
09:48 - 25/03/2023
Kim Tuấn – thời của trái tim hồng
Đầu thập niên 1990, tôi về dạy ở trường THCS Chi Lăng, quận 4 và phụ trách thêm ban văn nghệ. Một sáng, anh bạn trong tổ Văn tìm tôi và nói: “Sắp tới tổ làm chuyên đề, thầy giúp một tiết mục văn nghệ nha!” Tôi vui vẻ nhận lời. Anh nói thêm: “Hôm đó có thầy Khuê nữa”.
Thầy Khuê là ai?” – tôi hỏi. Anh đáp: “Thầy Khuê là Kim Tuấn, tác giả thơ của mấy bài hát, Anh cho em mùa Xuân, Những bước chân âm thầm”. Tôi nói: “Ồ, vậy càng phải đi!”.
“Hoa vông rừng tuyết trắng”
Buổi chuyên đề đó, tôi thấy thầy Khuê đi cùng mấy bạn văn của ông. Khi đó ông chưa tới tuổi sáu mươi, dáng người đậm, hơi thấp, da ngăm và có nụ cười hiền lành. Sau khi cô giáo hát “Anh cho em mùa Xuân”, nhạc Nguyễn Hiền, thầy Khuê – thi sĩ Kim Tuấn, lên nói đôi lời tâm tình. Ông kể vài chuyện nhưng nhớ nhất là chuyện về bài “Anh cho em mùa Xuân”, là từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” bị hát sai chỗ “Đất mẹ gầy có lúa” thành “Đất mẹ gầy cỏ lúa”. Ông giải thích: “Đất mẹ gầy có lúa” là ước mong quê nhà Hà Tĩnh được ấm no. Ông nói tiếp, “Những bước chân âm thầm”, nhạc Y Vân, là từ bài thơ “Kỷ niệm”, câu thứ hai bị hát sai: “Hoa vông rừng tuyết trắng” thành “Hoa vòng rừng tuyết trắng” rất tối nghĩa. Ông kể: “Hồi ở Pleiku, thấy mấy cây vông rừng cũng là loại cây gòn, khi trái chín, vỏ nứt ra, bông trắng theo gió bay lả tả, rồi rơi xuống giống như tuyết trắng nên tôi viết vậy. Giải thích xong, ông nói nhẹ: “Sai do lỗi morat!”. Thật hiền!
Cuối buổi, mấy vị khách và thầy cô ngồi lại trà nước, chuyện trò. Thầy Khuê bắt tay tôi, nói: “Lúc nãy, em hát ca khúc em viết nghe được lắm đó!”. Tôi cám ơn, và từ đó mở ra mối giao tình giữa thi sĩ Kim Tuấn và tôi.
Sau lần gặp ấy, tôi biết thầy anh là Hiệu trưởng trường Anh ngữ và dạy nghề Thăng Long, trường nhỏ nằm phía sau trường Chi Lăng nơi tôi dạy, có cửa thông qua trường tôi. Trường Thăng Long của ông được Hội đồng Anh tài trợ, dạy nghề và dạy tiếng Anh cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ.
Thời của trái tim hồng
Trong tập thơ Kim Tuấn – Thời của trái tim hồng có bài:
Tháng giêng Sài Gòn anh làm thơ yêu em
Buổi chiều mù mưa bay xa trời thành phố
Tháng giêng Sài Gòn – nỗi lòng anh thế đó
Rất nồng nàn, khi nghĩ đến em yêu …
Tháng giêng Sài Gòn anh làm thơ yêu em, Kim Tuấn ghi ngày 18/01/1984, có thể xem là cột mốc đánh dấu sự trở lại của ông sau nhiều năm gần như gác bút.
Anh kể: “Sau 1975, gần 9 năm, anh chỉ viết vài bài đăng báo. Dần dà, được sự khích lệ từ bạn bè, anh mới ra mắt tập Thời của trái tim hồng (1990) và nhờ Trịnh Công Sơn vẽ tranh bìa, Sơn là bạn anh thời “Biển nhớ” ở Quy Nhơn.”
Thời của trái tim hồng gồm 30 bài xem như kết quả của hơn 30 năm làm thơ của tác giả, đó là những bài đã đăng trước năm 1975 và những bài mới viết. Trong lời bạt “Đôi điều với bạn yêu thơ”, ông viết: “Nếu thơ là tiếng nói, thì nó là tiếng nói câm giữa cuộc đời thường. Có điều, thơ là tiếng nói lớn – theo tôi nghĩ – bởi đó, là tiếng nói tự đáy sâu thẳm của tâm hồn”. Có lẽ vì thế, thơ Kim Tuấn rất gần gũi với bạn đọc, giàu nhạc tính nên nhiều nhạc sĩ chọn phổ nhạc và phổ biến rộng rãi.
Mùa xuân qua đây
Chiều nọ, tôi vào Chi Lăng, thấy anh Kim Tuấn lững thững đi dọc sân trường, tôi ngỏ ý mời anh vào căn-tin. Ngồi xuống, tôi khoe ngay: “May quá gặp anh, em mới phổ xong bài Mùa xuân qua đây trong tập Thời của trái tim hồng. Em có thêm mấy từ và đảo chỗ vài câu”. Đọc bản thảo, anh nói: “Có nét mới, cho phép nhạc sĩ sáng tạo”. Do không sẵn đàn, tôi hát mộc – acapella, không nhạc đệm cho anh nghe. Nghe xong, anh nói: “Giai điệu lắng đọng”. Và anh kể: “Hồi trẻ anh đi lính, Tết xa nhà buồn lắm, nhớ gia đình, nhớ người yêu, nên có câu: “Mùa xuân về nhà… Ngập ngừng đôi cánh. Bay qua – bay qua. Nhớ em vơi đầy…” và dặn khi nào thu vô cassette thì gửi cho anh. Thời đó còn khó khăn nên tôi không thực hiện được theo yêu cầu của anh nhưng có lẽ anh hiểu vì có lần tôi đọc những lời anh viết: “Về sau này, một số người viết nhạc lấy thơ của tôi phổ nhạc, nhưng rồi thơ vẫn nằm yên trên những bản ký âm. Dẫu sao thì tôi vẫn xin cảm ơn những tấm lòng yêu mến đối với thơ”.
Anh luôn chân thành với bạn bè
Một buổi sáng năm 2003, tôi nhận được tin nhắn của đồng nghiệp báo tin thầy Khuê mất, tôi bất ngờ và hụt hẫng. Đến Nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, ra tiếp tôi là cô em họ của thầy mời vào thắp hương. Tôi được chị kể: “Tối hôm kia, sau khi tham dự Buổi phát quà Trung thu cho trẻ em ở trường Thăng Long. Anh về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đến bệnh viện”.
Lâu năm sống ở quận Cảng (từ của anh Khuê chỉ quận tư), anh sống chân tình với mọi người nên được mọi người quý mến. Lúc thắp hương, tôi tạ lỗi với anh vì chưa làm bản thu tặng anh. Giờ, tôi sẽ làm điều đó để vần thơ Kim Tuấn vọng vào thinh không, nhờ gió, mây gửi đến anh nơi miền miên viễn xa xăm.
Mùa xuân qua đây
Chiều trên phố này
Em về với nắng
Thương tà áo bay …
Kim Tuấn (1938 – 2003) tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, ông sinh tại Huế nhưng quê nhà ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thuở nhỏ cậu bé Vĩnh Khuê sống cùng gia đình ở Phan Thiết, lớn lên vào Sài Gòn học. Ông từng làm thông dịch viên tiếng Anh trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa và làm phóng viên, ký với bút danh Vĩnh Khuê. Kim Tuấn làm thơ khi mới 13 tuổi, có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960.
Tác phẩm đã in: Hoa mười phương, in chung 13 tác giả (1959), Ngàn thương, in chung với Định Giang (1961), Dấu bụi hồng (1971), Thơ Kim Tuấn 1962 – 1972 (1974). Thời của trái tim hồng (1990) NXB Tổng hợp Sông Bé, Tuổi phượng hồng (1991) NXB Trẻ, Tạ tình phương Nam (1994) NXB Trẻ, Thơ Lý và thơ ngắn (2002) NXB Văn Nghệ TP.HCM.
Thơ được phổ nhạc trước năm 1975: Nụ hoa vàng ngày xuân – Anh cho em mùa xuân, nhạc Nguyễn Hiền; Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm, nhạc Y Vân; Những điều ghi trong giấc ngủ – Khi tôi về, nhạc Phạm Duy; Khi xa Sài Gòn – Khi xa Sài Gòn, nhạc Lê Uyên Phương.
Hoàng Phương Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này