
08:53 - 07/07/2019
Lon gạo cho người ăn xin
Hồi nhỏ, tôi là đứa ham chơi vô tư “thấy ớn” – nói theo ngôn ngữ bây giờ. Cha mẹ cũng không vì thế mà la rầy, chỉ là dặn tôi “làm bài tập hết rồi thì tha hồ chơi”.
Vì ham chơi nên tôi cũng lang thang đầu đường cuối xóm gặp nhiều cảnh đời nghèo khó. Ngay cả nhà sát bên cạnh cũng có một bầy trẻ mặc quần áo phần lớn là rách rưới, tôi len lén lấy áo quần của chị gái cho mấy đứa bạn nghèo của mình, bị chị la quá trời nhưng lỡ cho rồi cũng chẳng lấy lại được. Nhà tôi cũng không dư dả gì, bản thân tôi cũng mặc quần áo dư thừa của các chị để lại.Từ nhỏ đến năm mười tuổi, kể cả tết chưa bao giờ tôi có một bộ đồ mới.Nhưng thay vì lấy trộm, giờ tôi xin.Các chị cho thì tôi lấy cho bạn nghèo và không bị la nữa. Tự tôi rút ra cho mình một bài học: cứ thẳng thắn mà nói lẽ phải thôi. Làm điều trái mới sợ, chớ điều phải thì cứ đường hoàng.
Thế rồi một hôm cả nhà đang ăn cơm, mẹ tôi hỏi: “Có đứa nào ăn trộm gạo đem bán không mà hũ gạo nhà mình mẹ mới đem về 5 ký có hai ngày đã vơi hơn nửa?” Các chị đều nói không ai làm thế cả. Cuối cùng tôi phải thú nhận: “Dạ thưa mẹ, con không lấy gạo đem bán mà cho mấy bác ăn xin. Ngày nào cũng có người đi ngang qua nhà xin chút gì ăn vì đói. Con xúc cho họ có một lon gạo thôi!”. Các chị quay lại nhìn tôi như muốn la lên, nhưng mẹ tôi nói: “Các con ăn cơm đi. Đừng la em”.Ăn cơm xong, mẹ nói cả nhà ngồi lại và từ tốn quay sang nói với tôi: “Mẹ không mắng con vì việc con cho người nghèo. Nhưng mẹ nhắc con điều này, nhà mình cũng nghèo, ba mẹ làm việc vất vả cũng chỉ đủ sống mà tìm cách nuôi các con ăn học nên người. Vì vậy, sau này, khi con đã thành đạt, nếu có dư tiền thì hãy lấy tiền của mình mua gạo giúp cho người nghèo. Con nhớ nhé, hãy lấy tiền do công sức của mình làm ra để giúp người khác!”
Tôi lặng đi một hồi. Đứa bé mười tuổi năm xưa nhớ nằm lòng câu nói của mẹ.
Ngày hôm sau, cánh cửa nhà tôi lại hé mở chỉ có một khe sáng, những bàn tay cáu bẩn, run rẩy thò vào xin một lon gạo, tôi đặt vào đấy đồng xu của ba cho tôi xin được tối hôm qua. Lòng nhủ thầm: “Con xin lỗi, đợi khi nào con lớn đi làm có tiền sẽ mua gạo giúp ông!”
Bây giờ, với con cái mình, lâu lâu tôi lại kể chuyện đó. Từ nhỏ, dắt con đi chùa mang theo gạo góp cho hội từ thiện của chùa, tôi nói con mình: “Mẹ góp gạo, con góp sức. Con đem gạo vô chùa, rồi phụ các anh chị chia thành bịch, giúp các anh chị phân phát cho người nghèo. Sau này lớn lên thành đạt, nếu giàu có thì xây ngôi nhà nhỏ cho người cơ nhỡ, bất hạnh hay trường học cho trẻ em không may mắn sinh ra ở nơi khốn khó. Nếu không giàu có thì tìm cách giúp đỡ họ bằng công sức của mình.Dẫu sao, việc giúp người khác chính là nuôi dưỡng nhân cách, biết sống vì người khác là để luôn ý thức về sự lương thiện mà tránh không làm việc ác”.
Tôi mang lời dạy của mẹ theo suốt những năm tháng khốn khó của mình, cả vật chất lẫn tinh thần, lời dạy ấy không chỉ là câu chuyện về việc chia sẻ như thế nào với tha nhân, mà chính là bài học về trách nhiệm cuộc đời, với chính mình.
Thái Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này