
11:42 - 25/11/2016
Con đường về nhà, là quê hương
Tập sách Đường về núi cũ chùa xưa của sư thầy Thích Phước An, như một cuốn “Kinh sử” của Người Việt.
15 bài viết khảo luận trong tập sách này như những tâm tình của một Con Người nhìn thời cuộc qua vạn biến lịch sử được khắc dấu trong những tên tuổi ghi lại với non sông gấm vóc, như giây phút đĩnh ngộ của một thiền sư đã tìm đến bến bờ tâm linh nước Việt.
Điều mà tác giả Thích Phước An đã dày công biết bao năm tháng để viết tập sách này, vì muốn giữ lại giá trị Việt từ những Danh nhân trong tập sách, đề cao trước nhất chính là tấm lòng của những bậc chân tu có trí huệ luôn thương thân phận dân Việt đã, đang và sẽ tiếp tục vượt lên trước bao oan nghiệt của thời cuộc đi qua, với hằng hà sa số kiếp nạn, mà chỉ mong một ngày nước Việt được bình an.
TGTT xin trân trọng giới thiệu bài mở đầu của tập sách chính là trọn vẹn toàn bộ ý nghĩa mà cuốn sách muốn đem đến cho bạn đọc.
Trong tác phẩm Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, người Ái Nhĩ Lan được giải thưởng Nobel Văn chương vào năm 1995, Phạm Công Thiện đã viết một câu đầy xúc động:
“Con người chỉ biết lắng nghe, khi con người nghe được tiếng nói thì thầm của tổ tiên mình đồng vọng từ bao nhiêu ngàn năm, từ suối nguồn cao cho đến cơn gió vèo, qua rặng lau sậy dưới bãi biển chiều nay. Chiều hôm nay là tất cả những chiều trên mặt đất…”
Phạm Công Thiện mà gần hết cuộc đời đều lang bạt kỳ hồ ở xứ người và quan trọng hơn nữa là trên 40 tác phẩm còn để lại (cả dịch lẫn sáng tác) hầu hết đều viết về các nhà thơ, nhà văn cùng các triết gia Tây phương. Bởi vậy cho nên, câu vừa trích dẫn trên đáng được để chúng ta suy nghĩ.
Tôi khởi sự viết tập sách này vào những năm cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong những năm tháng như dài lê thê ấy, tôi chỉ còn biết an ủi duy nhất là “lắng nghe tiếng nói thì thầm của tổ tiên mình vọng lại từ bao nhiêu nghìn năm”.
Nhưng thông điệp mà tổ tiên đã để lại chúng ta là gì? Theo tôi, chỉ có ba điều giản dị như sau:
Thứ nhất là, hãy yêu quê hương đất nước, mà trước tiên là phải thấy được cái đẹp vô cùng đơn sơ mộc mạc của cánh đồng lúa xanh, của đàn cò trắng, của những đứa trẻ mục đồng lùa trâu về chuồng, trên những con đường làng yên ả trong bóng chiều tà. Như bài thơ Ngắm cảnh chiều tà trên phủ Thiên Trường (Thiên Trường vãn vọng) của Trần Nhân Tông:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Thôn trước thôn sau, đều mờ mờ như khói phủ
Bên bóng chiều (Cảnh vật), nửa như có nửa như không
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng)
Thứ hai là, đừng tìm kiếm cái đẹp ở đâu xa, mà phải tìm kiếm cái đẹp trong những sự vật tầm thường, nhỏ nhoi chung quanh ta. Như Nguyễn Trãi đã chợt ngộ đạo lý Bát Nhã của Phật giáo trong một lần đi dạo trên con đường làng bỗng thấy một bông hoa dâm bụt (mộc cẩn) nở rộ bên bờ rào cạnh bờ ao:
Ánh nước hoa in một đoá hồng
Vết nhơ chẳng bén Bụt làm lòng
Chiều mai nở chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
(Hoa Mộc Cẩn)
Và sau cùng, phải biết khát khao những chân trời của tự do, mà muốn đến được chân trời ấy thì chúng ta phải chấp nhận lên thác xuống ghềnh. Vì chỉ trong tự do thì chúng ta mới khám phá ra được mọi vẻ đẹp của cuộc đời. Như Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà thơ và nhà tư tưởng lớn nhất của đời Trần ở thế kỷ thứ 13 đã sử dụng ngôn ngữ của thi ca để gửi gắm tâm sự ấy trong bài thơ có nhan đề Vui thích giang hồ (Giang hồ tự thích):
Tiểu đỉnh trường giang đãng dạng phù
Du dương trạo bát quá than đầu
Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn
Trắc giác thu phong biến thập châu
(Sông dài thuyền nhỏ nổi lênh đênh
Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh
Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến
Gió thu như đã dậy mênh mông)
(Đào Phương Bình dịch)
Nói tóm lại, yêu quê hương đất nước, yêu cái đẹp và khát khao tự do là những chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong tập sách này.
Trong lần tái bản này, người viết có thêm ba bài về thiền sư Chân Nguyên, một thiền sư chẳng những quan trọng đối với văn học và tư tưởng của Phật giáo mà còn quan trọng với cả văn học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 17 nữa.
Sau cùng, xin các vị thức giả và bạn đọc thứ lỗi những thiếu sót và sai lầm mà chắc chắn phải có trong tập sách này, dù người viết đã cố gắng
hết sức mình.
Thích Phước An
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này