con người tựu thành sự siêu việt của bản thân lẫn vượt qua con người sinh học, kinh tế, chính trị, và cả văn hóa. Trong một thế giới bất định và bất trắc, khi con người mạt hậu chỉ tìm kiếm sự yên ổn thoải mái cho riêng mình bằng những tín điều bào chế sẵn thì con người chân thực tự kiến tạo những giá trị và ý nghĩa sống của riêng mình, tự vượt qua chính mình để sống trọn vẹn với tự do. Hắn không chỉ tự do với-trong vật, tự do với-trong người, mà còn là tự do với-trong chính bản thân mình trên hành trình vượt qua chính mình. Tự do vừa là bản chất vừa là mục đích tối hậu của hắn trên hành trình giải thoát.
– Vậy thưa ông, sự phát triển của Trí Tuệ Nhân Tạo- AI hiện nay với làn sóng đón nhận nó một cách háo hức như ChatGPT có ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của con người hay không?
– Tôi nghĩ là không nếu chúng ta thực sự hiểu và sống đúng con người chân thực là gì. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần phân biệt giữa cái ChatGPT hiện nay đang làm được và những suy luận kể cả suy diễn về tiềm năng của AI trong tương lai.
Mặc dù ChatGPT có khả năng tạo các phản hồi khá tinh vi bằng cách tạo văn bản mới hay chọn trong văn bản có sẵn trong dữ liệu đào tạo, nó thực sự vẫn chỉ là một cỗ máy và các phản hồi của nó được tạo dựa trên các mẫu thống kê và mối quan hệ từ ngữ, và vì vậy phản hồi của nó đôi khi có thể không đầy đủ, không chính xác hoặc không phù hợp, đặc biệt khi xử lý các chủ đề phức tạp hoặc mang nhiều sắc thái.
Tuy nhiên, trong tương lai, với mô hình tự học không giám sát cùng kho dữ liệu mở rộng và chính xác hơn, khả năng của ChatGPT chỉ giới hạn trong khả năng của người sử dụng nó, và của những người lập trình bổ túc hay nâng cấp nó. Khi bàn về vấn đề tự ý thức [self-awareness] thì chắc chắn ChatGPT không được lập trình để làm việc này, mặc dù nó vẫn tự nhận định và phê phán về khả năng giới hạn của nó khi chúng ta “phê bình” nó sai. Biết thế nhưng không có nghĩa là trí tuệ nhân tạo [AI] và các robot trong tương lai sẽ bị giới hạn trong việc biểu hiện cảm xúc và kể cả tự ý thức ở mức độ để điều chỉnh hành vi. Chúng ta có thể đọc bài viết phổ thông của một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và máy học tập là GS Lance Eliot trên Forbes về việc xây dựng khả năng tự nhận thức cho máy, cũng như đọc thêm về nhận thức luận [epistemology] và triết học về tâm trí [philosophy of mind] để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Nếu chỉ định nghĩa các giá trị cốt lõi của một người là các ý tưởng, quan niệm, thái độ để từ đó dẫn đến hành vi và chúng được hình thành bởi sự tương tác phức tạp của các yếu tố như quá trình giáo dục, văn hóa, kinh nghiệm cá nhân và niềm tin cá nhân của họ thì AI trong tương lai vẫn có thể có những biểu hiện quan sát được mà chúng ta gọi là có giá trị cốt lõi. Vậy vấn đề không phải là những giá trị cốt lõi mà là sự khác biệt cốt yếu giữa người và máy.Trên hành trình tra vấn về việc chúng ta thực sự khác AI trong tương lai như thế nào, có lẽ chúng ta sẽ tìm được “chân diện mục” của chúng ta, cái mà nhờ đó chúng ta sẽ sống “cho ra cái giống người” hơn chăng?
Liệu con người có “nhân cách hóa” AI
– Ông có cho rằng sự phát triển của AI sẽ góp phần làm thay đổi giáo dục Việt Nam không?
– Thử tưởng tượng là học sinh sinh viên sẽ dùng các phương tiện này để nhận diện lẫn phản biện các giới hạn, phi lý, ngụy biện trong bài giảng của giáo viên.Lúc ấy việc học và dạy sẽ phải rất khác và rất thú vị. Tuy nhiên, việc dạy và học tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần nhỏ trong nền giáo dục, vì thế khi nói đến sự thay đổi hay cải cách toàn bộ nền giáo dục thì “con én” ChatGPT chắc chắn không thể làm nổi mùa xuân.
Riêng lĩnh vực tâm lý, theo ông, giáo dục VN cần có những bước đi cụ thể nào khi đưa các bộ môn về tâm lý vào giảng dạy chương trình chính thống trong đào tạo sư phạm và cả học sinh? Hiện nay, vấn đề đưa AI vào chương trình tư vấn tâm lý cũng đang gây tranh cãi vì khả năng trả lời các câu hỏi có tính cảm xúc tức thời của con người do ChatGPT “chia sẻ” cũng thoả mãn cho một số tâm trạng, ông có thể cho biết thêm ý kiến của ông về vấn đề này?
Không nhất thiết đưa môn khoa học Tâm lý như các lớp chính quy kiểu Tâm lý học Đại cương, Tâm lý học Phát triển, Tâm lý học Nhân cách, v.v… vào trong nhà trường phổ thông nhưng có thể thiết kế các lớp đặc biệt về sức khỏe tinh thần nói riêng và các chủ đề chuyên biệt và cụ thể trong các ngành Tâm lý học như Phát triển, Giáo dục, Tổ chức, v.v… phù hợp với nhu cầu và độ tuổi các em nói chung. Chẳng hạn, chúng ta có thể có các lớp Hóa giải Căng thẳng, Nhận diện và Phòng chống Bắt nạt, Samrtphone và Rối loạn Cảm xúc, Chánh niệm để Phát triển Ký ức và Học tập, v.v… cho trẻ trung học cơ sở; các lớp Nhận diện và Can thiệp Trầm Cảm, Ảnh hưởng của Niềm tin Sai lạc [cognitive distortion] đến Tâm trạng, Đi tìm Căn tính và Ý nghĩa của Hiện hữu, Tương quan giữa Hành vi Vị Xã hội và Tâm lý Tích cực, v.v… cho học sinh trung học phổ thông; và các lớp của nhánh Hành vi Tổ chức trong Tâm lý học Tổ chức như Đánh giá Tính cách trong Tuyển dụng, Kỹ năng Quản lý và Tương tác Tập thể, Phong cách và Đạo đức Lãnh đạo, v.v… cho sinh viên. Qua những lớp như thế này, các em không chỉ có thể tự giải quyết những vấn đề cảm xúc và nhận thức của mình mà còn cả tự xây dựng được một nền tảng đạo đức thế tục, khoa học, và hiện đại khi thấy việc sống đúng với những quy luật tâm lý và xã hội.
Về vấn đề tham vấn, hiện có nhiều nhóm bạn trẻ trên thế giới, trong đó có cả các nhóm Việt Nam, đang nỗ lực để xây dựng những công cụ chẩn đoán và thậm chí điều trị tâm lý qua ứng dụng các phát minh mới trong ngành AI và data từ văn bản y học và tâm lý. Ngoài việc máy tự học, nếu được sự cộng tác thêm của các chuyên gia hàng đầu thế giới về chẩn đoán và điều trị để có thể dạy máy điều chỉnh dần các năng lực này, các phương tiện này trong tương lai chắc chắn sẽ dần thay thế các chuyên gia mà kiến thức, trải nghiệm lâm sàng, và khả năng phán đoán chuyên môn còn giới hạn.
Việc con người nhìn vào một màn hình để tìm kiếm câu trả lời cho bản thân chắc chắn sẽ khác khi họ nhìn vào mắt một con người để kết nối. Cũng có một số bạn, cả già lẫn trẻ, vẫn tìm được niềm vui và thậm chí bớt cô đơn trong việc đùa giỡn với một cái máy biết trả lời, mặc dù rất ngô nghê, những câu hỏi tinh nghịch. Nhưng nếu trong tương lai bạn nhìn vào một người máy với kết cấu 640 bắp thịt toàn thân và 43 bắp thịt giả trên mặt, cũng như da thịt bằng những nguyên liệu có màu sắc, độ đàn hồi, và phản quang tương tự như người thì không biết lúc đó chúng ta có tránh được việc nhân cách hóa [anthropomorphize] chúng không mặc dù chúng ta vẫn biết đó là máy. Do đó, chắc chắn những điều này sẽ khiến tiến trình được chữa lành những rối loạn tâm lý của chúng ta rất thú vị để nghiên cứu.
Ngân Hà thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này