
08:59 - 07/07/2019
Khoảng lặng: Khỉ đại khái
Chị không rành, mãi mãi không rành khỉ macaque hay sapajou; nhưng biết chắc chúng khác nhau, dù trên phim hai đứa đảm một vai.
Lâu rồi, dịch giả – nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi viết mail cho chị, nói cu Kiên, con Thi, trêu Thi: “Mẹ cái gì cũng nói chung chung. Hai con khỉ trong phim Gánh xiếc rong của bác Việt Linh, một con là macaque, một con là sapajou. Thằng này nó mê động vật, biết chính xác từng tên và đặc điểm của các loại chim, rắn, cá… Nó có hàng đống từ điển, sách, phim về các thể loại. Rất sớm nó đã phát hiện mẹ nó nói riêng và người Việt nói chung rất ú ớ về lĩnh vực này. Lúc nó sáu tuổi, em dạy nó con cá voi và con cá heo, nó cười vỡ bụng: “Hai con này thuộc loại động vật có vú, chứ không liên quan gì đến cá đâu, dù sống ở trong nước”. Đúng là tiếng Việt mình khoản này rất chung chung. Em bây giờ dạy tiếng Việt và dịch, mới có nhiều dịp suy nghĩ về tiếng mẹ đẻ. Ví dụ, nếu phải dịch câu “cô gái mặc váy xanh” là không thể. Vì “váy” trong tiếng Pháp phải chọn giữa robe và jupe. Từ “xanh” cũng thế. Bleu hay vert? Hay câu “Có con gà chạy trong sân”. Người Tây phải nói coq hay poule”.
Chị không rành, mãi mãi không rành khỉ macaque hay sapajou; nhưng biết chắc chúng khác nhau, dù trên phim hai đứa đảm một vai. Chuyện là cảnh ngoại quay ở Phan Rang, còn cảnh nội quay ở… phim trường hãng phim Giải phóng! Con khỉ con dễ thương ở Phan Rang bỗng dưng chết trước khi hoàn thành vai diễn ở Sài Gòn. Các bạn đạo cụ nhanh chóng tìm ra con khỉ bé tương tự. Đạo diễn cứ thế yên tâm quay, dù thấy chúng khang khác. Mọi thứ êm xuôi, phim nhận kha khá giải; cho tới lúc “cu Kiên” nói ra cái khiếm khuyết… đại thể!
Dĩ nhiên chị có thể chống chế không đúng chuyên môn, rằng khỉ nhiều giống, sao biết hết; nhưng từ chuyện khỉ thế thân, chị nhận ra người ta dễ sai sót hồn nhiên khi thiếu kiến thức. Hồi những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam có phim cổ trang đoạt giải quốc gia cao. Trong đó có cảnh bà mẹ quấn nhiều vòng vải trắng quanh bụng con gái trước khi thiếu nữ đi xa. Vải trắng dài, diễn viên mởn, máy quay mướt…; tất cả tạo nên một phân cảnh thẩm mỹ cao, ấn tượng mạnh. Hỏi đạo diễn ý nghĩa việc quấn vải, anh nói đơn giản kịch bản viết vậy và thấy đẹp nên… làm. Trên thực tế truyền sử, để phòng ngừa bị hãm hiếp, phụ nữ cổ khi đi xa đều quấn vải quanh chỗ kín – không phải quanh bụng – để kẻ ác mất thời gian, nạn nhân có cơ hội chống trả/kêu cứu!
Vậy đó, nói hay không, sớm hay trễ, tất cả sai sót tri thức rồi cũng bị phác giác.
Việt Linh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này