
09:40 - 25/03/2023
Sách mới: ‘3.000 ngày trên đất Nhật’ và ‘Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX’
Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982, xuất thân là một nhà giáo nhưng với số vốn 8 năm ở nước Nhật, Vương đã trở về Việt Nam tiếp tục làm giảng viên một thời gian thì anh nghỉ hẳn, trở thành một dịch giả tự do và viết sách.
Viết tự truyện ở tuổi 40 quả là một sự dũng cảm. Nhưng độc giả sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng chỉ trong vòng 10 năm đến nay Vương đã dịch và viết hơn 80 tác phẩm ở các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, văn chương… Với lối kể chuyện chân thật và giản dị, tác giả còn mang lại một cảm giác thật gần gũi và ấm áp với tính cách và văn hóa Nhật Bản- một trong những nền đã tạo ra những con người đầy tình thương yêu và luôn đề cao tinh thần trách nhiệm lên trên mọi lý lẽ.
Tất nhiên, mọi sự trưởng thành nào cũng phải trả giá để làm con người đúng nghĩa, “Nhưng 3000 ngày ấy cũng đem lại cho tôi những trải nghiệm phong phú trong nhiều không gian khác nhau từ giảng đường đại học tới trại giam, nhà máy, công trường, bốc vác… Nó đã khiến tôi lớn lên trong nhận thức.Tôi đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lớn về tư duy và lẽ sống mà tôi đã vấp phải sau khi tốt nghiệp đại học.Với tôi, đây là một sự giác ngộ”, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ về cuốn sách tự truyện của ông.
Cuốn sách kết thúc ở trang 384, nhưng dường như tác giả còn muốn viết tiếp, và cũng đã hứa hẹn viết tiếp những năm tháng trở về Việt Nam.Tuy nhiên, ông mở lời với độc giả của mình rằng ông muốn lắng nghe sự đồng cảm và cả không hài lòng của họ đối với cuốn sách của ông. Tuy rằng chưa bao giờ ông tự nhận mình là một nhà văn, nhưng với các tập tản văn “Mùi cố hương”, và một số tập thơ đã xuất bản, xem ra ông đã bén mùi văn chương nặng duyên nghiệp viết rồi.
Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX
Cuốn sách là công trình nghiên cứu nghệ thuật của tác giả Trần Minh Nhựt tập trung vào khảo cứu bộ tác phẩm nghệ thuật công phu “Grande Tenue de la Cour d’Annam” (tạm dịch Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, nhằm giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc trưng, hay sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông – Tây đầu thế kỷ XX. Qua đó, tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân; củng cố và đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi soi chiếu đến trang phục triều Nguyễn, đồng thời đề cao những đóng góp của họa sĩ cho nền mỹ thuật nước nhà. Bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12 năm 1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1×31,8cm đóng thành một cuốn album, hiện đang thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore. Sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh quý minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX cũng đã được in ấn đẹp mắt và trang trọng theo đúng nguyên bản từ ảnh chụp kỹ thuật số sắc nét của National Gallery Singapore.
Kết quả nghiên cứu được chỉ ra trong phần nội dung của quyển sách với kết cấu 5 chương: Chương 1: Một số vấn đề về tác giả – tác phẩm “Grande Tenue de la Cour d’Annam”. Chương 2: Ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ – Phân tích mỹ thuật học. Chương 3: Nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây. Chương 4: Các giá trị của bộ tranh minh họa “Grande Tenue de la Cour d’Annam”. Chương 5: Vị thế tác giả Nguyễn Văn Nhân: Những đóng góp cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam
Tác giả đã dành một phần chia sẻ hành trình đi tìm lời giải về thân thế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân; đồng thời tái hiện thành công hoàn cảnh ra đời bộ tranh, hành trình lưu lạc, quá trình anh tiếp cận bộ tranh quý giá “Grande Tenue de la Cour d’Annam” hiện đang được lưu giữ ở Singapore.
Bên cạnh đó, nhờ có bộ tranh mà ngày nay chúng ta mới được chiêm ngưỡng lịch sử nghệ thuật của triều Nguyễn qua nghệ thuật tạo tác áo mũ, nghệ thuật thêu thùa, nghệ thuật thư họa, hay các nghi lễ trong hoàng cung.
Đặc biệt, bộ tranh còn phản ánh văn hóa mặc và một số khía cạnh phổ quát về triều đình Huế, hay một xã hội An Nam trong thời kỳ đầu tiếp cận nghệ thuật phương Tây.
“Đứng trước thành tựu còn hạn chế về tranh minh họa thời cận – hiện đại, tác phẩm của ông trở thành một mảnh ghép quan trọng mới cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam từng một thời rực rỡ. Phía sau bộ tranh ấy là cả một nền văn hóa áo mũ tuyệt vời”, tác giả cuốn sách nhận định.
Chân Khanh giới thiệu (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này