
09:45 - 03/09/2022
Sài Gòn một thuở Giày tây đàn ông khởi đầu
Có lẽ thời điểm giày da kiểu phương Tây cho nam giới ở miền Nam bắt đầu phổ biến là đầu thập niên 1920. Trước đó, loại giày được mang phổ biến là giày hàm ếch, giày Gia Định và giày “mạ mị”, bằng da hoặc nhung.
Giày hàm ếch có quai đóng bít phía mũi trông giống như hàm con ếch. Giày “mạ mị” của người Hoa có chạy hai lằn chỉ đệm to phía mũi giày ngược lên.Giày Gia Định hơi giống giày bây giờ, mũi nhọn. Giày này thành thương hiệu được ưa chuộng ra tới miền Bắc. Theo Hoàng Đạo Thúy trong cuốn Hà Nội thanh lịch, khoảng năm 1912, các ông ở Hà Nội khi ở nhà thì đi giày da lộn và “khi ra phố thì dận giày Gia Định. Giày Gia Định mũi bằng da láng. Giày Gia Định trở thành biểu tượng của người lịch sự.Mấy công tử nhà quê, cũng sắm một đôi, khi đi cày buộc vào bắp cày, đến ruộng thì đặt ở bờ ruộng, cho là giá trị”.
Năm 1932, đã có tiệm đóng giày Bảo Hòa ở số 150 đường d’Espagne, số 150 (sau Chợ Bến Thành) quảng cáo trên báo có làm đủ kiểu giày đá banh mà “các nhà mộ thể thao nhiều người mua dùng đều công nhận rẻ, tốt và bền”. Nên nhớ lúc đó môn thể thao đá banh mới phát triển không lâu.
Giày đã trở thành món hàng ưa thích nên thời Pháp thuộc đã có những hoạt động quảng cáo, như treo biển quảng cáo giày Bata khắp các đường phố trung tâm. Ban đầu, khoảng năm 1932 ở Sài Gòn chỉ mới có một tiệm bán giày hiệu Bata nhưng cũng đủ làm cho các tiệm giày Tây và giày Nam (giày theo kiểu xưa) bị ế ẩm, than thở om sòm. Các tiệm giày Tây bèn kêu nài với Chính phủ, nên một thời gian ngắn sau, chính phủ thuộc địa đã đưa cho ban thường trực của Hội đồng Quản hạt chuẩn y cái nghị án tăng thuế nhập cảng giày và đồ da của ngoại quốc đem vô. Do việc tăng thuế này, nhà bán giày Bata chịu ảnh hưởng mạnh, bán giá cao hơn nên bị ế, phải bớt số người làm từ 11 còn 4 người. Tuy nhiên, đó là khó khăn nhất thời của đại công ty toàn cầu này. Chỉ một thời gian sau, số lượng các tiệm giày Bata phát triển ngày càng mạnh khắp Đông Dương. Năm năm sau, vào tháng 2 năm 1937, ông chủ hãng giày Bata người Tiệp Khắc được các báo thời đó như Sài Gòn, Phụ nữ Tân văn, Điện Tín gọi là “vua giày” đến Sài Gòn bằng máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt. Báo chí mô tả ông là người to lớn mập mạnh, còn trẻ, mình bận một bộ palm-beach bình thường, mặt tròn vin, vui vẻ bước ra khỏi máy bay. Đón tiếp ông toàn là các vị tai to mặt lớn như ông chủ tỉnh Gia Định Berland thay mặt quan thống đốc, ông Richet chủ hãng Air France, ông d’Or, quan tư cai quản sân máy bay, ông Ganuay, tổng thanh tra nhà băng Đông Pháp, ông Kresser, phó tham biện, v.v. Trong chuyến này, ông vua giày viếng những cửa hàng bán giày của ông ta ở Đông Dương. Sau khi làm việc ở Sài Gòn, ông đã bay ra Vinh và Bắc Kỳ trên chiếc máy bay riêng có đem theo 12 người thư ký làm việc luôn trên máy bay. Thị trường Đông Dương đã trở thành quan trọng đủ để vua giày Bata để mắt tới như vậy.
Lúc đó, có cầu ắt có cung. Một số thợ thủ công Bắc kỳ thạo nghề đóng giày đã đi vào Nam hành nghề khi nhận thấy đây là thị trường dễ làm ăn. Bác Phú, năm nay 86 tuổi đang sống ở nước ngoài, gia đình có tiệm giày từ năm 1930 ở chợ Bến Thành là nhân chứng sống về nghề đóng giày những năm 1930 tại Sài Gòn. Bác Phú kể:
“Theo tôi, nghề đóng giày thủ công từ ngoài Bắc vô Nam từ trước thập kỷ 1930.Hồi còn nhỏ, từ thập niên 1930, tôi đã từng sống bên cạnh những người thợ đóng giày này. Năm 1936, khi tôi chào đời tại Sài Gòn thì đã có gần như cả một dãy phố trên đường Espagne, gần ngã tư Espagne – Pellerin (nay là Lê Thánh Tôn – Lê Lợi) chuyên sản xuất giày thủ công. Khi đó gia đình bên nội tôi sống trong con hẻm cách rạp chiếu bóng Casino Sài Gòn khoảng 100 mét. Con hẻm này ăn thông ra mặt tiền đường Espagne. Trong hẻm này có một dãy nhà khoảng chục căn, nhà tôi có một căn. Trong hẻm có khá nhiều thợ đóng giày thủ công cư ngụ trong mấy xưởng đóng giày.Mỗi xưởng có hai mươi, ba mươi thợ người Bắc, vừa sản xuất giày vừa cư ngụ tại đó. Do các xưởng giày đó chỉ cách nhà nội tôi độ ba căn nhà nên ngày ngày tôi cùng các con cháu của các chú thợ chơi ở sân xưởng, lúc thì bắn đạn bi, đá lon, bịt mắt bắt dê, nhảy cò cò… Các xưởng thợ này được bố trí như sau: phân nửa phía ngoài có hai dãy bàn thấp hai bên, thợ đóng giày ngồi trên chiếc ghế xếp thấp tương đương với bàn, trên bàn là dụng cụ sản xuất gồm kềm, búa đinh, khuôn giày… và các bán thành phẩm đã qua khâu cắt may ở phía trong. Gian giữa của xưởng là nơi đặt các máy may và bàn cắt da. Trong cùng là các sạp hai bên để thợ ngủ, nghỉ.Những ngày trời nóng bức, họ căng bạt ngoài sân rồi kéo nhau ra đó làm việc.Hẻm còn có mấy xưởng gia đình, chỉ gồm những người trong gia đình hành nghề.Sản phẩm được bày bán ngoài mặt tiền đường Espagne. Tối đến các chú thợ, những chàng trai Bắc kỳ ấy cũng có những trò giải trí, nào là đánh cờ tướng, chơi bài cắc-tê, ca hát. Do gần rạp Casino Sài Gòn nên họ cũng có lúc xếp hàng mua vé đi coi phim hay ca nhạc.Tôi cũng tham gia xếp hàng mua vé, khi có đoàn nhạc yêu thích là giá vé gấp đôi nhưng khán giả vẫn xếp hàng dài dài.
Các cơ sở đóng giày này cung cấp cho các cửa hàng bán giày trong đó mẹ tôi cũng là một khách hàng của họ. Giày đóng để bán, thường giá rẻ hơn giày đóng do khách đo chân đặt hàng từ các nơi bán, rồi giao lại cho xưởng các kích thước đặt hàng. Xưởng theo đó mà làm cho khách. Hồi đó cửa hàng bán giày dép của mẹ trước năm 1945 khá bề thế, chuyên bán giày sản xuất thủ công và những đôi dép “tân thời” cho giới giàu sang, có những đôi hàng trăm đồng Đông Dương.
Khoảng thập niên 2000, có dịp về thăm quê hương, tôi thường đến các tiệm giày ở đường Lê Thánh Tôn mua giày. Vào một tiệm quen biết từ khi còn là chú bé mấy tuổi, tôi hỏi cô chủ cửa hàng: “Cháu có biết ông Chố là thợ đóng giày nổi tiếng trên con đường này và cũng là người từng ở trong cửa tiệm này không?” (Ông nổi tiếng trong khu xưởng hồi 1940 – 1945). Cô chủ trả lời ông Chố là ông nội chồng của cô, cũng là chủ cửa hàng này từ lâu, nhưng đã qua đời từ lâu.
Theo lời cô chủ cửa hàng này thì các thợ giày từ phía sau căn nhà này đã tứ tán các nơi trong thành phố này, có nhiều người thành đạt và cũng có nhiều người đến khi mãn phần vẫn chỉ là người thợ. Như vậy, theo tôi những thợ đóng giày thủ công nổi tiếng ở Sài Gòn chính là nằm trong số thợ này. Cũng chính họ ngày xưa đã giới thiệu cho mẹ tôi ra Hà Nội đặt mua những đôi giày đẹp của Hà thành về bán ở chợ Bến Thành”.
Đến năm 1954 thì giày Tây là vật dụng phổ thông khắp các miền.Giày gồm ba loại chủ yếu là giày da, giày vải bố để chơi thể thao, tập thể dục thường gọi là giày “ba ta” và xăng đan. Sau 1954 còn có nhiều loại giày nhập cảng, nhất là của Ý. Trước năm 1975, ở đường Lê Thánh Tôn, tiệm giày Trần Rắc và tiệm giày Hà Nội gần góc Pasteur phía bên trái rất nổi tiếng. Trên đường này, lúc giáp tết, có lệ là các tiệm đổ giày ra lề đường bán “xôn” từ đường Công Lý vòng qua Pasteur tới ngõ vô phở Minh. Đến năm 1978, các tiệm giày ở đây bị xếp loại tư sản thương nghiệp nên nhiều chủ tiệm lâu đời ở đây lần lượt bỏ nghề ra nước ngoài. Đến thập niên 1990 mới phục hồi lại phố giày nhưng đa phần đã đổi chủ, trừ một số ít con cháu của chủ cũ.
Phạm Công Luận (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này