
09:13 - 05/12/2022
NSƯT Hạnh Thúy: Rực rỡ từ tro tàn
“Điên nữ” hoá ra là một thuật ngữ thịnh hành trong giới điện ảnh quốc tế. Và với vai diễn “bà Loan khùng” trong Tro tàn rực rỡ (Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Thạc Chuyên), đại sứ Hàng Việt – Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thuý đã chạm đến đỉnh cao của thể loại vai diễn đặc biệt này: xấu xí mà bao dung, khùng điên mà nhân ái, và hồn nhiên bước đi trong thế giới nhiều đoạ đày…
Một “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” Việt Nam
Cái cảm giác mênh mang, chênh vênh khi xem “Tro tàn rực rỡ” có phần nào giống “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” gây sốt phòng vé toàn cầu vừa qua. Đó là câu chuyện của những thân phận con người dường như sống tách biệt khỏi thế giới ồn ào náo nhiệt, với những thân phận, nỗi đau của một kiếp người.
Miền Tây hiện lên, vẫn là cái bàng bạc nghèo khó quen thuộc như những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, nay được thể hiện một cách mới mẻ và chân thực hơn. Chuyện cũng không có gì: 3 người phụ nữ với ba cuộc đời không biết ai khổ hơn ai. Một cô gái chọn cưới người mình yêu để rồi con chết đuối chồng hoá điên. Một người phụ nữ lấy người không yêu mình để sống quạnh quẽ độc thoại một mình mà nuôi con. Và một cô bé bị hãm hiếp, bị vùi xuống bùn đến dở tỉnh dở mê suốt cả cuộc đời…
Loan là cô gái tưởng chừng bạc phước nhất. Nhưng lại là điểm sáng nhất của Tro tàn rực rỡ. Bởi cô đại diện cho trái tim nhân ái, tấm lòng khoáng đạt của người miền Tây mênh mông như sông nước Cửu Long.
Ngày kẻ hại đời Loan quay về, làng xóm ngỡ chị sẽ hóa điên, sẽ xé xác hắn cho hả giận. Nhưng người đàn bà, bị giằng xé giữa mối hận thù cô không còn nhớ rõ và nỗi cô đơn lẻ bóng gặm nhấm tâm can từng ngày, đã không thể cưỡng lại ước mơ về một hạnh phúc lứa đôi. Ảo mộng ấy được chị xây dựng trên chính đám tro tàn của quá khứ đau thương, với kẻ từng một lần hại mình suýt chết.
Thắng giải nghệ thuật quốc tế và thắng giải… người xem
Tôi mua vé suất 14h ở CGV gần nhà. Ngạc nhiên là rất nhiều bạn trẻ đi xem phim 1 mình. Ngạc nhiên hơn là khán giả ngồi lại rất lâu khi bộ phim đã hết, có lẽ ai cũng cần thời gian để quay lại với thực tại sau một chuyến phiêu du đầy đủ về sông nước miền Tây của làng Thơm Rơm. Tôi không hiểu ban giám khảo của các liên hoan phim quốc tế chấm Tro tàn rực rỡ hạng nhất có hiểu hết các thông điệp về mùi hương, màu sắc và âm nhạc mà bộ phim đã mang đến hay không, nhưng điều hạnh phúc là một phim nghệ thuật Việt Nam lại có suất chiếu áp đảo như một phim bom tấn Hollywood: cứ cách mỗi giờ lại có một suất chiếu. Và điều này khẳng định một điều giản đơn mà vô cùng khó khăn: nhà phát hành và khán giả đã chọn Tro tàn rực rỡ.
Bộ phim đẹp, buồn mà không bi luỵ. Quan trọng nhất, là nó không gồng gánh quá nhiều những thông điệp này nọ, chỉ để những khung hình đẹp lạ lùng lột tả cái đẹp của củi mục trôi về: là cảnh cô gái dỡ mái tôn nhà mình rồi cùng xóm làng dựng lại ngôi nhà đã cháy của một kẻ đã đánh cắp trái tim người chồng, là cảnh bà Loan khùng một mình chống lửa khi làng xóm đã nguội lạnh đứng nhìn, là mớ tro tàn của căn nhà cháy một ngày một ít đi.
Một thành viên của đoàn làm phim nói, cũng mong phim được khán giả mua vé để không bị lỗ. Và tôi tin rằng, với sự tử tế tột bật của những người đứng sau máy quay lẫn tài năng sống cùng nhân vật của những người thể hiện câu chuyện trên màn ảnh, Tro tàn rực rỡ xứng đáng được nhận giải thưởng cao nhất từ công chúng: mua vé vào rạp để sống 120 phút một cuộc đời rực rỡ của tro tàn.
Bung Trần (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này